Pages

08 March 2018

CHUYỆN MAY RỦI VÀ CẦU AN



Cứ mỗi đầu năm, người ta đi lễ cầu an, chen vai, chen chân nơi chùa, nơi miếu… hàng nghìn người ngồi lấn ra cả vỉaa hè, cả ngoài đường…. thấy mà tội nghiệp quá. Cái ý thức về một con người hài hòa tự do đâu mất rồi, nhà trường, gia đình đã dạy những gì khi toàn các trai thanh gái lịch, người khỏe mạnh, cường tráng, thậm chí các ông các bà bằng cấp, học vị đầy túi…..mà không tự mình quyết định cuộc đời của chính mình mà lại đi mong ngóng, xì xụp cầu xin ở những đâu là đâu….!



Trong đời sống thường nhật, khái niệm rủi may cũng như là khổ đau và hạnh phúc, đây chỉ là những cụm từ, những khái niệm luôn đi đôi với nhau, không tách rời ra được. Cũng cùng một vụ việc, nhưng lại là rủi cho người này mà lại là may cho người kia, tùy theo cách nhìn và cách chấp nhận của mỗi người trong cuộc mà thôi. Anh A đến thăm nhà anh B, bạn bè lâu ngày không gặp, hết chuyện này dẫn sang chuyện kia, đến lúc về thì ra trễ nên nhỡ một chuyến tàu, ngày hôm sau mới có chuyến về, anh A lo âu: rủi quá, để bà xả ở nhà đợi cơm….trong khi anh B thì xoa tay cười hể hả: thế là tao có được mầy thêm một đêm, mặc tình mà tâm sự, vui quá! Mầy nói vợ mầy thông cảm một đêm vậy! Thành ra đâu là may và đâu là rủi?

Ở nước ta hay phần đông các nước Á châu, có nhiều người khi gặp chuyện không may thì hay chạy đi tìm nguyên nhân từ những nơi siêu nhiên hay qua mấy ông thầy bói, thầy tướng. Trong nhà có người bệnh thì thầy phán tại bỏ bê chuyện hương khói, quà lễ; gặp tai nạn chi đó thì thầy cho là ra đường không coi ngày coi giờ……toàn là những nguyên nhân không ai biết riêng chỉ có mấy Thầy mấy Cô biết mà thôi…

Nếu quả các Thầy Cô này thật là các bậc cao minh hiếm có thì dân ta đâu có ngày nay đói khổ như thế này. Những chuyện „hô phong hoán vũ“ ầm ầm càng chứng tỏ cái thiếu sáng suốt của niềm tin rồi đi đến sự lệ thuộc vào các người tài vặt này.

Tôi vốn chơn chất, không có trình độ để hiểu được cái „huyền bí“ của vũ trụ, nên mỗi khi gặp phải những chuyện không tốt, theo lời giảng dạy của Bụt, đầu tiên là tôi đi tìm nguyên nhân từ chính bản thân tôi, ngay khi tôi bị gãy tay khi treo tấm lịch ngày đầu năm, tôi „tự kiểm điểm“ một cách nghiêm khắc với chính mình: không bao giờ được đứng trên cái ghế ba chân mà phải dùng cái ghế bốn chân mới không bị ngã…và trong cái rủi ro kéo dài gần hai tháng đó, tôi mới có cái may rất thích thú là tay trái của tôi cũng có thể làm được nhiều việc thay cho bàn tay phải lắm lắm.

Qua những kinh nghiệm bản thân cùng những điều mình được chứng kiến, tôi hầu như tin vào những hiểu biết dung dị rõ ràng của mình. Mà thiệt vậy, cuộc sống của mỗi người là do chính bản thân người đó quyết định, cùng với sự hỗ trợ nâng đỡ của gia đình, quê hương, kiến thức học hỏi và nơi, cùng hoàn cảnh mà người đó đang sống…

Vẫn biết, trong nhân gian vẫn có nhiều điều gọi là bí ẩn, không giải thích được….những hiện tượng này, theo tôi, vì khoa học chưa phát triển đầy đủ để giải mã những mờ mờ ảo ảo này, nó đã và đang từng chi phối cuộc sống của những người non lòng nhẹ dạ.  Tôi tự hỏi, người phương tây không cầu cúng, lễ bái, lên đồng, xin xỏ, coi ngày coi giờ, coi phương coi hướng, gõ bên này, dộng bên kia…. như chúng ta, vậy mà họ vẫn có một cuộc sống văn minh, tiến bộ và nhiều thành tựu hơn ta nhiều. Thành ra Tín Ngưỡng là nét đẹp đặc thù văn hóa, đây là bản sắc từng dân tộc cần gìn giữ để trái đất này luôn đa dạng, phong phú hơn mà thôi, nhưng không nên lạm dụng một cách mù quáng.

Với các bậc ông bà tổ tiên trong dòng họ, tôi vẫn giữ cái tục cúng giỗ chu đáo, để tưởng nhớ công lao của họ ngày xưa, để dâng lên lòng thành kính của các con cháu, một cách tỏ tấm lòng „uống nước nhớ nguồn“ hay „chim có tổ, người có Tông“… chứ không phải sợ các vị khuất mày khuất mặt “ban phúc giáng họa“. Tôi theo lời Bụt dạy: sống tử tế với mọi người, không ganh tị, bon chen, giành giật, sẵn lòng giúp đỡ bất cứ những ai trong phạm vi khả năng cho phép của tôi. Những điều này tôi đã được thấy từ Ông bà, Cha mẹ…và một khi làm được những việc này, tôi thấy cuộc sống mình nhẹ nhàng thanh thản hơn, chứ không phải để hy vọng mình sẽ luôn được may mắn hơn. Tôi không làm điều ác không phải vì sợ „Trời trả báo“ mà vì tôi được gia đình dạy nhân hậu, khoan dung, hiền hòa với mọi người từ thủa bé, nên bây giờ mỗi khi làm điều gì đi ngược với đạo lý thì thấy lương tâm cắn rứt khó chịu, có phải mình tự hại mình không?

Mỗi khi tham gia từ thiện, cũng vì ngày xưa từ lớp mẫu giáo, tôi đã được dạy „thương người như thể thương thân“, thế thì tôi chia sẻ, giúp đỡ…chứ không nghĩ là làm như vậy là để „bỏ ống“ hay „tích phước“ cho con cháu sau này. Vì có cơ hội chia được, sẻ được….người nhận có niềm vui thì người cho cũng sẽ vui cùng.

Cứ mỗi đầu năm, người ta đi lễ cầu an, chen vai, chen chân nơi chùa, nơi miếu… hàng nghìn người ngồi lấn ra cả vỉaa hè, cả ngoài đường…. thấy mà tội nghiệp quá. Cái ý thức về một con người hài hòa tự do đâu mất rồi, nhà trường, gia đình đã dạy những gì khi toàn các trai thanh gái lịch, người khỏe mạnh, cường tráng, thậm chí các ông các bà bằng cấp, học vị đầy túi…..mà không tự mình quyết định cuộc đời của chính mình mà lại đi mong ngóng, xì xụp cầu xin ở những đâu là đâu….!

Cầu an và được an thì không gì bằng cách sống điều độ, đúng cách mà khoa học văn minh ngày nay luôn khuyên bảo: cầu an bằng cách đừng sử dụng quá mức cho phép từ các chất rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Không dính vào xì ke ma túy; cầu an cũng là khi ta cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, hành động bằng những lời lẽ ôn hòa, dung dị, không phe phái phân biệt hay vì tư lợi, danh lộc… bằng lòng với cuộc sống vừa đủ, thanh đạm, biết đủ về vật chất nhưng phong phú thoải mái về tinh thần, sống sao trọn tình trọn đạo để lòng luôn thanh thản, không lo lắng vì những lầm lỗi và cũng không bị để ảnh hưởng bởi những ước muốn viển vông xa rời thực tế… Đó mới đúng là những phương cách cầu an cụ thể và tốt nhất cho mình vậy!.

Có những khi tuy rất cẩn thận giữ gìn, nhưng cũng vẫn gặp chuyện bất như ý, „tai bay họa gửi“ thì tôi cũng nhìn đó là một chuyện ngẫu nhiên (có may thì phải có rủi), có tránh cũng không tránh được. Không có ai trong đời gặp toàn chuyện may mắn cả. Sống tùy duyên và sống cùng cái Tâm thì sẽ được an. Những quyền phép bên ngoài của ông Thầy này hay Bà Cô nọ không làm sao giúp cho ta có cái An đích thực được.

Và khi có An rồi thì chuyện may rủi chỉ là gió thoảng mây bay mà thôi.

Hiên trúc, mùa thu 2017
Bông Lục Bình


0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites