Pages

01 August 2017

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 2) - PHẦN 7

Nay Như Lai lại hỏi ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng, các loại vật tượng sai khác, nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật nầy, cái gì chẳng phải là tánh thấy?





TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN
Giảng thuật
KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM
                                                         (QUYỂN HAI)



Kinh văn:

阿難白佛言世尊。若此見精必我妙性。令此妙性現在我前。見必我真。我今身心復是何物。而今身心分別有實。彼見無別分辨我身.

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh thấy nầy nhất định là chân tánh nhiệm mầu của con, thì diệu tánh đó phải ở ngay trước mắt. Tánh thấy đó chắc thật là con, vậy thân tâm con hiện nay là vật gì? Nhưng nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt được thân con.”
Giảng:
Đức Phật giảng bày giáo lý thậm thâm, pháp vi diệu, định lực nhiệm mầu, nhưng A-nan vẫn chưa thể nhập được, ông vẫn còn thích hỏi. A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh thấy nầy nhất định là chân tánh nhiệm mầu của con, thì diệu tánh đó phải ở ngay trước mắt.
Tánh thấy có thể thấy được chắc chắn là chân tánh nhiệm mầu của con, thì nó phải ở trước mắt con.” Bấy giờ A-nan cho rằng tánh thấy ở trước mặt mình: “Nếu tánh thấy đó chắc thật là con, vậy thân tâm con hiện nay là vật gì? Nếu tánh thấy của con thấy được con, thế thì thân tâm con hiện nay được gọi là gì? Nó là vật gì? Nhưng nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt được thân con. Thân tâm con có sự phân biệt, trong khi tánh thấy của con không có sự phân biệt nên không thể biết được thân con.”
Kinh văn:

若實我心,令我今見,見性實我,而身非我。

Nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được, thì tánh thấy ấy thật là con, còn thân chẳng phải là con.
Giảng:
 “Nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được, thì tánh thấy ấy thật là con, còn thân chẳng phải là con. Nếu Như Lai bảo rằng tánh thấy thật là tâm con, nó có thể khiến cho con thấy được và tánh thấy khiến có thể thấy được thật sự là con. Con thấy được, và do con thấy, nên con biết đó thực sự là tâm con. Nhưng con không thấy được tánh thấy của con, nên thực tế con không biết được nó có phải là của con hay không. Nếu tánh thấy là con, thì thân này không phải là của con. Nó trở thành là vật. Nó trở nên một vật khác.”
Khi A-nan nói, thực là A-nan đã khiến cho người khác khó hiểu nổi. May nhờ Đức Phật có đại trí huệ nên đã giúp cho A-nan trả lời được như A-nan đã làm.
Kinh văn:

何殊如來先所難言物能見我。惟垂大慈開發未悟.

Khác nào trước kia Như Lai gạn hỏi: “Vật có thể thấy được con chăng?” Cúi mong Đấng đại từ bi chỉ bày cho kẻ chưa ngộ.
Giảng:
Khác nào trước kia Như Lai gạn hỏi: “Vật có thể thấy được con chăng? Vì sao điều nầy lại khác với điều mà Thế tôn đã hỏi con trước đây? Thế tôn bảo, ‘nếu tánh thấy là vật, thì lẽ ra vật phải thấy được con.’ Bây giờ cái thấy đang ở trước mặt con, và nó đồng với nghĩa lý mà Thế tôn đã nói cho con trước đây. Cúi mong Đấng đại từ bi chỉ bày cho kẻ chưa ngộ. Nguyện xin Thế tôn đem lòng đại từ bi giảng giải cho chúng con đạo lý chưa được tỏ ngộ.”
Kinh văn:

佛告阿難,今汝所言。見在汝前,是義非實.

Đức Phật bảo A-nan: “Nay ông nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng.”
Giảng:
Quý vị có thể cho rằng A-nan là người mê trong mê. Thực vậy, mặc dù A-nan chắc chắn là không mê. Nhưng A-nan thị hiện tướng chúng sinh đang mê muội để giúp cho chúng sinh giải trừ sự mê muội ấy. A-nan hành xử với hành vi của mọi chúng sinh. A-nan khiến họ thấy rằng A-nan mê muội đến mức độ như vậy mà cũng được giác ngộ . Nay chúng ta hãy xem xét ý nghĩa của kinh văn, có nhiều người thông minh hơn A-nan rất nhiều, và cũng ít mê mờ hơn. Trước đây trong kinh văn, A-nan đã nói rằng cái thấy đang ở trước mắt mình và không liên quan gì đến thân A-nan. Rồi A-nan cầu xin Đức Phật chỉ dạy cho ông đạo lý nầy. Đức Phật bảo A-nan: – Do A-nan hỏi, nay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp trả lời. “Nay ông nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng.” Ông nói rằng tánh thấy có thể thấy được vật là ở trước mặt ông, nhưng sự khẳng định của ông là hòan toàn nhầm lẫn, hòan toàn sai lầm. Đức Phật tức thì chỉ thẳng cho A-nan.
Kinh văn:

若實汝前,汝實見者。則此見精既有方所非無指示。

Nếu tánh thấy thực sự ở trước mặt ông, và ông thật thấy được, thì tánh thấy nầy đã có chỗ nơi, chẳng phải không chỉ ra được.
Giảng:
 Nếu tánh thấy thực sự ở trước mặt ông– nếu trường hợp ấy thực sự là cái thấy ở trước mặt ông và ông thật thấy được. Thì lẽ ra ông phải thấy được cái thấy. Nhưng ông đã không thấy được cái thấy, thế nên điều ông nói là sai. Nếu ông thực sự thấy được nó, thì tánh thấy nầy đã có chỗ nơi. Ở phía trước mặt nghĩa là phải có một vị trí. Chẳng phải không chỉ ra được. Nếu cái thấy là ở trước mặt ông, điều gì biểu hiện ở đó khiến cho ông nghĩ rằng nó hiện hữu ở đó.
Kinh văn:

且今與汝坐祇陀林。遍觀林渠及與殿堂。至日月前對恒河。汝今於我師子座前。舉手指陳是種種相。陰者是林,明者是日。礙者是壁,通者是空。如是乃至草樹纖毫大小雖殊。但可有形無不指著。

Vậy nay Như Lai cùng ông đang ngồi trong vườn Kỳ-đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa; xa đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng. Nay ông dang ở trước toà sư tử của Như Lai, hãy dùng tay chỉ rõ ra các tướng loại ấy: chỗ mát là rừng cây, chỗ sáng là mặt trời, chỗ ngăn ngại là vách, chỗ thông suốt là hư không. Như thế cho đến cỏ cây, mảy lông lớn nhỏ tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được.

Giảng:
Đức Phật nói đoạn kinh văn nầy để phá trừ chấp trước của A-nan. “Vậy nay Như Lai cùng ông đang ngồi trong vườn Kỳ-đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa; xa đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng.
Ngồi trong vườn cây của Thái tử Kỳ-đà,[1] từ các hồ nước nhỏ ở đây trong khu già-lam, xem đến các cung điện mặt trời mặt trăng, đối diện với sông Hằng, Nay ông đang ở trước toà sư tử của Như Lai, hãy dùng tay chỉ rõ ra các tướng loại ấy. Ông hãy dùng tay chỉ ra các loại tướng trạng khác nhau nầy. Chỗ mát là rừng cây– chỗ râm mát là rừng cây; chỗ sáng là mặt trời là nơi được mặt trời chiếu sáng; chỗ ngăn ngại là tường vách – nơi chướng ngại không cho các vật xuyên qua; chỗ thông suốt là hư không– nơi xuyên qua được và không chướng ngại. Như thế cho đến cỏ cây, mảy lông lớn nhỏ. Như Lai nói tổng quát; ‘và như thế’ có nghĩa là bao gồm hết thảy các vật chưa được đề cập đến, từ ngọn cỏ cho đến mảy lông. Như tôi đã giảng ở trước:
Ư nhất mao đoan hiện bảo vương sát
於 一 毛 端 現 寶 王 刹
Toạ vi trần lý chuyển đại pháp luân.
坐 微 塵 裡 轉 大 法 輪
Vi trần, có nghĩa là, một hạt bụi rất nhỏ, và một mảy lông, đều biểu tượng cho vật nhỏ nhít nhất. Tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được.
Lớn hay nhỏ, tất cả nhưng vật đã có hình tướng đều có thể chỉ ra được. Nay trong số đó quý vị có thể chỉ ra tánh thấy là vật nào chăng? Cái nào là tánh thấy của quý vị?
Tánh thấy đã được nói đến rất nhiều lần, nhưng A-nan vẫn không hiểu được, thế nên tánh thấy vẫn còn được giải thích nữa. Có 10 biểu tượng của tánh thấy, 10 dạng đặc điểm để chỉ ra tánh thấy không sinh diệt, không đến đi. Thực sự có lẽ A-nan đã nhận ra rồi, nhưng vì chúng sinh mà A-nan hỏi pháp, vì có nhiều chúng sinh vẫn chưa hiểu được. Như khi A-nan tham vấn về tánh thấy với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, như thể đang đối đáp từng lời trong một vở kịch, mỗi ý đều ăn khớp với nhau.
Kinh văn:

若必有見,現在汝前。汝應以手,確實指陳,何者是見。阿難當知,若空是見。既已成見,何者是空。若物是見。既已是見,何者為物.

Nếu nhất định có cái thấy hiện ở trước mắt ông, thì ông phải dùng tay chỉ chính xác cái nào là cái thấy. A-nan nên biết, nếu hư không là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là hư không? Nếu vật là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là vật?
Giảng:
Nếu nhất định có cái thấy hiện ở trước mắt ông: nếu ông nhất định muốn cho rằng tánh thấy của ông là vật hiện ra trước mặt ông, thì nó chắc chắn giống như một vật đã được đặt ở đây, thì ông phải dùng tay chỉ chính xác cái nào là cái thấy. Nếu nó ở trước mắt ông, thì lẽ ra ông phải chỉ ngay nó ra. Đúng vậy không? Nói nhanh!
Nhưng A-nan không nói được một tiếng. Sao vậy? A-nan không tự chủ được. A-nan muốn đưa ra vấn đề khác để tranh luận, nhưng A-nan chưa có một ý tưởng mới nào trong đầu cả, thế nên A-nan vẫn líu lưỡi.
“A-nan nên biết, nếu hư không là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là hư không? Ông phải biết điều nầy! Ông đã hiểu chưa? Đến đây, Đức Phật có hơi sốt ruột.
Vốn Đức Phật không bao giờ sốt ruột nhưng bây giờ dường như cơn sốt ruột trong Ngài trỗi dậy. “Nếu hư không là cái thấy thì lẽ ra nó không có tên ‘hư không’. Thế hư không tự nó đã biến đi đâu? Nơi nào có cái thấy, nơi ấy lẽ ra chẳng có hư không. Nếu tánh thấy của ông nằm ở đó, thì ở đó chẳng có hư không. Vậy cái gì là hư không – hư không hay tánh thấy? ”
“Nếu vật là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là vật? Có lẽ ông sẽ nói, ‘chẳng phải tánh thấy của tôi là hư không. Đúng ra mọi thứ mà tôi thấy được phía trước đều là cái thấy của tôi.’ Thế thì, cái gì là vật? Nếu vật là tánh thấy của ông thì lẽ ra nó không được gọi là vật. Nếu nó không phải là vật thì nó là cái gì? Nói nhanh!”
 Đức Phật đối chất trực tiếp với A-nan và buộc A-nan phải trả lời.
Kinh văn:

汝可微細披剝萬象。析出精明淨妙見元,指陳示我。同彼諸物分明無惑.

Ông nên phân tích kỹ càng trong vạn vật, chọn ra tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, chỉ rõ ra ngã thể cùng các vật kia một cách phân minh không nhầm lẫn.
Giảng:
“Ông nên phân tích kỹ càng trong vạn vật. Ông hãy vận dụng bộ não một cách tinh tế để nghiên cứu thật chi tiết, để đừng nói một cách vô tình và nhầm lẫn nữa. Đừng trả lời ngay không chút do dự. Nay ông nên vắt kiệt trí lực của ông để tham cứu kỹ câu hỏi nầy. Suốt hết thảy mọi hiện tượng – chọn ra trong số hình tượng của cả ngàn vật thể như cách ông đi xuyên suốt qua nó và giải phẫu nó ra bằng dao, bóc nó ra từng mảnh, như thể ông dùng dao tách dần từng lớp da ra vậy.
“Chọn ra tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, chọn ra rõ ràng tánh thấy sáng suốt mà mọi người có thể thấy và nhận ra được, tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu nhất có thể thấy được. Chỉ rõ ra ngã thể cùng các vật kia. Ông nói xem; hãy chỉ ra rõ ràng ngay cái gì là tánh thấy của ông và cái gì là vật một cách phân minh không nhầm lẫn. Ông phân biệt điều nầy được chăng? Hãy thử xem!”
Kinh văn:

阿難言,我今於此重閣講堂。遠洎恒河,上觀日月。舉手所指,縱目所觀。指皆是物,無是見者。

世尊如佛所說。況我有漏初學聲聞。乃至菩薩,亦不能於萬物象前剖出精見。離一切物,別有自性.佛言:如是如是。

 A-nan bạch Phật: “ Nay con ở trong giảng đường Trùng Các, nhìn ra xa thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng. Cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, thảy đều là vật, chẳng phải là tánh thấy. ”
“Bạch Thế tôn, đúng như lời Phật vừa dạy, chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh văn chúng con, cho đến hàng Bồ-tát cũng không thể nào trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tính.”
 Đức Phật bảo: “Đúng thế! Đúng thế!”

Giảng:
A-nan bạch Phật Đáp lại lời yêu cầu của Thế tôn, “ Nay con ở trong giảng đường Trùng Các, giảng đường có hai tầng, nhìn ra xa thấy sông Hằng. Khi nhìn ra xa, con thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng. Cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, thảy đều là vật, chẳng phải là tánh thấy.” Khi mí mắt rũ xuống hay nhắm lại thì được gọi là ‘không thấy’, nhưng khi mắt mở lớn thì được gọi là ‘nhìn thấy’. “Mọi vật mà con nhìn thấy khi mở mắt ra, mọi thứ có thể chỉ ra được đều là vật, không phải là tánh thấy. Chẳng có vật gì chỉ ra được là tánh thấy cả.”
“Bạch Thế tôn, đúng như lời Phật vừa dạy. Như giáo lý Như Lai đã dạy trước đây, chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh văn chúng con, cho đến hàng Bồ-tát cũng không thể nào trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tính. Con là hàng Thanh văn sơ học, là Thanh văn vừa mới chứng được Sơ quả và năng lực thần thông của con còn rất yếu. Cho nên con vẫn còn trong hàng hữu lậu, vì hàng vô lậu là những bậc đã chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Nhưng Đức Phật dạy rằng ngay cả hàng Bồ-tát cũng không ai có thể đập vỡ ra từng cái trong vô số vật tượng, như thể có người dùng dao tách nó ra rồi tìm xem tánh thấy trong đó. ‘Vì tánh thấy của ông không phải là vật, nên ông không thể đặt để nó như là vật trong vô số vật tượng.”
Đức Phật bảo: “Đúng thế! Đúng thế! Lần nầy ông nói rất đúng. Đạo lý như vậy đó.” Đức Phật lập lại hai lần: “Đúng thế! Đúng thế!” Đức Phật muốn nhấn mạnh điểm ấy bằng cách lập lại. Điều nầy chứng tỏ Ngài rất hài lòng với ý kiến của A-nan. Đức Phật nói: “Bây giờ ý kiến của ông không sai lầm nữa. Không như ông đã trình bày trước đây.”
Kinh văn:

佛復告阿難。如汝所言,無有精見。離一切物,別有自性。則汝所指,是物之中無是見者.

Đức Phật lại bảo A-nan: “Như ông đã nói không có cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tánh, thì trong tất cả vật ông chỉ ra được chỉ là vật chứ không phải là cái thấy.”
Giảng:
Đức Phật sẽ hỏi câu hỏi khác để hiển bày tánh thấy.
Đức Phật lại bảo A-nan: “Như ông đã nói không có cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tánh. Không có cái gì đặc biệt gọi là tánh thấy. Thì trong tất cả vật ông chỉ ra được chỉ là vật chứ không phải là cái thấy. Trong tất cả mọi vật tượng mà ông chỉ ra được đều là vật. Trong những thứ nầy không có gì là tánh thấy.
Kinh văn:

今復告汝,汝與如來。坐祇陀林更觀林苑。乃至日月種種象殊。必無見精受汝所指。汝又發明此諸物中,何者非見.

Nay Như Lai lại hỏi ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng, các loại vật tượng sai khác, nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật nầy, cái gì chẳng phải là tánh thấy?
Giảng:
 Nay Thế tôn sẽ giảng bày đạo lý khác cho ông.
Nay Như Lai lại hỏi ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà” A-nan cùng Thế tôn cùng cả đại chúng đang ngồi trong vườn Kỳ-đà– “lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng– vườn hoa, mọi thứ có thể nhìn xem được từ đây cho đến mặt trời mặt trăng trên bầu trời– các loại vật tượng sai khác, nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật nầy, cái gì chẳng phải là tánh thấy. Cái gì trong số những vật tượng nầy không phải là cái thấy của ông?
“Đức Phật đang nói đùa.” – Quý vị có thể cho là như vậy. “Trước đây Ngài nói rằng vật không phải là cái thấy, và bây giờ Ngài bảo A-nan chỉ ra vật nào không phải là cái thấy.” Đó là cái khó trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm: nếu quý vị không hiểu được điểm nầy trong kinh một cách rõ ràng, thì quý vị sẽ trở nên nhầm lẫn. “Trước đây đã nói rằng vật không phải là tánh thấy, nay lại nói rằng đó là tánh thấy.” – Quý vị sẽ nói như vậy – “Nay hỏi rằng cái gì không phải là tánh thấy, nhưng trước đó lại bảo rằng chúng chẳng phải là tánh thấy.”
Kinh văn:

阿難言,我實遍見此祇陀林。不知是中何者非見.

A-nan thưa: “Con thật xem khắp trong rừng Kỳ-đà nầy, không biết trong ấy cái gì chẳng phải là cái thấy.”
Giảng:
A-nan trước đây đã biết rằng đó không phải là tánh thấy của mình, nhưng nay Đức Phật hỏi cái nào lại chẳng phải là tánh thấy, nên A-nan lại lúng túng một lần nữa. A-nan cũng không hiểu được câu hỏi.
A-nan thưa: “Con thật xem khắp trong rừng Kỳ-đà nầy.
Con thấy khắp nơi quanh rừng cây của Thái tử Chiến thắng nầy, và con không biết trong ấy cái gì chẳng phải là cái thấy. Cái gì lại chẳng phải là tánh thấy của con? Nay con chẳng biết.”
Ngay khi Đức Phật hỏi câu hỏi cuối cùng ấy, A-nan vẫn còn mờ mịt. Vậy nên Kinh Thủ Lăng Nghiêm đến tận cùng chỉ là mờ mịt chồng trên mịt mờ cho đến khi được giảng bày rõ ràng. Thế nên đừng hoảng sợ vì mờ mịt rồi nói: “Tôi không hiểu nổi. Tôi không biết ý kinh ra đường nào nữa.” Đức Phật trước sau chỉ nói về đạo lý của kinh, giảng giải hết lần nầy đến lần khác. Đó là cách tham cứu tỉ mỉ ý chỉ của kinh. Đức Phật đưa ra một đạo lý rồi hỏi: “Các ông có thấy điều ấy đúng chăng?” Rồi Đức Phật cũng chỉ bày tại sao nó không đúng. Đơn giản chỉ là để hiển bày chân lý.
“Cái gì lại không phải là tánh thấy?”– Đức Phật hỏi– “Nói nhanh!”
A-nan thưa: “Con không biết cái gì lại không phải là tánh thấy. Con đang bị bối rối.”
Kinh văn:

何以故,若樹非見,云何見樹。若樹即見,復云何樹。如是乃至,若空非見。云何見[2]空。若空即見,復云何空。

Vì sao? Nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây? Nếu cây là cái thấy thì sao lại gọi là cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được hư không? Nếu hư không là cái thấy thì làm sao lại gọi là hư không?
 Giảng
“Vì sao? Nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây?” A-nan nói rằng nếu cây không phải là cái thấy, thì A-nan không thể thấy được cây. Thế nên A-nan không thể nói rằng cây không phải là cái thấy.
Nếu cây là cái thấy thì sao lại gọi là cây? Nếu tôi nói rằng cây là cái thấy, thì cây sẽ biến mất đi đâu?” Cây vốn đơn giản chỉ là cây, nhưng nay A-nan nói rằng nó là cái thấy, thế nên A-nan không tìm ra cho nó được một cái tên gọi. Như đối với tôi, tôi sẽ gọi nó là gỗ. “Như thế cho đến nếu hư không.” Cây vốn bản chất của nó là vật có sắc tướng. Nhưng sự thật nó không chỉ là vật với sắc tướng, nó cũng đồng như hư không, và tất cả mọi vật trung gian, dù chưa được đề cập đến bằng tên gọi vì không có thời gian để giải thích tất cả. Cũng như khi tôi giảng giải kinh nầy, giảng toàn bộ kinh trong vòng ba tháng có nghĩa là có rất nhiều giáo lý phải nói lược qua.
“chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được hư không? Cái thấy của con thấy được hư không là tánh thấy. Nếu con bảo rằng hư không chẳng phải là tánh thấy, thì làm sao con thấy được hư không? Nếu hư không là cái thấy, thì làm sao lại gọi là hư không? Thế nên con không biết đạo lý nầy như thế nào.”
Bây giờ A-nan đã mở được miệng nhưng rất khó nói.
Kinh văn:
我又思惟是萬象中。微細發明無非見者.
Con lại suy xét kỹ càng, phát minh trong muôn vật, không có cái nào chẳng phải là tánh thấy.
Giảng
“Con lại suy xét kỹ càng.” A-nan một lần nữa còn chấp giữ thức tâm phân biệt. Trước đây, A-nan thường bị vướng mắc vào thức thứ 6 để tranh luận đối đáp với Đức Phật, và bây giờ A-nan lại đem ra một lần nữa. Nên A-nan nói" “Con suy nghĩ lại rồi, và con phát minh trong muôn vật.” Con suy xét rất chi tiết; suy nghĩ lui tới nhiều lần trước sau, trên dưới, và con thấy rằng mình đã đạt được. Trong khía cạnh vi tế nhất của tất cả các hiện tượng, không có cái nào chẳng phải là tánh thấy. Tất cả đều như là tánh thấy. Chẳng có cái gì không phải là tánh thấy. Thứ đơn giản cũng là tánh thấy. Có nghĩa là, con thấy được tất cả.”
Kinh văn:
佛言" 如是,如是.
Đức Phật bảo “Đúng vậy! Đúng vậy!”
Giảng
Đức Phật chứng minh cho A-nan một lần nữa. “À! Nhưng điều ông nói là đúng. Đạo lý như vậy đó. Ông đã hiểu những gì Như Lai muốn nói.” Đức Phật vui mừng bảo:
Đúng vậy! Đúng vậy!
Rốt ráo quý vị nói sao? Cái gì là tánh thấy và cái gì là vật? Có phải vật là tánh thấy không?
Kinh văn:
於是大眾非無學者。聞佛此言茫然不知是
義終始。一時惶悚失其所守。
Khi ấy những vị chưa chứng quả vô học trong đại chúng, nghe Đức Phật nói lời nầy đều mờ mịt chẳng hiểu nghĩa ấy đầu đuôi như thế nào. Họ đều lo lắng, sợ đánh mất những điều hiểu biết xưa nay.
Giảng
Đại chúng nghe lời đối đáp nầy, nghe rằng tánh thấy vừa là vật vừa là chẳng phải vật. Thế thì nó là cái gì? Tất cả mọi ý kiến mà mọi người đã có trước đây bây giờ không còn giá trị nữa.
Khi ấy những vị chưa chứng quả vô học trong đại chúng.” Hàng Bồ-tát được gọi là bậc “vô học.” Quả vị thứ tư của hàng A-la-hán cũng được gọi là quả vị “vô học.” Có rất nhiều vị trong pháp hội nghe giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm chưa chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Họ chỉ vừa chứng được Sơ quả, đệ nhị quả hoặc đệ tam quả–quả vị còn phải học. “Nghe Đức Phật nói lời nầy đều ngơ ngác.” Khi Đức Phật giảng giải đó là tánh thấy rồi đó chẳng phải là tánh thấy, nói nó là vật rồi nó chẳng phải là vật, suy xét trước sau như vậy, họ không thể nào hiểu nổi, họ đều ngơ ngác. Họ có mắt nhưng họ không thấy được. Họ có tai nhưng họ không nghe được. Họ không hiểu được điều gì cả. Tôi sẽ cho quý vị một thí dụ. Khi người ta bị vướng vào bóng ma mê mờ, họ không biết được điều gì cả. Họ quên mất mọi điều trước đó. Tuy nhiên, đây chỉ là ví dụ; đừng cho rằng đại chúng trong pháp hội kinh Thủ Lăng Nghiêm là bị vướng vào bóng ma mê mờ thực sự. Tôi chỉ nói họ giống như người bị vướng vào bóng ma mê mờ, và bây giờ tôi nói rằng họ không giống như người bị vướng vào bóng ma mê mờ. Cũng như nói rằng tánh thấy và vật là một rồi lại nói tánh thấy và vật không phải là một. Chuyện ấy giống nhau. Họ đều chóang váng và chẳng hiểu nghĩa ấy đầu đuôi như thế nào. Họ không biết điểm khởi đầu và kết thúc của đạo lý nầy như thế nào. Họ tự hỏi “Đức Phật đang nói về điều gì vậy?” Họ không hiểu nỗi. Họ đều lo lắng, sợ đánh mất những điều hiểu biết xưa nay. Mọi người đều sợ hãi. Tim họ đập thình thịch như thỏ nhảy quanh. Họ không tin nổi những lời họ nghe. Mọi ý niệm đã có từ trước nay đều bị mất hiệu lực và bị phá huỷ. Như thể họ bị đánh mất kho báu mà từ trước đến nay họ làm chủ, thế nên họ cố gắng phát hiện xem mình phải tìm kiếm nơi đâu. Có nên báo nhà chức trách không? Có nên gọi cảnh sát không? Nhưng thời ấy chắc là không có cảnh sát. Hơn nữa vật mà họ đánh mất lại vô hình. Nên cho dù họ có gọi cảnh sát, thì cảnh sát cũng không giúp được gì. Họ cũng không thể tìm ra được.
Kinh văn:
如來知其魂慮變慴,心生憐愍。安慰阿難及諸大眾。諸善男子,無上法王是真實語。如所如說不誑不妄。非末伽梨四種不死矯亂論議。汝諦思惟,無忝哀慕.
Như Lai biết đại chúng lo sợ, nên trong lòng thương xót, an ủi A-nan và đại chúng “Các thiện nam tử! Những lời Đấng Vô thượng pháp vương nói đều là lời chân thật, nói những lời như thật, không cuống dối, không hư vọng. Chẳng phải như ngoại đạo Mạt-già-lê dùng 4 thứ luận nghị “bất tử kiểu loạn”. Ông nên chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng lân mẫn của Như Lai.
 Giảng:
Khi Đức Phật biết đại chúng đều bối rối, Ngài khởi từ tâm thương xót.“À! Chúng sinh các ông thật đáng thương xót.”
Như Lai biết đại chúng lo sợ, nên trong lòng thương xót, an ủi A-nan và đại chúng.
Như Lai biết tinh thần của đại chúng không được bình ổn nên Ngài từ bi ban cho món quà nhỏ vô uý thí. Ngài bảo: “Các ông không nên sợ hãi. Như Lai sẽ giảng giải cho các ông.”
“Các thiện nam tử!”– Đức Phật thường gọi mọi người trong đại chúng là Thiện nam tử . “Các thiện nam tử! Hãy lắng nghe cho kỹ. Đừng lúng túng như vậy. Bây giờ Như Lai sẽ nói cho các ông nghe những lời mà Đấng Vô thượng pháp vương nói–những điều Đức Phật nói–
 đều là lời chân thật. Những gì Đức Phật nói đều là chân thực. Quý vị không nên nghi ngờ gì cả. một đạo lý nhất định trong những gì tôi từng nói trước đây, rằng tánh thấy là vật và không phải là vật. Tôi thực sự nói với quý vị những điều đáng tin. Tôi không dối gạt quý vị. Nói những lời từ như thật. Những điều Như Lai nói đều khế hợp với đạo lý. Như Lai dựa vào đạo lý mà diễn bày giáo pháp nầy. Sẽ không chấp nhận được với những điều không tương ưng với đạo lý. Không cuống dối, không hư vọng. Như Lai không nói những lời luống dối, những lời không chân thật.
Chẳng phải như ngoại đạo Mạt-già-lê.
Mạt-già-lê từ tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán có nghĩa là Bất kiến đạo. Mẹ ông ta có tên là Gośāli (Câu-xa-li).
 Mạt-già-lê Câu-xa-li tử là một trong 6 Lục sư ngoại đạo. Ông ta được gọi là Bất kiến đạo vì ông ta không hiểu được đạo. Ông ta không thấy và không đi đúng theo đạo. Những gì ông làm là đi theo một đường lối mê lầm. Ông ta chạy quanh với đôi mắt nhắm và cuối cùng ông ta bước ngay xuống biển, và bị chết chìm ở đó. Kết quả như vậy vì ông không thấy được Đạo. Đó là điều suy nghĩ của riêng tôi sau vài nghìn năm. Chắc chắn là nước biển rất khó chịu, không dễ uống như rượu hoặc nước lọc. Một khi ông ta đã uống nước biển, chắc chắn là không có bác sĩ nào có thể chữa trị cho ông ta được.
“ Dùng 4 thứ luận nghị ‘bất tử kiểu loạn’”.
Ông ta nói điều gì? “Các pháp thường và cũng vô thường.” Vạn vật là thường biến đổi và cũng thường hằng. “Các pháp là thanh tịnh và cũng là nhiễm ô; các pháp cũng sinh và cũng diệt; các pháp cũng tăng và cũng giảm.” Đó là 4 loại lý luận của ông ta. Vốn Đức Phật đã dạy, “bất sinh bất diệt,” nhưng Mạt-già-lê nói: “Cũng sinh cũng diệt”. Lý thuyết của ông ta xa rời sự thực biết chừng nào.
Đức Phật dạy: “Các pháp đều vô thường. Chuyển biến, thay đổi tuỳ thuộc vào nhân duyên; thay đổi tuỳ theo nhân duyên nhưng lại bất biến.[3]” Nhưng Mạt-già-lê lại bảo: “Cũng thường, cũng vô thường.”
Lý thuyết của Mạt-già-lê chỉ là lời nói suông hai chiều. Ông ta bảo vật có một nguyên lý rồi cũng bảo rằng nó có một nguyên lý ngược lại. Và ông ta đứng trong hàng những người chống đối trực tiếp với giáo lý Đức Phật đã giảng dạy. Thế nên Đức Phật gọi 4 loại lý luận của ông ta là ‘bất tử kiểu loạn’. Kiểu loạn có nghĩa là cực đoan và làm cho người khác mê lầm. Nhưng lý thuyết của ông ta không đúng. Đức Phật xác quyết một lần nữa với đại chúng giáo pháp của Như Lai không hư dối như lý thuyết của ngoại đạo Mạt-già-lê.
Ông nên chín chắn suy nghĩ. Ông nên suy nghĩ kỹ lưỡng. Chớ phụ lòng lân mẫn của Như Lai. Đừng bận tâm. Đừng sợ. Đừng buồn.“Lòng lân mẫn” là nói đến những gì Đức Phật biểu hiện. “ Như Lai rất thương cảm các vị trong hội chúng.”


[1] s:Jeta 祇陀 Hán dịch: Chiến Thắng.
[2] Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chép chữ nầy là ( T19n0945_p0112b01)
[3] Tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên.



(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites