Pages

29 December 2017

THOÁT VÒNG SỐNG CHẾT - PHẦN 1


Với lại, một khi thần thức đã rời khỏi xác thân, người chết khi vẫn thường hay mê muội, nên cứ đắn đo mà tự hỏi: Ta đã chết hay chưa chết? Hơn nữa, người chết cũng hay mơ màng mà thấy được thân thuộc, mỗi mỗi đều hiện ra trước mắt, ví như gặp nhau trong cảnh mộng.




Tác giả: Lưu Dịch Nguyên
LỜI GIỚI THIỆU 


Trước đây gần ba ngàn năm Đức Phật đã từng dạy: "Trong một bát nước có đến tám muôn bốn ngàn vi trùng". Sống trong thời đại ấy, nếu ai đã được nghe qua thì chắc không khỏi mỉm cười cho là vô lý, rồi đem lòng ngờ vực không tin. Nhưng dù có tin hay không, sự thật bao giờ vẫn là sự thật, không phải vì thế mà kém phần giá trị của nó. 


Tập Thoát vòng sống chết này, do Liêu Dịch Nguyên cư sĩ đã sưu tầm trong các kinh điển mà biên soạn. Sau khi phiên dịch xong, Thầy Thích Quang Phú có nhã ý đưa tôi xem. Tôi nhận thấy trong đó có nhiều điểm rất hay đối với nhân tâm thế đạo, có thể giúp ích một phần nào cho những ai đang nghiên cứu về môn "Thần linh học".

Tôi thiết tưởng: Hàng phật tử xuất gia nên coi đây mà lo trau dồi đức hạnh, đào luyện thân tâm, hầu cứu vớt sinh linh thoát vòng đau khổ để thực hành công việc lợi tha trong muôn một. Hàng Phật tử tại gia cũng nên xem vào đây mà thực hành cứu độ cho vong linh, trong giờ phút cuối cùng "ngàn thu vĩnh biệt", hầu mong tỏ lòng hiếu thảo chân chính, cải bỏ những tục lệ sai lầm trong khi tang lễ, gây nên một phong trào chánh tín Phật-Pháp ở tương lai. Như thế hẳn là tập sách đáng đem lưu truyền đây đó.

Còn về Trung ấm thân thì như Đức Phật đã dạy: "Chỉ có người nào chứng được thánh nhãn mới xem thấy, ngoài ra những kẻ phàm phu chưa chứng chánh trí thì không thể nào thấy được". Thế thì nó có hoang đường hay không sẽ có thời gian trả lời.

Cũng như ngày nay không cần phải giải thích, nhưng với sự thực, mọi người đều thấy trong nước có vô số vi trùng.

Hiện tại, tôi rất mong quí Phật tử tại gia và xuất gia nên y theo trong này mà thực hành, để cho người đã chết cũng như người còn sống được hưởng thụ nhiều phần lợi ích. Thực ra, đạo Phật không phải chỉ chú trọng khi sắp chết, nhưng muốn khi sắp chết cũng như khi đang sống ai nấy đều được an vui, nên ngoài những phương pháp phải thực hành khi đang sống, Đức Phật còn chỉ cho ta mọi phương pháp để thực hành trong khi sắp chết hay đã chết.

Vậy chúng ta không có quyền nói: "Đạo Phật chỉ chú trọng cái chết mà bỏ quên sự sống". Cũng bởi lẽ ấy, nên tôi xin ân cần giới thiệu tập sách này cùng toàn thể Phật tử xa gần.

Giám Đốc Trường Phật Học Báo Quốc

THÍCH TRÍ THỦ



Thay lời tựa

Sống trong vòng vũ trụ, đã là vật hữu hình tất nhiên phải có sinh diệt, có thành hoại. Đó là công lệ của mọi sự vật, cũng là định luật bất di bất dịch của cuộc đời. Vậy sống chết chỉ là lẽ thường, cần gì ta phải quan tâm đến? Có lẽ cũng vì ý nghĩ ấy, nên ngày xưa Đức Khổng Tử đã trả lời với học trò mình bằng một câu tuy gọn gàng, nhưng đầy ý nghĩa trách móc: "Chưa biết được sự sống, làm sao hiểu được việc chết!".

Nhưng sống ở đời, trừ những hạng thiếu học hỏi, thiếu suy nghiệm và những ai chỉ biết say đắm theo vật dục, mà không thiết đến đời sống của tinh thần, ngoài ra những kẻ có học hỏi, biết suy nghiệm thì ngoài những phút hoan lạc, những giờ lo sống, nếu muốn xác nhận ý nghĩa của cuộc đời và xây đắp một hạnh phúc vĩnh viễn cho tương lai, chắc họ không khỏi băng khoăn tự hỏi: "Sinh từ đâu mà đến? Chết rồi sẽ đi đâu và đã hết khổ chưa? Muốn tránh thoát những nỗi khổ ở đời thì làm thế nào?" - Với những câu hỏi ấy, sẽ làm cho họ phải thắc mắc trong tâm trí, vì đấy là những vấn đề khó khăn chưa có ai giải quyết được rành mạch.

Gần đây ông Lưu Dịch Nguyên cho ra tập sách "Thoát Vòng Sống Chết" này cũng không ngoài mục đích để trả lời những nỗi thắc mắc như trên. Tập sách nhỏ này với cái lượng của nó tuy hẹp hòi, nhưng chỉ ngần ấy trang, bấy nhiêu mục, nhờ ở tài khéo diễn tả của tác giả, cũng đủ cho chúng ta thấy: Về mọi hành vi, cử chỉ và những ý nghĩ lạ lùng của con người khi sắp chết hay đã chết. Hơn nữa, tác giả còn vạch ra một con đường cho ta (theo xu hướng) là: Áp dụng phương pháp Niệm Phật để cứu độ cho trạng thái Trung ấm. Như thế, (cái) lượng của nó tuy nhỏ, nhưng phẩm của nó vẫn là lớn vậy.

Những điều đã diễn tả sau đây, chính là những tài liệu mà tác giả đã thu gặt được trong các kinh luận thật không phải là ức thuyết hay bịa đặt. Đọc đến nó các bạn sẽ thấy lắm chuyện ly kỳ và không khỏi ngờ vực mà cho là hoang đường hay mê tín. Nhưng chúng ta nên hiểu rằng những cảnh tượng lạ lùng ấy chỉ là những ảo ảnh của tâm thức đã biến hiện, và do năng lực của nghiệp duyên mà cảm thấy đó thôi. Điều đó đúng như câu "Tùy chúng sinh tâm, ứng sở tri lượng, tuần nghiệp phát hiện" mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Thật là một quyển sách có giá trị, rất cần cho những kẻ sơ cơ trên bước đường tu tập.

Vì nhận thấy có nhiều sự lợi ích và bổn phận vị tha thúc giục, nên tôi không quản lời lẽ vụng về, văn chương non nớt, tạm dịch ra đây để cống hiến quý vị thiện tín, hầu mong ai nấy cùng hiểu và cùng tu, cùng được thoát vòng sống chết.

THÍCH QUANG PHÚ





SỐNG VÀ CHẾT



Nếu ai hiểu được lẽ sống, thoát khỏi sự chết, sanh về thế giới Cực Lạc, thì đó là trạng thái của Niết-bàn. Nhưng muốn đạt mục đích giải thoát ấy thực không phải là một việc dễ dàng. Đối với Phật pháp, ta phải có một lòng tin vững chắc, phải cố gắng tu trì, hoặc nhờ duyên lành đời trước, khi từ trần gặp được bạn đạo chỉ giáo mà chuyên lòng Niệm Phật. Nhờ oai thần của Phật và Bồ-tát dìu dắt, nên ta được sanh về thế giới Cực Lạc hay một cảnh giới Tịnh độ nơi khác. Như thế, người Phật tử không nên hiểu lầm, như quan niệm của người trong thế tục: "Chết rồi là xong".

Bởi vì nếu ta chưa rõ lẽ sống, thì làm sao biết được việc chết? Đã thế sống rồi chết, chết rồi sống, sống với chết không khi nào thôi, cứ xoay vần quanh quẩn làm sao mà xong được?

Người đệ tử Phật đối với thế sự đã xem thường, xét được kỹ, nhận được sâu, đã hiểu cuộc đời là khổ, kiếp sống là đáng thương. Vì đối với thế tình cảm nhận được rõ ràng, mới gọi là hiểu được lẽ sống. Còn thế nào gọi là thoát được sự chết? - Như chúng ta đang sống đây, dù là việc công hay việc tư - thư nhàn hay bận rộn. Đối với một câu danh hiệu Di Đà, ta chịu trọn đời tin tưởng, niệm nào cũng mong đến Lạc-bang, tâm nào cũng chán nhàm khổ cảnh. Được thế, đến khi ta từ trần quyết định vãng sanh, và như thế mới gọi là thoát được sự chết.

Những kẻ chưa được liễu sinh và chưa thoát tử, nghĩa là chưa có sự giác ngộ và giải thoát như trong kinh Đức Phật đã dạy: "Họ phải đi vào giai đoạn trung ấm". Trạng thái trung ấm ấy sẽ tùy theo nghiệp duyên mà thụ sinh, thời gian thụ sinh có lâu mau không nhất định. Những yếu điểm mà tôi sắp thuật sau đây, chính là đem phương pháp Niệm Phật để cứu độ cho trạng thái trung ấm ấy, làm cho thoát vòng tử sinh, và được sinh về thế giới Cực Lạc.

Bây giờ tôi xin chia ra từng điều mục là lần lượt thuật lại như sau:



TRUNG ẤM LÀ GÌ?



Trung ấm cũng gọi là Trung hữu. Ví như chúng ta đến khi thân này đã chết, gọi là Tử ấm, cũng gọi là Tử hữu. Đến khi tái sinh thân sau gọi là Sinh ấm, cũng gọi là Sinh hữu. Giữa khoảng đã chết và chưa sinh, trải qua 49 ngày đêm, trong thời gian ấy ta có một cái thân rất tinh tế gọi là Trung ấm thân (thế tục gọi là linh hồn, kỳ thật tên tuy đồng, nhưng ý nghĩa thì khác). Nói một cách dễ hiểu hơn, sau khi ta rời khỏi chỗ này, chưa sinh vào nơi khác, trong khoảng đã chết và chưa sinh, ở giai đoạn trung gian ấy, trong kinh Phật gọi là Trung hữu, cũng gọi là Thần thức, đó là Trung ấm thân vậy.

Những người đã có sẵn sự tu trì, những bậc hoàn toàn thiện nghiệp, chết rồi liền được vãng sinh, hoặc sinh về Tịnh độ, hoặc sinh lên Thiên đường. Còn những kẻ cực ác cũng thế, tắt hơi thở liền sa vào cảnh giới đau khổ. Chỉ có hai hạng người ấy là không vào trạng thái Trung ấm, ngoài ra đều phải trải qua giai đoạn Trung ấm.

Đúng theo kinh thì ý nghĩa của chữ "thân" là tích tụ, nghĩa là chứa nhóm. Ví như cái thân của chúng ta đây là do nhiều nguyên chất hòa hiệp nhóm góp mà tạo thành, nên gọi là tích tụ. Thế thì sau khi thân này đã chết và chưa thọ thân sau, trong giai đoạn ấy không thể gọi là thân được. Vì trong giai đoạn đó chỉ có thần thức mà thôi, chưa có tinh huyết của cha mẹ hòa hiệp, và chưa có những nguyên chất khác để cấu tạo. Cho nên trong giai đoạn ấy có thể tạm gọi là thân, vì nó có đủ sự thấy, nghe, hay, biết, qua, lại v.v... nhưng đó chỉ là cái ảo ảnh do thần thức biến hiện, trong kinh Phật có chỗ gọi là "Sắc công năng". Là cái xác thân do nơi chủng tử của thần thức mà hiện thành. Vì vậy, Thân trung ấm là một trạng thái tinh tế, không phải có mắt, tai thô tướng như thân này, mặc dù nó vẫn đủ tác dụng thấy, nghe, hay, biết. Thế nên nó có thể xuyên qua tất cả chướng ngại vật, cũng vì thế nên ta không thể trông thấy nó được.



KHI BỐN ĐẠI PHÂN TÁN



Trong thân thể của con người, chất cứng rắn thuộc về đất, chất lưu động thuộc về nước, hơi ấm thuộc về lửa, sự chuyển động thuộc về gió, bốn nguyên chất này có cùng khắp cả thế giới nên gọi là bốn đại.

A. Địa đại lấn áp Thủy đại.

Lúc đó khắp trong thân thể người bệnh, dù nhỏ như một lỗ chân lông, họ cũng cảm thấy nặng nề mỏi mệt và xâm lấn vào trong các tạng phủ. Hơn nữa trong mọi đốt xương người bệnh phải cảm chịu một sự áp bức vô cùng đau đớn, không thể tả được. Thế nên bệnh nhân mới có những hiện tượng: tay chân co rút, gân mạch run rẩy. Đấy là trạng thái địa đại lấn áp thủy đại.

B. Thủy đại lấn áp Hỏa đại.

Bấy giờ hơi lạnh chuyển khắp trong thân thể người bệnh, rồi nó thấm vào cốt tủy, làm cho mọi tạng phủ phải rung động, gan ruột đều giá lạnh, khí lạnh trong và ngoài xâm lấn nhau, dù cho có lửa lò cũng khó trừ được sự khổ ấy. Dù ta nằm trên băng tuyết cũng không thể sánh với khí lạnh ấy một phần trong muôn phần! Vì vậy ta thấy bệnh nhân: nhan sắc nhợt nhạt, hơi thở khò khè, thân mình run rẩy.

Đấy là triệu chứng của thủy đại lấn áp hỏa đại.


C. Hỏa đại lấn áp Phong đại. 


Lúc đó mạng sống của bệnh nhân đã lui mất hơn phân nửa, sức chống chọi đã yếu dần, sự khổ lại thêm nhiều, cho nên phong đại thổi vào hỏa đại, nóng như lửa đốt. Trong thì ngũ tạng, ngoài thì tứ chi, người bệnh cảm thấy như đang bị nung nướng mọi da, thứa, lóng, đốt như bị cắt chặt, đau đớn quá nên họ cứng đờ như khúc gỗ. Bấy giờ vẻ bề ngoài: nhan sắc ửng đỏ, tinh thần tối tăm, hơi thở ra thì nhiều mà hít vào lại ít. Đấy là triệu chứng của hỏa đại lấn áp phong đại.

D. Phong đại phân ly. 


Bấy giờ người bệnh bỗng cảm thấy có một thứ gió mãnh liệt thổi bạt thân thể, làm cho nó tan nát như vi trần, thật là đau đớn và rã rời. Đến đây thì bốn đại đều phân ly, các giác quan cùng bại hoại, chỉ còn thần thức - cũng như linh hồn - tùy theo nghiệp duyên đã tạo lúc sống còn mà thọ sinh.

Nếu người chết sẽ được sinh về Cực Lạc ở Phương Tây thì nhờ oai thần của Phật A Di Đà đến tiếp dẫn họ. Nếu người chết sẽ sinh lên Thiên đường thì có các vị Thiên tiên đến nghinh tiếp. Nhờ có nghiệp lành của mình, nên khi Thần thức bỏ xác thân vẫn được nhiều khoái cảm, không bị những cảnh khổ như trên. Chỉ có một điều rất cần là thân bằng quyến thuộc phải dè dặt chớ khóc lóc rộn ràng, vì sợ làm cho kẻ chết sẽ bị tình thương lôi cuốn, ham đắm theo cảnh tình thế gian, rất chướng ngại cho sự vãng sinh.

Ta cũng không nên động chạm đến họ gấp, như dọn dẹp mền nệm, chùi rửa thay đổi áo quần cho người chết, cần phải để yên độ tám tiếng đồng hồ, rồi sẽ tắm rửa thân thể, thay đổi quần áo và nhập liệm. Nếu không theo đúng như thế, thì khi Thần thức chưa hoàn toàn bỏ thân, bị xúc động phải chiụ sự đau đớn, nhân đó mà sinh ra sân hận rồi phải đọa vào cảnh giới tội ác.
Ta lại nên xét kỹ lúc sinh thời của người đã chết, hoặc tuy rằng tin Phật, nhưng biếng nhác không tu trì, hoặc chưa đủ nguyện vọng tha thiết, vì nghiệp chướng nặng nề, cho nên khi từ trần họ bị mê mờ, ta phải hiểu rằng người đó chưa được vãng sinh. Khi đó ta nên mời các vị Thiện hữu đã tu theo pháp môn Tịnh độ, đối trước thi thể của người chết, hoặc đối trước linh sàng của người chết mà chỉ bảo cho vong linh. Còn trong gia quyến mỗi ngày phải luân phiên niệm Phật ba phen để cứu độ, hầu dìu dắt thần thức của người chết chăm chú về Cực Lạc. Bởi vì khi đó sự thọ sinh chưa quyết định có thể thay đổi bất ngờ, ta cứu độ được đúng phép thì kẻ chết có thể bỏ giả về chân, biến phàm thành Thánh, một cách dễ dàng. 



GIAI ĐOẠN TRUNG ẤM


Sau khi con người hơi thở đã tắt, thần thức cũng rời khỏi thân, nếu chưa liền được giải thoát, thì ai nấy đều phải trải qua một trạng thái tối tăm mờ mịt, trong một thời hạn lâu đến ba ngày rưỡi hoặc đến bốn ngày, rồi sau đó mới có cái cảm giác minh mẫn. Đó là bắt đầu vào giai đoạn (cảnh) Trung ấm.
Nhờ ở sự minh mẫn ấy, nên có thể ở trong một khoảnh khắc đã thấy được gia nhân quyến thuộc...
Với lại, một khi thần thức đã rời khỏi xác thân, người chết khi vẫn thường hay mê muội, nên cứ đắn đo mà tự hỏi: Ta đã chết hay chưa chết? Hơn nữa, người chết cũng hay mơ màng mà thấy được thân thuộc, mỗi mỗi đều hiện ra trước mắt, ví như gặp nhau trong cảnh mộng.
Xét ra, trong lúc đó, nếu người chết mà không tự biết rằng mình đã chết hay chưa chết, thì những thân thuộc nên vì họ mỗi ngày ba phen luân phiên niệm Phật, để nhờ oai lực của Phật dắt dìu họ về nơi Cực Lạc. Như thế, thì dù có nghiệp duyên đi nữa, cũng không thể làm trở ngại họ được; Ví như mặt trời đã mọc lên, sẽ phá tan đám sương mù đêm tối. Cũng như thế, trí tuệ thanh tịnh sáng suốt của Phật có thể tiêu diệt nghiệp chướng tăm tối của chúng sanh vậy.
Và, trong lúc đó, thần thức của người chết hoặc đi vào thế giới mới, chính họ cũng đương ngơ ngác, chưa biết mình sẽ đi vào đâu là phải. Thế nên ta phải dùng phương pháp niệm Phật mà cứu độ cho họ, phải nhờ những bậc Thiện hữu chỉ giáo cho họ biết cách hướng về thế giới Cực Lạc.
Thiện hữu nên dùng những lời sau đây mà khai thị: "Vong linh...! Nếu ngươi đến trên mặt nước hay trước tấm gương mà soi, thì ngươi sẽ không thấy được diện tướng của ngươi hiện vào nữa, vì thân Trung ấm này đã rời sắc thân do huyết nhục mà cấu tạo thành. Ngươi nên biết rằng, một khi đã vào giai đoạn Trung ấm thân, điều cần thiết là: Lúc này ngươi không nên nhớ nghĩ gì nữa, chỉ nên chuyên tâm niệm Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm đến cứu độ. Khi đó, Phật A Di Đà cùng Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ cảm ứng sự cầu nguyện của ngươi. Mong ngươi phải khéo tự phát tâm mà niệm Phật".
Thiện hữu phải theo như trên đọc ba phen cho rõ ràng mà chỉ giáo. Gia quyến mỗi ngày phải ba phen luân phiên niệm Phật để cứu độ.


NỖI LÒNG QUYẾN LUYẾN



Thân Trung ấm khi chưa được giải thoát, hay chưa trải qua giai đoạn đầu thai, thì thần thức ấy khi mê muội, khi minh mẫn. Có khi bỗng thấy được bà con, bạn bè vào một nơi nào đó, giống như gặp nhau trong cảnh mộng. Cho nên, họ sẽ đến trước các người trong cảnh mộng đó mà nói năng kể lể; nhưng các người đó hoàn toàn không hiểu được. Khi ấy họ buồn rầu không thể tả xiết, và giận dữ cũng phi thường. Bỗng lại nghe người ta gọi đến tên mình; liền thấy được bà con bạn bè, đến một bên thây xác của mình than khóc, hoặc thấy được các phẩm vật đã sắp bày trên bàn thờ. Rồi họ tự nhủ rằng : "Ta đã chết rồi! Làm thế nào? Làm thế nào?".

Khi đã sanh ra một niệm ấy, thì họ cảm thấy đau khổ vô cùng, có khác nào con cá mà bị nướng trong lò lửa đỏ!

Nhưng đấy còn là ở trong sự mê mờ, cho nên khi họ thấy vợ con than khóc liền đến vỗ về an ủi: "Ta còn đây, không nên khóc!" Tuy nhiên, các người kia cũng vẫn than khóc không chịu thôi nghỉ. Khi đó, trong lòng họ giận dữ, phẫn uất, cho nên vội vàng bỏ đi. Nhưng chỉ trong chừng một khoảnh khắc, vì lòng ái kiến vọng chấp chưa trừ cho nên họ vẫn vội vàng trở lại, để mong sẽ đền bù lại sự tức giận khi trước. Thế rồi cũng vẫn không vừa ý những cảnh tượng mà mình phải cảm nhận; cho nên họ vẫn có thái độ bất mãn như trước. Cứ như thế, trải qua đôi ba phen gặp gỡ như thế, nên nỗi buồn bực càng dập dồn; càng trải qua càng thêm mãnh liệt. Vì lòng phiền muộn xúi giục quá mạnh mẽ, đến nỗi họ không muốn suy xét đến lành dữ như thế nào, dù cho có mất giá trị thế nào, họ cũng không cần mến tiếc. Họ chỉ cần có chỗ nào để thọ sanh, hầu tránh nỗi khổ bơ vơ không nơi nương tựa. Những kẻ đầu thai vào cảnh giới tội ác đều bởi duyên cớ ấy đã xúi giục, sai khiến cả.

"Thân Trung ấm tuy còn luyến ái bà con bạn bè, nhưng ngặt nỗi đã bị cách trở nên không làm thế nào được, cho nên chớ có một mảy may luyến tiếc. Dù có trợ lực chịu lại xác thân tứ đại, thì cũng ở trong vòng đau khổ của sanh tử mà thôi. Vậy, ngươi hãy dẹp bỏ cái tham vọng được sống trở lại, chăm lòng niệm Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm, để cầu Ngài cứu độ cho"..

Thiện hữu phải theo như lời đã nói trên mà khai thị. Gia thuộc phải thành tâm niệm Phật mà cứu độ cho họ.




  
(còn tiếp)

1 Kommentare:

A DI ĐÀ PHẬT, QÍU SƯ ƠI, CHO CON XIN ĐỦ QUYỂN VƠI ĐƯỢC KHÔNG Ạ?

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites