Pages

18 October 2016

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 1) - PHẦN 14

Chớ chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm.
Tánh thấy của con, nơi lưu xuất ra cái thấy thì không xòe nắm. Chính Thế tôn đã làm cho bàn tay co mở khiến cho mắt con thấy được bàn tay của Thế tôn có xòe nắm.





Hoà Thượng Tuyên Hoá Giảng Thuật

 

Kinh văn:
時憍陳那起立白佛: 我今長老,於大眾中,獨得解名。因悟客塵二字成果。
Thời Kiều-trần-na, khởi lập bạch Phật, ngã kim trưởng lão ư Ðại chúng trung, độc đắc giải danh. Nhân ngộ khách trần nhị tự thành quả.
Việt dịch:
 Rồi A-nhã Kiều-trầ̀n-na đứng dậy bạch Phật: Nay hàng trưởng lão trong đại chúng, chỉ riêng con được danh hiệu là Giải (hiểu). Nhờ ngộ được nghĩa hai chữ khách trần mà thành tựu quả vị.
Giảng:
A-nhã Kiều-trần-như là một trong năm vị tỷ-khưu đầu tiên được Phật hóa độ. Tên của Ngài dịch sang tiếng Hán là Giải bổn tế 解本 , cũng có nghĩa là Tối sơ giải 最初解, vì Ngài là người đầu tiên giải ngộ khi nghe Đức Phật giảng Tứ diệu đế và được Đức Phật công nhận đã chứng quả a-la-hán.
Rồi A-nhã Kiều-trần-như đứng dậy bạch Phật: Nay trong hàng trưởng lão trong đại chúng, chỉ riêng con được danh hiệu là giải (hiểu). Nhờ ngộ được nghĩa hai chữ khách trần mà thành tựu quả vị.
 Kiều-trần-như thưa: “Nay ở trong đại chúng này con là hàng trưởng lão, con đã lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm trong tu tập. Tại sao con nhận được danh hiệu là giải (hiểu)? Vì khi nghe Đức Phật giảng về nghĩa “khách trần,” con liền hiểu nghĩa ấy nên được khai ngộ.”
A-nhã Kiều-trần-như sẽ giải thích nghĩa “khách trần” trong đoạn kinh văn tiếp theo.
Kinh văn :
世尊,譬如行客投寄旅亭,或宿或食,食宿事畢,俶裝前,不遑安住。若實主人自無攸往。
Thế tôn, thí như hành khách, đầu ký lữ đình, hoặc túc hoặc thực, thực túc sự tất, thúc trang tiền đồ, bất hoàng an trụ. Nhược thật chủ nhân tự vô du vãng,
Bạch Thế tôn, như người du khách dừng chân nghỉ lại một quán trọ bên đường để ngủ qua đêm hoặc chỉ ăn một bữa. Khi việc lưu trú hoặc ăn uống đã xong, họ liền chuẩn bị hành lý lên đường, không ở lại nữa. Nếu họ thật là người chủ thì chẳng phải đi đâu.
Giảng:
Bạch Thế Tôn, A-nhã Kiều-trần-như thưa: “Bạch Thế tôn, vì sao hai chữ “khách trần” lại mang đến cho con sự giác ngộ?
Như người du khách, dừng chân nghỉ lại quán trọ bên đường để ngủ qua đem hoặc chỉ ăn một bữa. Khách là người đi du lịch trong một kỳ nghỉ, tìm kiếm khách sạn để nghỉ lại, có thể họ ngủ lại qua đêm, có thể họ đến quán để ăn uống.
Khi việc lưu trú hoặc ăn uống đã xong, họ liền chuẩn bị hành lý lên đường.
Khi việc ăn ngủ của họ đã xong họ, sửa soạn hành lý và tiếp tục lên đường.
Họ không ở lại nữa
Họ là khách, họ không thể nào ở đó lâu được.
Nếu họ thật là người chủ thì chẳng phải đi đâu
Ông chủ nghĩa là thể tánh thanh tịnh thường trụ chân tâm. “Khách” nghĩa là vọng tưởng, phiền não, khách trần.
Tại sao vọng tưởng phiền não lại được so sánh với khách trần? Vì đối với chúng ta vọng tưởng phiền não là một thứ gì đó không chắc chắn, không bền vững. Thân thể chúng ta vốn thường thanh tịnh. Nhưng nếu chúng ta đi ra ngoài trong một ngày có gió thì bụi sẽ bay mù trời vây phủ lấy người, làm bẩn thân thể mình. Khi chúng ta dùng tay phủi bụi đi thì nó biến mất. Điều này biểu tượng cho việc gì? Nó biểu tượng cho phiền não và vô minh của chúng ta cũng giống như khách trần. Phiền não vọng tưởng ấy không thực sự hiện hữu. Người khách chính là phiền não và vô minh, phiền não chướng và sở tri chướng, là kiến hoặctư hoặc. Thế nên A-nhã Kiều-trần-như đã hiểu được người khách đến quán trọ chỉ dừng chân tạm thời, trong khi người chủ quán trọ thì luôn luôn sống ở đó.
Kinh văn:
如是思惟不住名客住名主人。以不住者名為客義。
Như thị tư duy, bất trụ danh khách, trụ danh chủ nhơn, dĩ bất trụ giả, danh vi khách nghĩa.
Việt dịch:
 Như thế mà suy xét, người chẳng dừng nghỉ lâu gọi là khách, người dừng trụ lâu gọi là chủ. Do không dừng trụ, nên có nghĩa là khách.
Giảng:
A-nhã Kiều-trần-như kết luận:
Như thế mà suy xét, người chẳng dừng nghỉ lâu gọi là khách, người dừng trụ lâu gọi là chủ. Chúng ta cũng có thể nói rằng chúng ta lưu trú trong thân xác ta một cách tạm thời như người khách dừng chân trong quán trọ. Chúng ta nên hiểu rằng thân thể mình chỉ là một quán trọ, không phải là một ngôi nhà thực sự. Thân thể ấy không phải là ngôi nhà của chính mình, thế nên chúng ta không nên quá chấp trước vào chúng. Còn ông chủ của chúng ta là thường trụ chân tâm thì không bao giờ bỏ đi đâu xa cả. Ông chủ ấy không bao giờ chấm dứt sự hiện hữu.
Do không dừng trụ, nên có nghĩa là khách.
Kinh văn:
又如新霽清暘天光入隙中。發明空中諸有塵相。塵質搖動,虛空寂然。
Hựu như tân tể, thanh dương thăng thiên, quang nhập khích trung, phát minh không trung chư hữu trần tướng. Trần chất diêu động, hư không tịch nhiên,
Việt dịch:
Lại như khi mưa vừa mới tạnh, mặt trời lấp lánh trên cao, tia sáng chiếu vào nhà thông qua khe cửa, làm hiện rõ các hạt bụi trong hư không. Bụi trần lay động, còn hư không thì yên lặng.
Giảng:
Lại như khi mưa vừa mới tạnh, mặt trời lấp lánh trên cao, tia sáng chiếu vào nhà thông qua khe cửa, làm hiện rõ các hạt bụi trong hư không. Khi mặt trời vừa mới xuất hiện vào một buổi sáng sớm trong lành hay là vào buổi bình minh sau cơn mưa, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu qua khe cửa hay những lỗ trống ở vách tường, ánh sáng ấy sẽ soi chiếu rõ các hạt bụi li ti trôi bập bềnh lên xuống trong hư không, chuyển động lăng xăng trong tia sáng mặt trời.
Bụi trần thì lay động, còn hư không thì yên lặng.
Nếu ánh sáng mặt trời không chiếu qua các khe cửa, thì quý vị không thể nào thấy được bụi trần, cho dù thực sự có rất nhiều bụi trần khắp mọi nơi. Nhưng khi bụi trần nhiễu động lăng xăng thì hư không vẫn tĩnh lặng, hư không chẳng hề dao động. Khả năng thấy được bụi trần trong tia sáng mặt trời chiếu soi qua khe cửa biểu tượng cho năng lực của ánh sáng trí tuệ. Khi quý vị chứng được sơ quả a-la-hán, đoạn diệt được tám mươi tám món kiến hoặc [1] thì sẽ có được trí tuệ chân chính. Lúc ấy quý vị có thể thấy được các niệm vô minh sinh khởi phiền não trong mình cũng nhiều như cát sông Hằng. Mặt trời trí tuệ chiếu soi vào khách trần phiền não – qua ví dụ của A-nhã Kiều-trần-như – cũng như ánh sáng mặt trời chiếu qua khe cửa. Hang động âm u của vô minh sẽ được chiếu sáng, lúc ấy quý vị sẽ nhận ra khách trần phiền não, và quý vị sẽ được giác ngộ.
Kinh văn:
如是思惟,澄寂名,搖動名塵。以搖動者名為塵義。
Như thị tư duy, trừng tịch danh không, diêu động danh trần. Dĩ diêu động giả, danh vi trần nghĩa.
Việt dịch:
Thế nên con suy nghĩ, trong lặng gọi là hư không lay động là trần. Do lay động mà có nghĩa là trầ̀n.
Giảng:
Vô minh, phiền não nhiều vô số như những hạt bụi trần đang lay động. Nhưng hư không thì không lay động. Hư không biểu thị cho tánh thấy của ta, vốn luôn luôn không lay động. Tánh thấy đó là người chủ chân thực, là chân tâm thường trụ của chúng ta, vốn chẳng đến, chẳng đi.
Thế nên con suy nghĩ, trong lặng gọi là hư không, trong suốt và lặng lẽ, không lay động, đó được gọi là hư không.
Lay động là trần, do lay động mà có tên gọi là trần.
Quý vị hãy nhìn đám bụi trong dải tia sáng mặt trời đang nhảy múa lăng xăng không ngừng ấy. Cái gì là bụi? Bụi ấy biểu tượng cho phiền não, vô minh, phiền não chướng, sở tri chướng. Khi một ai bị chấp dính vào những thứ này được gọi là vướng “bụi trần.”
Hằng ngày quý vị nghe giảng kinh, tôi khuyên quý vị đừng có phiền não, nhưng những gì quý vị có được toàn là phiền não. Tôi khuyên quý vị đừng có vô minh nhưng những gì quý vị thể hiện ra đều là vô minh. Quý vị xem như vậy có phải là vâng lời không? Càng giảng giải về vô minh là điều không tốt bao nhiêu thì vô minh càng trở nên lớn hơn bên trong quý vị. Khi quý vị được giải thích là phiền não là không tốt thì phiền não lại càng lớn mạnh. Trước khi đề cập đến thì không có phiền não, nhưng một khi đã đưa ra bàn luận, thì phiền não lại sinh khởi và càng tăng. Thế nên có lẽ việc giảng giải kinh điển của tôi chẳng phải là lối giảng giải hay, vì tôi không có thể bao che, thanh minh cho phiền não của quý vị. Tôi hy vọng rằng quý vị sẽ liệng quách phiền não của quý vị xuống Thái Bình Dương cho xong, để đừng có xem phiền não của mình như một kho tàng quý giá nữa. Đừng nâng niu chiều chuộng chúng. Quý vị nên liệng hết phiền não xuống biển, cho dù phiền não có quá nhiều đến nỗi chúng có nguy cơ lấp tràn cả đại dương.
Phiền não là ma quỷ, quý vị có thể tìm thấy yêu tinh ma quỷ nơi đâu? Nói đơn giản, hễ có phiền não là có yêu quỷ. Quý vị và phiền não đang đi cùng nhau. Phiền não cực kỳ tệ hại, kinh này được giảng cũng chỉ để dạy cho mọi người biết cách từ bỏ phiền não. Thế nên khi tôi nói về phiền não chẳng phải là để cho nó càng nhiều hơn đâu.
Kinh văn:
佛言如是
Phật ngôn: Như thị!
Việt dịch:
Đức Phật bảo: Đúng như thế!
Giảng:
Sau khi A-nhã Kiều-trần-như nói xong, Đức Phật xác nhận cho lời nói của ông. Đức Phật nói: “Những điều ông vừa nói hoàn toàn đúng.”
Đức Phật bảo: Đúng như thế!
Những gì lay động là trần, những gì tĩnh lặng là hư không. Lý luận của ông là xác đáng.
Kinh văn:
即時如來於大眾中屈五輪指;屈已復開開已又屈。謂阿難言:汝今何見? 阿難言:我見如來百寶輪掌眾中開合。
Tức thời Như lai, ư đại chúng trung, khuất ngũ luân chỉ; khuất dĩ phục khai, khai dĩ hựu khuất, vị A-nan ngôn: Nhữ kim hà kiến? Ngã kiến Như Lai bách bảo luân chưởng, chúng trung khai hiệp.
Việt dịch:
Khi ấy ở trong đại chúng, Như Lai co năm ngón tay lại; co rồi lại mở, mở rồi lại co. Hỏi A-nan rằng:
- Nay ông thấ́y gì?
A-nan thưa :
-Con thấy bàn tay bách bảo luân của Như Lai, xòe ra nắm lại giữa hội chúng.
Giảng:
Đức Phật lo ngại rằng mọi người trong đại chúng vẫn chưa hiểu được tánh thấy chân thật.
Khi ấy ở trong đại chúng, đức Như Lai co năm ngón tay lại, co rồi lại mở, mở rồi lại co.
Lúc ấy, Đức Thế tôn xòe năm ngón tay ra rồi nắm lại, rồi mở ra, xòe nắm bàn tay lại nhiều lần như vậy và hỏi A-nan rằng:
– Nay ông thấy gì?
Ngay bây giờ ông thấy gì?
A-nan thưa:
– Con thấy bàn tay bách bảo luân của Như Lai.
Trên bàn tay của Như Lai có một nghìn đường vân xoáy như hình bánh xe. A-nan gọi đó là bàn tay bách bảo luân.
Xòe ra nắm lại giữa hội chúng.
Kinh văn:

佛告阿難:汝見我手眾中開合,為是我手有開有合,為復汝見有開有合? 阿難言:世尊,寶手眾中開合 。我見如來手自開合,非我見性合。
Phật cáo A-nan: Nhữ kiến ngã thủ chúng trung khai hiệp, vi thị ngã thủ,, hữu khai hữu hiệp? Vi phục nhữ kiến, hữu khai hữu hiệp.
A-nan ngôn: Thế tôn bảo thủ, chúng trung khai hiệp. Ngã kiến Như lai, thủ tự khai hiệp, phi ngã kiến tánh, hữu khai hữu hiệp.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan
– Ông thấy tay Như Lai xoè ra nắm lại trong đại chúng, đó là tay Như Lai xoè ra nắm lại, hay cái thấ́y của ông có xoè ra nắm lại?
A-nan thưa :
– Bàn tay báu của Thế tôn có xòe nắm trong đại chúng, con thấy bàn tay của Như Lai tự xòe ra nắm lại, chớ chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm.
Giảng :
Đức Phật bảo A-nan
Ông thấy tay Như Lai xòe ra nắm lại trong đại chúng. đó là tay như lai xòe ra nắm lại hay cái thấy của ông có xòe ra nắm lại?
Khi ông thấy nắm tay của Như Lai xòe ra, nắm lại có phải là nắm tay xòe ra nắm lại hay cái thấy của ông về nắm tay có xòe ra nắm lại?
A-nan thưa:
– Bàn tay báu của Thế tôn có xòe nắm ở trong đại chúng. Con thấy bàn tay của Như Lai tự xòe ra nắm lại.
A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, đó chính là bàn tay báu bách luân chỉ của Thế tôn tự xòe ra nắm lại.
Chớ chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm.
Tánh thấy của con, nơi lưu xuất ra cái thấy thì không xòe nắm. Chính Thế tôn đã làm cho bàn tay co mở khiến cho mắt con thấy được bàn tay của Thế tôn có xòe nắm.
Kinh văn:
佛言:誰動誰靜?
Phật ngôn: Thùy động thùy tịnh?
Việt dịch:
Đức Phật hỏi: Cái nào động, cái nào tịnh?
Giảng :
Đức Phật vẫn còn quan tâm đến việc A-nan chưa có được giác ngộ chân chính. Thế nên Thế tôn hỏi thêm:
Đức Phật hỏi: Cái nào động, cái nào tịnh?”
Kinh văn:
阿難言:佛手不住。而我見性, 尚無有,誰為無住?
A-nan ngôn: Phật thủ bất trụ. Nhi ngã kiến tánh, thượng vô hữu tịnh, thuỳ vi vô trụ?
Việt dịch:
A-nan thưa: Bàn tay Phật không dừng nghỉ. Còn tánh thấy của con còn chẳng có ý niệm về sự yên tĩnh, làm sao còn có động?
Giảng:
A-nan thưa: “Bàn tay Phật không dừng nghỉ,
Nói cách khác, nó động. Còn tánh thấy của con còn chẳng có ý niệm về sự yên tĩnh, làm sao còn có động?"
Tại sao A-nan trả lời rằng tánh thấy của mình vốn vượt qua cả ý niệm về sự tĩnh lặng. Vì tĩnh là do động mà có. Nếu chẳng có chút dao động thì vốn chẳng có gì là tĩnh cả. Thế nên nói rằng chẳng có gì thoát ra khỏi ngoài Đại định Thủ-lăng-nghiêm và cũng chẳng có gì thêm vào đó được cả. Đạo lý chính là ở điểm này.
Na-già (nāga) thường ở trong đại định, không có lúc nào là không an trụ trong đại định.[2] Na-già là một loài rồng luôn luôn ở trong định. Do nó luôn luôn an trụ trong định nên chẳng bao giờ có chuyện nhập hay xuất định cả. Nên A-nan thưa: “Tánh thấy của con, nhờ đó mà thấy được Thế Tôn, vượt thoát cả ý niệm về tĩnh động. Nó siêu việt cả tính chất dao động hoặc ngược lại là yên tĩnh. Không có động thì chẳng có tĩnh, cả hai tính chất đó đều được siêu việt. Ý niệm đó vốn là không tồn tại, không hiện hữu, không thể lập được. Thì làm sao mà nó có thể là không dừng trụ? A-nan nói rằng: vì tánh thấy vốn không có cả đặc tính tĩnh lặng, thì làm sao mà nó có sự lay động. Tánh thấy hoàn toàn không dao động.
Kinh văn:
佛言:如是!
Phật ngôn: Như thị!
Việt dịch:
Đức Phật đáp: Đúng như vậy!
Giảng:
Một lần nữa, Đức Phật đồng ý với A-nan .
Đức Phật đáp: Đúng như vậy!
Những gì ông nói đều đúng cả. Đúng là như thế đó.
Kinh văn:
如來於是,從輪掌中,飛一寶光,在阿難右,即時阿難,迴首右 盼。又放一光,在阿難左,阿難又則迴首左。佛告阿難。汝頭今日,何因搖動?
阿難言:我見如來出妙寶光來我左右,故左右觀,頭自搖動。
Như Lai ư thị, tùng luân chưởng trung phi nhứt bảo quang, tại A-nan hữu, tức thời A-nan hồi thủ hữu phán.[3] Hựu phóng nhứt quang tại A-nan tả, A-nan hựu tắc hồi thủ tả phán.
Phật cáo A-nan! Nhữ đầu kim nhật, nhơn hà diêu động?
A-nan ngôn: Ngã kiến Như Lai, xuất diệu bảo quang, lai ngã tả hữu, cố tả hữu quan, đầu tự diêu động.
Việt dịch:
Bấy giờ từ trong lòng bàn tay, Như Lai phóng ra một đạo hào quang báu chiếu đến vai bên phải của A-nan, A-nan liền quay đầu qua bên phải để nhìn. Đức Phật lại phóng hào quang khác qua phía vai bên trái. A-nan liền quay đầu về bên trái để nhìn. Đức Phật bảo A-nan:
-Nay đầu ông tại sao lay động?
A-nan thưa :
-Con thấy Như Lai phóng đạo hào quang báu chiếu vào vai bên phải rồi vai bên trái của con, nên đầu con tự lay động.
Giảng:
Bấy giờ từ trong lòng bàn tay, Như Lai phóng ra một đạo hào quang báu chiếu đến vai bên phải của A-nan.
Từ bàn tay báu có trăm vòng xoáy như bánh xe, ánh sáng phóng ra bay nhanh như chim hoặc như đèn pha phóng ánh sáng vào không trung để tìm kiếm một vật gì từ xa. Có thể hơi giống như vậy một chút. Hào quang ấy cũng có thể ví như đèn nháy(*), ngay khi bật lên thì ánh sáng chiếu ra liền. Tuy nhiên đạo hào quang báu Đức Phật phóng ra từ tay Ngài sáng hơn ánh sáng của đèn nháy. Ngay khi đạo hào quang báu này bay đến bên vai phải của A-nan. A-nan liền quay đầu qua bên phải để nhìn. A-nan xoay đầu qua để nhìn xem hào quang chiếu xa tới đâu.
Đức Phật lại phóng đạo hào quang khác qua phía vai bên trái.
Từ bàn tay báu của Đức Phật lại phóng ra một đạo hào quang khác. Phóng đến nơi nào? Đến vai bên trái của A-nan.
A-nan liền quay đầu qua bên trái để nhìn.
A-nan nhìn phía bên vai trái của mình.
Đức Phật hỏi A-nan:
– Nay đầu ông tại sao lay động?
Đức Phật lại hỏi A-nan “Tại sao đầu của ông lại quay qua quay về bên phải rồi bên trái như vậy?”
A-nan thưa:
– Con thấy Như Lai phóng một đạo hào quang báu chiếu vào bên phải rồi bên trái của con. Nên đầu con tự lay động.
Đạo hào quang ấy chiếu vào vai bên phải, rồi vai bên trái của con. Đầu con lay động vì con đang nhìn các đạo hào quang báu ấy.


[1] Theo Câu-xá Luận, lập 88 phẩm Kiến hoặc, tức do mê mờ chân lý mà có. Trong đó, Dục giới có 32 phẩm, Sắc giới có 28 phẩm, Vô sắc giới có 28 phẩm. Còn theo Duy thức Pháp tướng tông thì có đến 112 phẩm Kiến hoặc. (Theo Đại thừa Nghĩa Chương, 96 và 916, Tứ giáo nghi tập chúThất thập ngũ pháp).
[2] Nguyên văn: Na-già thường tại định
 Vô hữu bất định thời.  
 那伽常在定
 無有不定時(Câu-xá luận, quyển 13)
[3] Hòa thượng Bích Liên phiên âm Miến. E rằng không hợp lí.
(*) đèn flash


(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites