Pages

22 March 2016

VÌ SAO NIỆM PHẬT LÀ CHÁNH HẠNH NHƯNG CŨNG CẦN CÓ TRỢ HẠNH

hoa-thuong-tinh-khong-va-cu-si-ly-binh-namHơn nữa, có pháp phương tiện điều phục vọng hoặc: phải biết người niệm Phật không được nhất tâm, là do vọng niệm làm rối loạn. Vọng niệm chính là hoặc, cũng chính là ma...






Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam

Người tu Tịnh độ đều biết “muôn người tu, muôn người vãng sinh”, đó là lời nói của Tổ sư quyết không sai lầm. “Tu” là y theo pháp của pháp môn Tịnh độ mà tu, chỉ cho phần chánh hạnh và trợ hạnh.
Chánh hạnh là công phu căn bản, chỉ niệm sáu chữ Hồng danh (Nam mô A di đà Phật). Ai cũng biết niệm, người không học Phật cũng biết niệm, nhưng chẳng biết ý nghĩa. Nay xin giải thích sơ lược:
1. Một câu Nam mô A di đà Phật là Pháp giới Tàng thân, bao quát cả chư Phật khắp mười phương ba đời.
2. Một câu Nam mô A di đà Phật, bao quát hết ba tạng và mười hai bộ kinh, ngay một chữ “A” đã gồm thâu pháp của toàn bộ Tam tạng.
3. Sáu chữ Hồng danh là vua trong các câu chú. Sáu chữ Nam mô A di đà Phật là bí mật không phiên dịch, đều chẳng phải văn tự Trung Hoa. Pháp này cao tột, hơn trì bất cứ lời chú nào.
4. Học Phật nên tu định. “Hoa Nghiêm Đại Định” tức là “Di đà Đại Định”. Nhất tâm không loạn tức là định, được nhất tâm là thành công, đó là chỗ tuyệt diệu của pháp môn Tịnh độ.
Niệm Phật là công phu chánh, có thể hiển bày Bản tánh Chân như. Niệm Phật được nhất tâm, tâm sáng tánh tỏ thì thành công. Sáu chữ Hồng danh Nam mô A di đà Phật tức là bản tánh của ông, bản tánh tức là tâm của ông, tâm ông chính là Phật, Phật chính là tâm ông. Tâm và Phật vốn là một, vì bị vô minh che đậy nên Phật là Phật, tâm là tâm, đem tâm và Phật phân làm hai đều do ông tự tạo. Nay ông niệm Phật, chính là hiển bày bản tánh của ông. “Phật mười phương ba đời cùng đồng một Pháp thân”, Phật quá khứ có Pháp thân, Phật vị lai cũng có Pháp thân, Phật vị lai chính là chúng ta, chúng ta và Pháp thân Phật Thích ca, Di đà là một chẳng phải hai. Niệm Phật là khai mở hiển bày bản tánh, là công phu chánh.
Tâm tánh chúng ta bị vô minh che lấp, không phải dễ hiểu rõ vô minh. Nói cách khác, vô minh chính là việc sát sinh, trộm cắp, tà dâm, tham lam, nóng giận, si mê mà hằng ngày chúng ta làm. Tu là trừ bỏ vô minh này, chẳng gây tạo nghiệp sát sinh, trộm cắp, tà dâm; chẳng khởi tham lam, nóng giận, si mê, làm cho bản tánh tỏa sáng, đó là tu.
Người thường vừa niệm Phật vừa nhiễm vô minh, làm sao có thể rõ tâm thấy tánh? Cho nên, phải dùng trợ lực diệt trừ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, tham lam, nóng giận, si mê. Trợ tu như thế nào? Tuy không rõ Phật pháp, chỉ cần phân biệt được thiện ác và hiểu rõ hai câu thì được. Hễ là việc xấu đừng làm, đó là“không làm các điều ác”, dù cho nhẫn không được cũng cắn răng quyết không làm điều ác. Tìm việc lành để làm, ban đầu phải gắng sức mà làm, đó là “thực hành các việc lành”. Làm lành bỏ dữ, giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, đó là phương pháp trợ giúp công phu chánh để trừ bỏ vô minh, cho nên gọi là trợ hạnh. Trợ hạnh nói rộng ra là tu Sáu pháp Ba-la-mật, nhưng khó hiểu không cần nói. Hễ làm việc ác dù tặng ông mười muôn cân kim cương cũng không làm, đối với điều lành dù bị bất cứ trở ngại nào cũng phải làm, hai điều đó là “tùy duyên tiêu nghiệp cũ, chẳng gây tai ương mới”. Thường ngày, gặp điều lành thì làm, gặp việc ác thì bỏ. Nếu khi niệm Phật thì buông bỏ muôn duyên, vừa khởi niệm ác liền dùng một câu Nam mô A di đà Phật đè bẹp chúng, thâu nhiếp ba nghiệp thân, miệng, ý an trụ. Y theo đó mà làm, lâu ngày có thể thành công, cho nên nói: “Muôn người tu, muôn người vãng sinh”.
Kiết thất là ở chỗ hạn định thời gian để cầu chứng đắc. Tu pháp môn niệm Phật Tịnh độ phải được nhất tâm không loạn mới có thành tựu. Kiết thất niệm Phật bảy ngày, nếu công phu tốt, niệm một ngày liền được nhất tâm. Đây phải là người niệm Phật nhiều năm, còn phải hiểu rõ giáo lý mới có thể thành tựu. Hạng kế đó hai, ba, bốn, năm, sáu ngày không nhất định. Hạng sau nữa niệm đến bảy ngày mới chứng nhất tâm. Ở đây là từ việc vào thất tu Tịnh nghiệp bảy ngày mà nói, ngày đêm niệm Phật không ngừng, trong bảy ngày liền có thể trừ kiến hoặc và tư hoặc; chỉ có đoạn kiến hoặc, tư hoặc mới thật sự được nhất tâm. Song, đoạn trừ kiến hoặc tư hoặc rất khó, nên có phương pháp đặc biệt, trước mong điều phục vọng hoặc mà thôi. Ngay khi khởi hoặc, dùng danh hiệu Phật điều phục nó, công phu thuần thục hoặc khởi liền điều phục ngay. Như thế là được Tương tợ nhất tâm, cũng có thể còn nghiệp mà vãng sinh. Nay y theo thứ lớp nói sơ lược về pháp tu chánh và trợ của Tịnh độ.
* Trước tiên nói về công phu chánh:
Trong bảy ngày cần phải luôn luôn giữ lòng cung kính. Vừa vào cổng chùa liền xem đồng như thấy Phật. Nên biết Pháp thân Như Lai khắp cả chỗ nơi, không chỉ tượng Phật trên đại điện mới xem là Phật mà thật ra mỗi sắc mỗi hương đều là sắc vi diệu, tâm vi diệu của Phật. Như thế nơi mình ở, mỗi mỗi xem là Phật, vậy thì lời nói và hành động tự nhiên cung kính không còn lười biếng. Cung kính là bí quyết tiến đến Bồ đề. Đây là tầng công phu thứ nhất.
Đã ngồi yên định nên buông bỏ muôn duyên, quét sạch mọi vọng niệm tạp sự trong thường ngày, sau đó thâu nhiếp tâm một nơi, buộc vào một câu Hồng danh. Ví như ghe thuyền trên dòng nước chảy xiết, buộc vào cây cọc thì không bị trôi mất. Đây là tầng công phu thứ hai.
Khi trì danh cần phải đem sáu chữ Hồng danh này, từ tâm phát khởi, từ miệng niệm ra, từ tai nghe vào, ví như ba bánh xe xoay vần tới lui, cốt phải tâm tưởng rành rẽ rõ ràng, miệng niệm rành rẽ rõ ràng, tai nghe rành rẽ rõ ràng. Như thế, tự niệm tự nghe, mỗi chữ mỗi chữ thành khẩn, chớ để đánh mất một câu. Đó là tầng công phu thứ ba.
Vả lại, khi chúng ta niệm Phật, chẳng luận miệng niệm hay ý trì, nên khiến cho hoàn toàn không có xen tạp những âm thanh khác, chỉ còn tiếng Phật hiệu. Vì Pháp thân Phật Di-đà khắp tất cả chỗ nơi, ánh sáng của Phật cũng cùng khắp tất cả chỗ nơi, nên khi niệm Phật từ ta mà phát ra tiếng nơi tâm, tiếng nơi tâm vào trong ánh sáng của Phật, ánh sáng của Phật vào trong tiếng nơi tâm, như thế tiếng nơi tâm và ánh sáng của Phật giao dung thì ta tức là Phật A di đà, Phật A di đà tức là ta. Đó là tầng công phu thứ tư.
Y theo những điều nói trên tinh tấn tu hành, tiến vào từng tầng, khiến cho nghiệp lực tiêu mòn, đạo lực tăng trưởng, đợi đến tầng thứ tư tức là ngày thành công nhất tâm.
* Kế đến nói về công phu trợ:
Phương pháp công phu chánh cố nhiên là thẳng tắt nhanh chóng, nhưng chúng sinh từ vô thỉ kiếp đến nay phiền não tập khí sâu dày, vọng niệm lăng xăng. Nay muốn dùng một câu danh hiệu Phật bỗng chốc ép buộc khiến chẳng tạo nghiệp, không vọng tưởng, hoàn toàn chẳng phải trong thời gian ngắn mà có thể làm được, nên cần phải phụ vào công phu trợ hạnh. Nếu có thể hằng ngày tỉnh xét lầm lỗi của mình, thành tâm sám hối, khiến cho tiêu trừ nghiệp chướng; còn thấy người khác làm lành thì vui theo khen ngợi, để tăng phước đức. Sám hối, tùy hỷ, như thế đều hồi hướng vãng sinh Tây Phương, đó là phần thứ nhất trong trợ hạnh.
* Tiếp theo là pháp ưa thích và chán nản:
Trong sinh hoạt hằng ngày, chẳng luận ăn mặc, đi đứng, nói chung mọi thứ nơi Ta bà đồng loạt đều xem là ô uế, chán nản muốn xa lìa, mọi thứ vui cùng tột được nói trong ba kinh Tịnh độ đều xem là thanh tịnh mà ưa thích hâm mộ. Chán nản muốn xa lìa thì không có tâm tham luyến; ưa thích, hâm mộ tự nhiên tâm thêm nguyện cầu sinh. Đợi đến khi ưa thích và chán nản cùng cực thì thân tuy cư ngụ nơi Ta bà mà đã chẳng phải là kẻ khách ở lâu nơi Ta bà, tuy chưa lên Cực Lạc sớm đã dự vào hàng khách quý nơi Liên Bang. Đó là bí quyết vi diệu của Tịnh tông, là phần thứ hai trong trợ hạnh.
Hơn nữa, có pháp phương tiện điều phục vọng hoặc: phải biết người niệm Phật không được nhất tâm, là do vọng niệm làm rối loạn. Vọng niệm chính là hoặc, cũng chính là ma. Kinh Niết bàn nói: “Bậc Tu đà hoàn đoạn trừ kiến hoặc như ngăn chặn dòng sông bốn mươi dặm”, nên biết muốn mong cầu đoạn dứt ngay thật không phải dễ. Nay chính là phương pháp điều phục vọng hoặc tạm thời. Cổ đức nói:“Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, nếu có thể niệm khởi liền giác, vừa giác liền dùng danh hiệu Phật trấn áp. Như thế, ma đến thì Phật trấn áp, ví như lấy đá đè cỏ, lâu ngày vọng hoặc tự nhiên không còn khởi, cũng được phương tiện nhất tâm, đợi đến sau khi về Tây lại tiếp tục đoạn trừ vọng hoặc. Đó là phương pháp đặc biệt của Tịnh độ, là phần thứ ba trong trợ hạnh.
Trích dẫn “Phật học trong toàn tập”
của Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites