Pages

23 January 2016

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA - PHẦN 9

Quý vị chẳng thấy được tánh, sẽ chướng ngại quý vị chứng quả. Chắc chắn tạo thành chướng ngại! Nhưng nếu quý vị sốt sắng niệm Phật cầu vãng sanh, vẫn phải vứt bỏ những thứ ấy, quý vị dùng cái tâm thanh tịnh sanh vô lượng thọ, sanh vào cõi Cực Lạc. Tâm không thanh tịnh sẽ chẳng đến được thế giới Cực Lạc, phải hiểu điều này. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm được nói đầu tiên. 



Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Phần 5
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang



TẬO 10

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ tám, đọc từ câu cuối cùng nơi dòng thứ sáu trong trang thứ tám.
“Thị cố, Niệm Tổ cảm ân đồ báo, phát vô thượng tâm, kính chú thử kinh, tục Phật huệ mạng” (Vì thế, Niệm Tổ cảm ơn, mong báo đáp, phát tâm vô thượng, kính cẩn chú giải kinh này nhằm duy trì huệ mạng của Phật), lần trước, chúng ta đã học đến chỗ này. Đoạn trước là phần thưa bày [tâm nguyện], mấy câu cuối cùng của cụ nhằm hồi hướng, vừa cảm ân vừa hồi hướng. Chúng ta sau khi đọc, cũng phải biết cảm ơn, có biết ơn mới có thể cảm ơn. Nếu chẳng biết ân đức, tâm báo ân chẳng thể sanh khởi. Đặc biệt là chúng ta sanh nhằm thời đại này, gặp nhiều khổ nạn rất ít thấy [xảy ra] trong lịch sử, cũng có thể nói là: Không chỉ chưa thấy, mà cũng chưa từng nghe nói đến! Nguyên nhân vô cùng phức tạp, như trong kinh Phật đã nói là “vô lượng nhân duyên”. Chắc chắn không thể oán trời hờn người, nói chung là do nghiệp lực của chính mình cảm vời. Sống trong hoàn cảnh khổ nạn, chúng ta cũng phải cảm thấy may mắn, vì chúng ta biết dùng thân người để nghe Phật pháp, có thể nghe kinh Hoa Nghiêm và Tịnh Độ, đó là đã gặp gỡ nhân duyên hy hữu khôn sánh! Được gặp gỡ, chúng ta đều phải sanh tâm cảm ơn. Tịnh Tông chúng ta có thể gặp được bản hội tập này của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, là bản tiêu chuẩn của Tịnh Tông; chúng ta có thể tin tưởng là trong chín ngàn năm về sau này, có nhiều người sẽ nhờ bộ kinh này mà đắc độ. Lại gặp lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ vâng lãnh lời phó chúc của thầy, chú giải cặn kẽ kinh này. Chúng ta biết khi cụ viết chú giải, thứ nhất là tuổi tác đã già, thứ hai là thân thể lắm bệnh. Trong tình trạng ấy, cụ chẳng nề hà nhọc nhằn, cay đắng, hoàn thành công tác gian nan, to lớn, vô cùng khó khăn này! Tôi không chỉ là nghe nói, mà ở Bắc Kinh, tôi đã tận mắt thấy. Thấy sự tình ấy, đương nhiên quý vị sẽ cảm động, cảm nhận một phen khổ tâm của lão nhân, vì sao? Vì chín ngàn năm sau trong thời kỳ Mạt Pháp, các đồng học có thể lý giải chính xác bản kinh này. Sau khi hiểu rõ, mới có thể phát khởi lòng tin. Có lòng tin thì mới có thể thật sự phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, vâng theo lý luận và phương pháp trong kinh này để tu học; ân đức ấy to lớn lắm! Thù thắng khôn sánh, công đức viết chú giải trọn chẳng kém công hội tập của thầy Ngài là cụ Hạ Liên Cư, có cùng một công đức. Do vậy, chúng ta học tập lần này, đặc biệt chọn bản Đại Kinh Giải nhằm tri ân, báo ân. Trước hết, chúng tôi giải thích đơn giản đoạn văn này. “Cảm ân đồ báo” (cảm ơn, mong báo đáp), cảm ơn như thế nào? Báo ơn như thế nào? Đó chính là lão nhân gia phát vô thượng tâm, cung kính chú giải kinh này, nhằm tiếp nối huệ mạng của Phật. Nay chúng ta báo ân bằng cách nào? Nay chúng ta hãy khéo chiếu theo kinh, nương theo chú giải, sốt sắng học tập, y giáo phụng hành, đó là tiếp nối huệ mạng của Phật. Chúng ta phải tham cứu thấu triệt đạo lý trong kinh và trong bản chú giải, phải vận dụng những đạo lý ấy vào cuộc sống hằng ngày, thực hiện trong công việc, thực hiện trong xử sự, đãi người, tiếp vật, mục tiêu chung cực là quyết định vãng sanh Tịnh Độ, nghiêm túc báo ân, thật sự tiếp nối huệ mạng của đức Phật.
      Tiếp đó, cụ cầu gia bị, “kiền kỳ lưỡng độ đạo sư”, nghĩa là kiền thành khẩn cầu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ở phương này và Bổn Sư A Di Đà Phật trong thế giới Cực Lạc, hai vị đạo sư trong hai cõi. “Thập phương Như Lai”, trong kinh, [cụ thể là] trong kinh Di Đà, chúng ta thấy chư Phật trong sáu phương tán thán, còn trong bản kinh này là mười phương chư Phật tán thán. “Thượng sư bổn tôn” là thầy. Cụ Hoàng, cụ Hạ đều từng học Thiền Tông, mà cũng đã học Mật Tông. Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển Mật viên dung, thảy đều thông đạt, cuối cùng quy hướng Tịnh Độ. Đây đều là biểu thị pháp cho chúng ta thấy: Bất luận học Giáo hay tham Thiền, hay tu Mật, đến cuối cùng thì sao? Cuối cùng vẫn phải niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Điều này khiến cho chúng ta nhìn vào hai vị lão nhân, họ đã làm như thế nào? Trên thực tế, họ hoàn toàn học theo hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền trong hội Hoa Nghiêm, đến cuối cùng đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, thật sự sanh về Tịnh Độ. Họ nêu gương cho chúng ta xem, khiến cho chúng ta là những kẻ chẳng có căn khí giống như họ, họ là bậc thượng thượng căn, chúng ta là kẻ trung hạ căn hay hạ hạ căn, hãy nên khăng khăng một mực nhất tâm quy mạng A Di Đà Phật, suốt đời tuân theo một phương hướng là Tây Phương, một mục tiêu là thế giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật, đó là đúng, thật sự tiếp nối huệ mạng của Phật! Chúng ta làm như vậy cũng sẽ ảnh hưởng nhiều người, những người ấy sẽ tiếp tục làm theo. Nói “Kim Cang hộ pháp” là cầu thần hộ pháp gia hộ. “Từ ân phú hộ” (từ ân che chở, hộ trì), đó là hộ trì. “Oai đức minh gia” là ngấm ngầm gia hộ. “Ký thử chú thích, thượng khế thánh tâm, quảng khải chúng tín, phàm hữu kiến văn, đồng nhập Di Đà Nhất Thừa nguyện hải” (mong sao bản chú thích này trên khế hợp thánh tâm, khơi gợi rộng rãi lòng tin của mọi người. Có ai thấy nghe đều cùng nhập biển nguyện Nhất Thừa của Phật Di Đà): Mong cho bản chú giải này được Thích Ca, Di Đà gia trì, được mười phương chư Phật hộ niệm, chẳng chú giải sai lầm, những câu chữ đã chú giải đều hợp với ý nghĩa giáo hóa của Như Lai. Quan trọng nhất là người đời sau sẽ đối với kinh này và bản chú giải này tin sâu chẳng nghi, quý vị đạt được lợi ích. Tổ Ấn Quang nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. “Phàm có ai thấy nghe” là nói đến kẻ hữu duyên, Phật độ kẻ hữu duyên, có thể thấy kinh và bản chú giải này chính là kẻ có thể tham dự pháp hội này, sẽ cùng nhập biển nguyện Nhất Thừa của Phật Di Đà. Niệm Phật Đường là A Di Đà Phật Nhất Thừa nguyện hải. Nhất Thừa là thành Phật, chẳng phải là Bồ Tát, chẳng phải là Nhị Thừa, hay Tam Thừa. Nhị Thừa là Đại Thừa và Tiểu Thừa. Tam Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát; Nhất Thừa là thành Phật. Pháp môn này thẳng chóng, ổn thỏa, là pháp môn thành Phật trong một đời, cho nên gọi là “Nhất Thừa nguyện hải”. Hai chữ cuối cùng là cảm ơn, tức là cảm ơn A Di Đà Phật đã dùng bốn mươi tám nguyện nhiếp thọ hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới. Những lời mào đầu của cụ Hoàng đến đây là hết.
      Sau đó là phần giải thích bộ kinh này; đoạn lớn thứ hai là Khái Yếu. “Thập môn phân liệt trung tiền cửu môn. Cẩn thích thử kinh, y Hoa Nghiêm tông pháp cập Di Đà Sớ Sao lệ, tổng khai thập môn” (Chín môn đầu trong cách phân chia, sắp xếp thành mười môn, kính cẩn giải thích kinh này tuân theo cách [chú giải kinh điển] của tông Hoa Nghiêm và thể lệ của bộ Di Đà Sớ Sao, chia [nội dung bản chú giải] tổng quát thành mười môn). Trước hết, nói rõ cách thức mà cụ đã tuân theo trong bản chú giải này: Dựa theo cách thức của tông Hoa Nghiêm. Tông Hoa Nghiêm dùng “thập môn khai khải” để giới thiệu đại ý của cả bản kinh, rồi mới giải thích chi tiết kinh văn. Trong mười môn ở trước [phần giải thích chánh kinh], đặc biệt là chín môn đầu nhằm làm cho người học tập kinh giáo chúng ta, trước khi đọc đến phần chánh kinh, đã hiểu rõ đại ý của cả bản kinh. Ở đây, có hai tầng ý nghĩa:
      1) Tầng ý nghĩa thứ nhất là trước hết khiến cho quý vị liễu giải đại ý của cả bản kinh, khơi gợi hứng thú học tập pháp môn này. Đấy là điều cần phải có.
2) Những vị lão tham, tức là những người tu hành đã lâu, đối với bộ kinh này, họ đã rất thuần thục, nhưng họ đến tham dự pháp hội để làm Ảnh Hưởng Chúng, họ nghe gì? Nghe Huyền Nghĩa! Phần Khái Yếu chính là Huyền Nghĩa. Vì Huyền Nghĩa là sự “thể ngộ” (thấu hiểu, lãnh ngộ) của quý vị đối với cả bản kinh sẽ được biểu lộ trong ấy. Cũng có nghĩa là nói: Từ đoạn này, sẽ có thể hoàn toàn thấu hiểu quý vị tu học đến tầng lớp, giai đoạn nào. Nếu người tu hành đã lâu mà nghe là nghe chỗ này; đây cũng là nói theo kiểu hiện thời của chúng ta: [Huyền Nghĩa] là tâm đắc tu học. [Nghe giảng Huyền Nghĩa] là nghe báo cáo tâm đắc của quý vị, phần giải thích kinh văn ở phía sau không cần nghe, họ đã hiểu rất rõ.
Tuy đã hiểu rất rõ ràng, nhưng đúng là có không ít người từ đầu đến cuối vẫn nghe hết sức nghiêm túc, hết sức cung kính; đó là gì? Làm Ảnh Hưởng Chúng, nhằm dẫn dắt kẻ sơ học. Kẻ sơ học đối với kinh này chưa có tín tâm, hoài nghi, nghe chẳng lọt tai, thấy những vị tu hành đã lâu đều nghe nghiêm túc như thế, lòng tin của họ được tăng trưởng. [Các vị ấy đã] nêu gương, làm mẫu cho họ. Người thật sự học Phật bèn hiểu rõ: Bất luận quý vị nghe hiểu hay không, vẫn một mực kiên trì nghe thì quý vị mới có thể nhập môn.
      Bản chú giải kinh A Di Đà của Liên Trì đại sư có phân lượng rất lớn; bản chú giải ấy có tên là A Di Đà Kinh Sớ Sao. Sớ là giải thích kinh, Sao là giải thích lời Sớ, tức là chú giải lời chú giải. Sớ do Liên Trì đại sư viết, mà Sao cũng do Ngài viết. Sau khi đã viết lời chú giải, văn tự còn có chỗ rất sâu, sợ người đời sau khó hiểu, nên Ngài lại chú giải lời Sớ, từ bi đến mức cùng cực! Đệ tử của Ngài là pháp sư Cổ Đức, là truyền nhân của Liên Trì đại sư, sau khi Liên Trì đại sư vãng sanh đã biên tập, chỉnh lý tất cả các trước tác của lão nhân gia đem xuất bản, lưu truyền đến hiện tại. Bản sách in hiện thời gần như là in thành bốn cuốn [in chung thành một bộ]. Bốn quyển sách dầy như vậy do Liên Trì đại sư trước tác, chúng ta phải cảm kích pháp sư Cổ Đức. Pháp sư Cổ Đức rất từ bi, sợ Sớ Sao vẫn còn có những chỗ rất sâu, luôn mong cho người đời sau hễ đọc sẽ hiểu rất dễ dàng, nên lại viết một bản chú giải sách Sớ Sao gọi là Diễn Nghĩa. Vì thế, quý vị thấy A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa thì phần Diễn Nghĩa là của pháp sư Cổ Đức. Sớ Sao do Liên Trì đại sư viết, Sớ Sao do chính Ngài viết. Lão nhân gia viết Sớ Sao, cũng dùng thập môn khai khải của tông Hoa Nghiêm, không dễ dàng! Chúng ta có thể hiểu nỗi khổ tâm của lão nhân gia. Trong thời đại của Ngài, có thể nói là tại Trung Quốc, Thiền Tông phổ cập khắp nước, phong khí nhà Thiền hưng thịnh, sự hưng thịnh ấy chỉ ở bề ngoài! Trên thực tế, Thiền hưng thịnh nhất trong hai triều đại Đường và Tống, còn họ (những người đồng thời với ngài Liên Trì) là người đời Minh. Tổ sư thấy tham Thiền công phu chẳng đắc lực, nếu muốn vượt thoát lục đạo chẳng dễ dàng! Tu học Phật pháp, vượt thoát lục đạo được coi là tiểu thành tựu, quý vị chứng đắc tiểu quả. Nếu chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, chẳng có thành tựu, chỉ có thể nói là tăng trưởng thiện căn trong A Lại Da, chẳng thể tính là thành tựu! Do vậy, Ngài đề xuất pháp môn Tịnh Tông, chẳng ai tin tưởng. Đã thế, mọi người coi rẻ pháp môn Tịnh Độ, thường nghĩ pháp môn Tịnh Độ dành để dạy cho các bà lão. Hiểu lầm là Thích Ca Mâu Ni Phật vì tiếp dẫn những kẻ chẳng có kiến thức nên khuyên họ niệm Phật, toàn là tâm lý và quan niệm sai lầm như vậy. Làm thế nào để đề cao Tịnh Độ? Đối với kinh Hoa Nghiêm, chẳng ai bàn cãi! Kẻ không hiểu Phật pháp nghe kinh Hoa Nghiêm cũng bội phục năm vóc sát đất. Do vậy, Ngài bèn dùng thập môn khai khải của Hoa Nghiêm để giảng Phật Thuyết A Di Đà Kinh, đưa kinh A Di Đà lên ngang tầm kinh Hoa Nghiêm, đó là nỗi khổ tâm của Liên Trì đại sư. Quý vị chẳng phải là tin tưởng Hoa Nghiêm lắm ư? Kinh Di Đà chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm! Trong giáo pháp Đại Thừa có câu ngạn ngữ: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (người viên mãn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên mãn), viên nhân là gì? Người kiến tánh. Người minh tâm kiến tánh, tùy tiện lấy một pháp nào, cũng đều có thể tương ứng với Hoa Nghiêm. Nhìn từ chỗ này, Liên Trì đại sư cũng không phải là kẻ bình phàm, kẻ bình phàm sẽ chẳng thể làm được!
      Ngẫu Ích đại sư là tư thục đệ tử của Liên Trì đại sư, có quan hệ giống như quan hệ giữa Mạnh Tử và Khổng Tử. Ngài Ngẫu Ích muốn tìm một vị thầy, nhưng tìm không ra! Quý vị đọc sách do Ngài trước tác, sẽ thấy: Khi ấy, Ngài chẳng vừa ý lắm với những kẻ tu hành trong Phật môn, nên đã lấy biệt hiệu là Bát Bất Đạo Nhân, chẳng thường qua lại với mọi người, chẳng hợp tính với họ, [bị những kẻ tu hành đương thời coi] là một quái nhân trong Phật môn. Khi ấy, Liên Trì đại sư đã vãng sanh, nhưng trước tác của Ngài còn đó. Do vậy, Ngài làm tư thục đệ tử của tổ Liên Trì, cũng nghĩa là nói Ngài tôn Liên Trì đại sư làm thầy. Thầy không còn trên đời, nhưng trước tác của thầy còn đó, bèn dựa theo trước tác của thầy để học tập. Giống như Mạnh Tử vào thời cổ, Mạnh Tử học Khổng Tử, Khổng Tử cũng đã khuất, nhưng trước tác của Khổng Tử còn đó, [Mạnh Tử bèn] đọc sách của Khổng Tử, chỗ nào chẳng thấu hiểu, bèn thưa hỏi học trò của Khổng Tử. Ngài học thành tựu, học còn giỏi hơn đệ tử của Khổng Tử. Do vậy, hễ nói tới Nho gia, toàn là nói Khổng Mạnh, chẳng nhắc tới ai khác. Điều này cho thấy: Tuy Ngài chẳng được chính Khổng Tử truyền dạy, nhưng chiếu theo sách của Khổng Tử để học, trọn chẳng thua kém học trò do đích thân Khổng Tử đã truyền dạy, thành tích hết sức ưu tú, đấy là người đầu tiên lập ra thể lệ “tư thục đệ tử” của Trung Quốc. Trong Phật môn, Ngẫu Ích đại sư học theo tổ Liên Trì, Ngài bội phục Liên Trì đại sư nhất, cũng học theo rất giống, cho nên ngài Liên Trì là tổ sư Tịnh Độ Tông đời thứ tám, Ngẫu Ích đại sư là tổ sư đời thứ chín, chúng ta đều nên học tập những điều này. Trong thời đại hiện tại, chúng ta không tìm được thiện tri thức chân chánh, hãy tìm cổ nhân! Học kinh A Di Đà có thể tìm Liên Trì đại sư, học kinh Vô Lượng Thọ có thể tìm lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là Kim Cang thượng sư[3] trong Mật Tông, nên ở đây Ngài có thượng sư bổn tôn[4]. Cụ Hoàng cũng đã vãng sanh, lão nhân gia niệm Phật vãng sanh; khi bệnh nặng, đã báo tin cho tôi biết, mỗi ngày cụ niệm Phật hiệu mười bốn vạn câu, ngủ rất ít, Phật hiệu không ngừng, thật sự vãng sanh.
       “Mười môn” là báo cáo tâm đắc của cụ được chia thành mười đoạn, nói như vậy mọi người sẽ dễ hiểu. Tiếp đó cụ nêu ra mười đề mục, tức là mỗi đoạn có một tiêu đề. “Kế vi nhất, giáo khởi nhân duyên” (mục thứ nhất là nhân duyên khiến cho giáo pháp phát khởi), thứ hai là “bổn kinh Thể Tánh” (Thể và Tánh của bản kinh này), thứ ba là “nhất kinh Tông Thú” (tông và thú của kinh), thứ tư là “phương tiện lực dụng”, thứ năm là “sở bị căn khí” (căn tánh được tiếp độ bởi bản kinh này), thứ sáu là “tạng giáo sở nhiếp” (kinh này thuộc về tạng nào và giáo nào), thứ bảy là “bộ loại sai biệt”, thứ tám là “dịch hội hiệu thích”, “dịch” () là phiên dịch, “hội” () là hội tập, “hiệu” (, còn đọc là giảo) là do Bành Tế Thanh thực hiện, ông ta đã soạn một bản tiết hiệu (trích lục, phân đoạn, chỉnh sửa những chữ bị chép lầm), “thích” là giải thích. Thứ chín là “tổng thích danh đề”, tức là giải thích đề mục bản kinh. Đoạn cuối cùng là “chánh thích kinh nghĩa”, bắt đầu giải thích kinh văn; kinh văn có tất cả bốn mươi tám phẩm.
      “Tiền cửu môn tổng luận toàn kinh cương tông bộ loại, thử dữ Thiên Thai tông chi Ngũ Trùng Huyền Nghĩa, đại đồng tiểu dị” (chín môn trước là luận định chung về cương lĩnh, tông chỉ, bộ loại của cả bản kinh, điều này giống như phần Năm Tầng Huyền Nghĩa của tông Thiên Thai, chỉ là khác biệt đôi chút). Tông Thiên Thai dựa trên kinh Pháp Hoa, Pháp Hoa cũng là kinh điển Nhất Thừa. Báo cáo [tâm đắc] của họ được chia thành năm đoạn, còn tông Hoa Nghiêm chia thành mười đoạn. Hoa Nghiêm dùng “thập” để biểu pháp, “thập” tượng trưng viên mãn. Nói chung, vì mười môn rắc rối, nên lịch đại pháp sư giảng kinh khi báo cáo như vậy quá nửa đều tuân theo cách thức của tông Thiên Thai, đơn giản, rất ít dùng phương pháp của tông Hoa Nghiêm. Cách của Hoa Nghiêm hay lắm, nhưng phải tốn nhiều thời gian hơn. Hiện thời, Ngũ Trùng Huyền Nghĩa dường như cũng không phổ biến lắm! Các báo cáo hiện thời trước hết là nói nhân duyên giảng kinh là đủ rồi, sau khi đã trình bày xong nhân duyên giảng kinh, đại khái là nói về đề mục của bộ kinh sẽ được giảng, rồi bước vào kinh văn, ngày càng đơn giản hóa. Nhưng muốn thật sự nghiên cứu thì [phương pháp của tông] Hoa Nghiêm hay lắm. Chúng ta tự mình tu học, chớ nên dùng phương pháp ngắn gọn ấy, không cần thiết, nhưng nếu đi giảng kinh bên ngoài thì có thể. Đối với người hiện thời, nếu dùng phương pháp [thập môn khai khải] này để giảng, giảng một thời gian rất dài mà vẫn chưa được nghe kinh văn, họ sẽ chẳng có hứng thú, rút lui! Vì thế, càng nói đơn giản càng hay. Trước đây, chúng tôi học tập kinh giáo tại Đài Trung, thầy luôn giảng những điều này, nhưng vì khế cơ trong xã hội hiện đại, cũng không dùng tới cách này. Chúng tôi không dùng những đề mục này, nhưng nội dung giảng giống hệt, nêu nhân duyên giảng kinh: Vì sao muốn chọn giảng bộ kinh này? Tiếp đó, giảng đề mục của kinh. Sau đấy mới giảng thẳng vào chánh kinh, tức là tiếp theo phần giảng đề mục bèn giảng kinh văn. Vì thế, phần Huyền Nghĩa phía trước giảng một hai giờ là xong, ngày hôm sau đã có thể thấy kinh văn. Đấy là nhằm thích ứng căn cơ của đại chúng trong xã hội hiện tại, chúng ta chớ nên không biết điều này. Phương pháp tu học như trong bản chú giải này, thích hợp với chỗ nào? Thích hợp với Phật học viện hay chùa chiền; đối với các đồng tu trong chùa chiền, hết thảy mọi người cùng nhau tu hành thì có thể [áp dụng phương pháp thập môn khai khải này]. Tại các cơ sở thông thường, hoặc khi giảng tại hội trường tạm thời, không thể dùng phương pháp này, chúng ta chẳng thể không biết điều này!
      “Tổng chi, giai tương nhất kinh cương yếu, tổng luận ư tiền, phát huy minh liễu, sử độc giả tiên thức tổng thể, hậu nghiên kinh văn, cương cử mục trương, dị ư lãnh hội” (nói chung, đem cương yếu của toàn bộ bản kinh luận định chung ở đầu sách, nêu bày sáng tỏ, khiến cho độc giả trước hết nhận biết tổng thể, sau đó nghiên cứu kinh văn, cái lưới giơ lên, các mắt lưới căng ra, sẽ dễ lãnh hội). Chúng ta nhìn từ chỗ này, có thể thấy được khuôn mẫu giảng kinh giáo học trong tùng lâm vào thời cổ. Trong Phật môn, gọi [cách thức này] là “nghi thức”, hiện thời gọi là “phương thức”, đều có ý nghĩa giống nhau. Trong quá khứ, chùa viện am đường đều là trường học, quý vị phải biết điều này. Thích Ca Mâu Ni Phật đi tham học năm mười chín tuổi, chúng ta nhất định phải biết điều này: Trước khi tròn mười chín tuổi, Ngài nhất định đã có cơ sở khá vững vàng nên mới có thể đi tham học; nếu chẳng có, Ngài sẽ không thể đi. Tại Trung Quốc, chúng ta thấy chính Khổng Tử đã tự thuật trong Luận Ngữ như sau: “Thập ngũ hữu chí ư học” (mười lăm tuổi đã có chí dốc sức nơi việc học). Chúng ta tin tưởng Thích Ca Mâu Ni Phật nhất định có chí học hành sớm hơn Khổng Tử, Ngài đã có cơ sở kha khá thì mới có thể tìm thầy, hỏi bạn. Mười chín tuổi đi tham học, tất cả các vị đại đức trong các tôn giáo và học phái của Ấn Độ, Ngài đều thân cận, chẳng sót một vị nào! Tham học mười hai năm, Ngài tròn ba mươi tuổi, chúng tôi tin rằng trong mười hai năm ấy, thành tựu của Ngài vô cùng ưu tú. Ngài hiếu học, lại thông minh, mang tư cách vương tử là một thân phận đặc thù, đến chỗ nào cũng đều được đối xử lễ độ, ai mà chẳng ưa thích một người như vậy?
      Ở Ấn Độ vào thời cổ, tôn giáo lẫn học thuật đều đề xướng Thiền Định. Tứ Thiền Bát Định được kinh Phật nói nhắc đến, chẳng phải do Thích Ca Mâu Ni Phật sáng tạo, các Bà La Môn của Cổ Ấn Độ đã tu [trước đó] rồi! Bà La Môn giáo (Brahmanism) chính là Hưng Đô giáo (Ấn Độ Giáo, Hinduism) hiện thời, tôi qua lại với họ rất nhiều, các trưởng lão bảo tôi: Giáo lý của họ truyền thừa từ thời cổ đã có lịch sử tối thiểu trên một vạn năm, chúng ta có thể tin tưởng điều này. Thời đại thượng cổ không có văn tự ghi chép, [đến khi] có văn tự, người Ấn Độ không coi trọng lịch sử, chẳng giống như người Hoa! Người Hoa hết sức coi trọng lịch sử, năm, tháng, ngày được ghi chép rõ ràng. Người Ấn Độ chẳng làm chuyện này, họ coi trọng khai ngộ, không đặt nặng lịch sử; vì thế, chúng ta có thể tin lời [các trưởng lão Bà La Môn]. Văn hóa truyền thống Trung Quốc tuyệt đối chẳng phải chỉ là năm ngàn năm, vì văn tự Trung Quốc mới được phát minh bốn ngàn năm trăm năm. Văn tự được phát minh vào thời Hoàng Đế. Trước khi văn tự được phát minh [những dữ kiện lịch sử được các sử gia coi] là truyền thuyết. Trước Hoàng Đế có Thần Nông Thị, trước đó nữa là Phục Hy Thị. Theo truyền thuyết, từ Thần Nông đến Hoàng Đế là năm trăm năm, từ Phục Hy đến Thần Nông[5] lại là năm trăm năm nữa, [tổng cộng] là một ngàn năm. Chúng ta nói truyền thống Trung Quốc có năm ngàn năm văn hóa là nói đến Phục Hy và Thần Nông, trước đó vẫn còn có [lịch sử cổ hơn].
      Khổng Tử tổng hợp những truyền thuyết từ xưa, dùng văn tự ghi chép lại để lưu truyền cho hậu thế. Do vậy, chúng tôi tin trong Luận Ngữ có nhiều câu chẳng do Khổng Tử nói. Khổng Tử lão nhân gia nói Ngài suốt đời “thuật nhi bất tác”, “thuật” () là những điều ta nói vốn do người khác nói, do cổ thánh tiên hiền [đã nói], chứ không phải là chính mình, chính mình chẳng sáng tạo hay phát minh. “Tín nhi hiếu cổ” (tin tưởng, chuộng cổ), đối với truyền thuyết, Ngài tin tưởng, ưa thích. Do vậy, Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức, trọn chẳng phải là đến thời Ngài mới có, chúng ta có lý do để tin [những thứ ấy] phải từ một vạn năm trở lên. Cổ nhân truyền lại những thứ tinh giản, quý vị mới dễ nhớ, mới không bị biến chất. Ngũ Luân là “phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt, quân thần hữu nghĩa, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín” (cha con có quan hệ thân thiết, vợ chồng có trách nhiệm khác nhau, vua tôi có nghĩa, lớn nhỏ có tôn ty thứ tự, bạn bè giữ chữ tín), quý vị thấy rất dễ truyền, sẽ chẳng bị truyền sai, ngàn vạn năm vẫn một mực truyền xuống như thế. Ngũ Thường là thường đạo (đạo nghĩa thường hằng), vĩnh viễn chẳng thể thay đổi, đó là đạo, tức năm chữ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, đều được đời đời truyền thừa trước khi có văn tự. Tứ Duy là “lễ, nghĩa, liêm sỉ”, bốn chữ ấy. Bát Đức là tám chữ “trung, hiếu, nhân, ái, tín, nghĩa, hòa, bình”. Đó là văn hóa truyền thống, đặc sắc và tinh thần văn hóa Trung Quốc. Phát triển cho đến hiện tại, Tứ Khố Toàn Thư được biên soạn vào thời đại Càn Long chính là sách vở các đời tích lũy lại, quý vị hãy xem, sẽ thấy bất luận ai soạn sách, đều chẳng tách rời những nguyên tắc này. Do vậy, chúng ta dùng Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức để khái quát toàn bộ văn hóa truyền thống của Trung Quốc từ xưa đến nay, chẳng thể nào vượt ra khỏi những nguyên tắc này.
      Đến đời Hán, Phật pháp truyền vào Trung Quốc, tuy chẳng phải là văn hóa bản thổ, nhưng người Trung Quốc tâm lượng lớn, có thể bao dung, có thể dung hợp Phật pháp và văn hóa bản thổ thành một thể, như ông Thang Ân Tỷ (Arnodl J. Toynbee) đã nói: “Phật pháp phong phú văn hóa bản thổ của Trung Quốc, nâng cảnh giới lên cao hơn”. Phật pháp biến thành văn hóa của Trung Quốc; nói tới văn hóa Trung Quốc, chắc chắn chẳng thể tách rời Phật pháp, chúng ta có hiểu [điều này] mới yêu quý. Đặt Phật pháp qua một bên khoan nói tới, đối với những thứ của chúng ta, tức là nói Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức của Trung Quốc, trong thời đại hiện tại, đi khắp địa cầu, bất luận nơi nào, những quốc gia, dân tộc khác biệt, tín ngưỡng, văn hóa khác biệt, đều có thể dung hội, chẳng chướng ngại. Đây là kinh nghiệm của bản thân chúng tôi trong mấy chục năm gần đây nhất, chúng ta nói rõ ràng, minh bạch, không ai chẳng ưa thích, đều tiếp nhận. Vì thế, tiến sĩ Thang Ân Tỷ nói: “Thế kỷ hai mươi mốt là thế kỷ của người Trung Quốc”. Có rất nhiều người hiểu lầm [câu nói ấy], tưởng người Trung Quốc xưng hùng xưng bá, chẳng phải vậy, mà là văn hóa truyền thống của Trung Quốc sẽ phổ cập toàn cầu, khiến cho thế giới này có thể thật sự hóa giải xung đột, khôi phục an định, hòa bình, hết thảy mọi người đều cần [điều này], chúng ta phải có sự nhận biết này. Phải giống như lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, phải biết báo ân, báo ân tổ tiên. Báo bằng cách nào? Phải thực hiện văn hóa truyền thống, tức là phải thực hiện Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức, phải nghiêm túc thực hiện. Có như vậy mới là báo ân chân chánh. Quý vị thật sự làm được, hiệu quả sẽ vô cùng rõ rệt, thứ nhất là thân tâm khỏe mạnh. Phật pháp nói: “Tướng do tâm chuyển”. Thân tâm khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thuận lợi, xã hội an định, tiếp đó là trị quốc, bình thiên hạ. Thiên hạ bình, “bình” là bình đẳng, là đối đãi bình đẳng, cư xử hòa thuận. Vì vậy, xã hội trong thế kỷ hai mươi mốt hết sức cần đến học thuyết Khổng Mạnh và Đại Thừa Phật Pháp, ông Thang Ân Tỷ thấy chẳng sai!
     Đoạn thứ nhất trong phần Khái Yếu là “giáo khởi nhân duyên”, nay chúng ta học tập đoạn này. “Giáo khởi nhân duyên giả, minh đại giáo sở dĩ hưng khởi chi nhân duyên” (Giáo khởi nhân duyên là nói rõ nhân duyên khiến cho đại giáo hưng khởi). “Minh” () là nói rõ, “đại giáo” là Đại Thừa. Tịnh Tông thuộc Đại Thừa. [Giáo khởi nhân duyên] là lý do vì sao Đại Thừa Phật pháp hưng khởi. Vì sao nó hưng khởi? Chúng ta học Phật, phải hiểu rõ điều này trước tiên. Trong phần này, chia thành hai đoạn. Đoạn thứ nhất là “sơ minh đại giáo dữ Tịnh Độ pháp môn chi hưng khởi” (trước hết, nêu rõ sự hưng khởi của giáo pháp Đại Thừa và pháp môn Tịnh Độ): Vì sao pháp Đại Thừa và pháp môn Tịnh Độ hưng khởi? Đoạn thứ hai là “tắc tường thuật bổn kinh hưng khởi chi nhân duyên” (trình bày cặn kẽ nhân duyên khiến cho kinh này xuất hiện), đây là nói về nhân duyên hưng khởi của bộ kinh này, tức Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh. Chúng ta đọc câu văn kế tiếp: “Phù nhất thiết pháp, bất ly nhân duyên” (hết thảy các pháp chẳng lìa nhân duyên). “Phù” () trợ từ, tuy lão cư sĩ dùng văn tự rất minh bạch để viết [lời chú giải], nhưng vẫn theo quy củ của Văn Ngôn. Chữ “phù” này là “ngữ trợ từ” trong văn chương Văn Ngôn, không có ý nghĩa, là tiếng đệm, tức là nói: Hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều chẳng tách rời nhân duyên. Nó được hưng khởi, “đại giáo chi hưng, nhân duyên vô lượng, nhi vô lượng nhân duyên duy vi nhất đại sự nhân duyên cố” (Đại giáo được hưng khởi bởi vô lượng nhân duyên, nhưng vô lượng nhân duyên chỉ là một đại sự nhân duyên). Quả thật nhân duyên phát khởi của vạn vật trong vũ trụ đều là vô lượng, vô tận, vô số, chẳng phải là ngẫu nhiên, đúng là vô lượng nhân duyên.
      Đức Phật dạy học, đặc biệt là dạy kẻ mới học, đã quy nạp vô lượng nhân duyên thành bốn loại lớn, nói khéo lắm. Trong bốn loại lớn, thứ nhất là Thân Nhân Duyên, thứ hai là Sở Duyên Duyên, thứ ba là Vô Gián Duyên, thứ tư là Tăng Thượng Duyên. Đức Phật chia vô lượng nhân duyên thành bốn loại lớn. Quý vị phải biết, mỗi loại trong bốn loại lớn này đều là vô lượng nhân duyên.Trong sự giảng học ấy có pháp phương tiện, tức là nói đại lược. Giống như thực vật, nó sanh trưởng như thế nào? Nó có hạt giống, hạt giống là Thân Nhân Duyên. Chẳng có hạt giống, làm sao nó sanh trưởng được? Nhưng chỉ có mình hạt giống, mà chẳng có những duyên khác; đem hạt giống ấy bỏ trong chén trà, để cả trăm năm, nó cũng chẳng thể mọc thành cây. Vì thế, nó phải có Sở Duyên Duyên. Có Sở Duyên Duyên, hạt giống nhất định có hy vọng mọc thành cây, đơm hoa, kết quả, nó có một mục tiêu để duyên vào. Cũng giống như động vật, chúng có Sở Duyên Duyên là nhất định muốn được sanh tồn, còn mong mỏi sẽ sanh sôi nẩy nở thành đời sau. Đấy là bản năng, “bản năng” như chúng ta đã nói chính là Sở Duyên Duyên. Sở Duyên Duyên chẳng thể gián đoạn; hễ gián đoạn, nó sẽ hủy diệt. Vì vậy, quý vị nhìn vào ba món duyên đầu tiên, ba thứ hiện tượng có cùng một Thể. Duyên sau cùng là Tăng Thượng Duyên, nó cũng chẳng thể thiếu. Tăng Thượng Duyên: Hạt giống muốn trưởng thành, cần phải có đất đai, cần đến không khí, cần có nước, thậm chí còn phải có sức người giúp nó, nó mới có thể phát triển. Toàn bộ những thứ ấy gọi là Tăng Thượng Duyên. Tăng Thượng Duyên là sức mạnh bên ngoài giúp đỡ, là ngoại lực; ba thứ duyên trước đó, chính mình vốn sẵn có. Phật pháp là nhân duyên sanh, cho nên ý nghĩa này rất sâu. Phàm thứ gì là nhân duyên sanh (do nhân duyên sanh ra) sẽ đều chẳng thật! Pháp được sanh bởi duyên sẽ có sanh, có diệt; có sanh có diệt sẽ chẳng thật. Vì thế, đức Phật bảo chúng ta: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp). Quý vị chớ nên chấp trước Phật pháp. Hễ chấp trước thân này là Ngã, trật rồi! Nếu quý vị chấp trước kinh điển là Phật pháp, cũng trật luôn! Nó là pháp được sanh bởi các duyên. Thứ nào chân thật sẽ chẳng phải là duyên sanh, nó vốn có. Tự tánh là vốn có, Tánh Đức trong tự tánh là vốn có. Trí huệ, đức năng, và tướng hảo vốn sẵn có trong tự tánh. Ý nghĩa này sâu lắm, nó biến thành cái được gọi là Triết Học cao cấp và khoa học trong hiện thời. Nói pháp duyên sanh với quý vị, đó là sơ cấp, Tiểu Học và Trung Học đều có thể học.
      Sở dĩ vô lượng nhân duyên chỉ là một đại sự nhân duyên là vì nếu chúng ta tổng quy nạp vô lượng nhân duyên lại, chúng ta sẽ tìm ra nhân duyên quan trọng nhất là gì? Vì sao phải xuất sanh? Đó là một đại sự nhân duyên. Một đại sự nhân duyên là như trong kinh Pháp Hoa đức Phật đã dạy: “Chư Phật Thế Tôn duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố, xuất hiện ư thế” (Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời). “Duy dĩ Phật chi tri kiến, thị ngộ chúng sanh” (chỉ nhằm dùng tri kiến của Phật để chỉ bày, khiến cho chúng sanh khai ngộ). Trong kinh Pháp Hoa có một câu nói về đại sự nhân duyên như sau: “Khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”. Vì sao mười phương chư Phật, Bồ Tát, đến ứng hóa trong thế gian? Vì chuyện này! Bởi lẽ, Phật tri Phật kiến chính là cái mà hết thảy chúng sanh vốn có; do vậy, Phật chẳng độ chúng sanh! Phật ban cho quý vị cái gì? Cái gì Phật cũng chẳng ban cho, bản thân quý vị đã vốn có! Vốn có, nhưng quý vị mê rồi, chẳng thể thụ hưởng. Đang mê hoặc, điên đảo, đang luân hồi trong lục đạo, sống cuộc đời thê thảm, khổ nạn như thế; Phật đến điểm hóa quý vị. Quý vị có Phật tri Phật kiến, vốn là Phật, nhưng bị mê, mê mất tự tánh. Do vậy, đối với chúng sanh, đức Phật chỉ có thể làm được hai chữ: “Khai thị”. Dùng phương tiện nào để hoàn thành hai chữ này? Thân hành và ngôn giáo. Thân hành là “thị” (). “Thị” làm mẫu cho quý vị xem; “ngôn giáo” là [giáo hóa bằng] lời nói. Đức Phật coi “thị” là phương pháp trọng yếu để giáo hóa chúng sanh, “ngôn” nhằm bổ sung những chỗ thiếu sót trong “thị”. Vì thế, trước hết nêu gương cho quý vị xem, sau khi xem xong, quý vị sẽ cảm động, lãnh hội. Sau khi nhìn thấy sẽ cảm động, nhưng chưa hiểu rõ lắm, quý vị lại hỏi, khi được hỏi sẽ giải thích cho quý vị. Đức Phật làm trước! Vì sao đức Phật phải thị hiện làm một vị Tăng khổ hạnh, tam y nhất bát, đêm nghỉ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa Ngọ, để làm gì vậy? Có ý nghĩa gì? Chúng tôi học nhiều năm như thế, đã hiểu ý nghĩa, nhằm dạy người ta điều gì? Buông xuống! Buông xuống bèn trở về tự tánh. Vì sao quý vị mê ? Do quý vị tự tư, tự lợi, có tham, sân, si, mạn, tham ái hưởng thụ ngũ dục, lục trần, do làm những chuyện này cho nên mê.
      Trên thực tế, có thể hưởng thụ ngũ dục lục trần hay chăng? Có thể! Vì sao không thể? Quý vị hưởng thụ, nhưng trong lúc ấy chẳng khởi phân biệt, dấy chấp trước nơi ấy, đó là đúng. Nhưng khi quý vị hưởng thụ, bèn khởi phân biệt, dấy chấp trước, khởi lên thất tình, ngũ dục, hỏng rồi! Sẽ sanh ra nhiều tác dụng phụ, đó là tạo nghiệt[6]! Sanh ra những thứ ấy, những thứ đó lại chuốc lấy quả báo. Do cái nhân chẳng thiện, nên chẳng đạt được thiện quả, [thọ sanh trong] lục đạo tam đồ. Quý vị phải hiểu: Lục đạo tam đồ chẳng có, trong tự tánh chẳng có, vốn chẳng có, nhưng hiện thời là có hay không? Hiện tại vẫn là chẳng có, nói với quý vị, quý vị đâu có tin! Nói “hiện tại có”, quý vị sẽ tin tưởng; nói “hiện tại chẳng có”, quý vị không tin. Trong sự cảm nhận của Phật, Bồ Tát, đúng là chẳng có, chẳng phải là giả! “Đương tướng tức không, liễu bất khả đắc” (Chính tướng ấy là không, trọn chẳng thể được), có ở chỗ nào? Trong kinh, đức Phật thường nói “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Nói tổng kết về kinh Đại Bát Nhã thì bộ kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển đã giảng điều gì? Nhằm giảng bốn câu: “Hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được”, bốn câu ấy! Thích Ca Mâu Ni Phật giảng [Bát Nhã] hai mươi hai năm, nhằm dạy chúng ta chân tướng sự thật là như vậy đó. Quý vị chẳng liễu giải chân tướng sự thật, chấp trước nó là có thật, trật rồi! Trong các cảnh giới, cảnh giới hư huyễn, quý vị dấy lên ý niệm khống chế, chiếm hữu, sai rồi! Quý vị đã tạo tội nghiệp! Nếu quý vị thụ dụng, nhưng chẳng có ý niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm động niệm, sự thụ dụng của quý vị là sự thụ dụng của chư Phật Như Lai. Thưa quý vị, cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai là sự thụ dụng ấy. Người trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm có thụ dụng, nhưng chẳng có phân biệt, chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đó gọi là hưởng thụ thật sự, đó gọi là thế giới Cực Lạc. Chẳng khởi tâm, không động niệm, cho nên sự hưởng thụ của họ chẳng có một tí trở ngại nào, chẳng khởi tâm động niệm! Nay chúng ta hưởng thụ, bèn khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, phiền phức ở chỗ này! Do vậy, nói: Chẳng có luân hồi mà tạo tác thành luân hồi. Luân hồi là ác mộng. Quý vị đi ngủ vốn chẳng có mộng, mỗi ngày gặp ác mộng thì ác mộng do chính quý vị tạo tác, chẳng phải do người khác tặng cho quý vị.
       Đại sự nhân duyên là khai thị ngộ nhập, đức Phật có thể làm được hai chữ “khai thị”; nhưng chúng sanh tiếp xúc sự khai thị ấy, phải ngộ nhập! “Ngộ” là hiểu rõ, giống như chúng ta thường nói là “thấy thấu suốt”. “Nhập” thế nào? Nhập là buông xuống, buông xuống là nhập. Quý vị chẳng buông xuống được, sẽ chẳng nhập cảnh giới; hễ buông xuống liền nhập. Cận đại, Ấn Quang đại sư có một phương pháp hết sức tuyệt diệu, dạy chúng ta ngộ nhập như thế nào. Khi lão nhân gia tại thế, có một khoảng thời gian rất lâu, Ngài bế quan tại Linh Nham Sơn Tự ở Tô Châu, đó là đạo tràng tu học cuối cùng của lão nhân gia. Tôi đã đến thăm quan phòng (gian phòng dùng để bế quan) ấy. Rất nhỏ, hết sức đơn giản, chỉ có một cái bàn vuông, trên bàn thờ một pho tượng Phật, thứ gì cũng đều chẳng có, rất đơn giản! Một pho tượng Phật, một cặp chân đèn, một lư hương, một cái dẫn khánh, một cái mõ nhỏ. Phía sau tượng Phật viết một chữ to, do chính lão nhân gia viết. Ngài viết một chữ Tử. Phương pháp này khéo lắm! Khiến cho quý vị vừa trông thấy, cái chết đã cận kề, thử hỏi quý vị còn có điều gì chẳng buông xuống được chăng? Vì thế, trong thời đại hiện tại, bản thân tôi thường nghĩ: Thọ mạng của chúng ta tới hôm nay là hết, ngày hôm nay phải chết, còn có gì để mơ tưởng nữa? Do vậy, chúng ta sẽ sốt sắng, nghĩ đến cái chết, đã chết rồi, cái chết đang đón đầu, còn có thể nghĩ tới ăn, mặc, ở, đi nữa chăng? Còn có thể mong hưởng thụ hay chăng? Chẳng có! Hiện thời chỉ còn sót lại một ý niệm cầu sanh Tịnh Độ. Điều gì cũng đều buông xuống, chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật, “con ở đây chờ Ngài, Ngài hãy đến tiếp dẫn con”. Trừ một niệm này ra, ý niệm gì cũng đều chẳng có. Có thứ gì trong thế gian này là của ta? Ngay cả cái thân cũng chẳng phải! Chúng ta phải dùng tâm thái ấy để niệm Phật, đúng như kinh Di Đà đã nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến bảy ngày” sẽ vãng sanh, thật đấy, chẳng giả đâu! Hôm nay A Di Đà Phật chưa đến, coi như chưa tới lúc, ngày mai vẫn nghĩ như thế, mỗi ngày đều nghĩ như thế, có nghĩa là gì? Nêu gương cho các đồng học học Phật, khẳng định có một ngày nào đó, A Di Đà Phật sẽ đến. A Di Đà Phật nói: “Ngươi đã nêu gương, có thể đến thế giới Cực Lạc”.
      Chẳng có gì khác, triệt để buông xuống! “Buông xuống” chẳng phải là bỏ hết mọi việc, chẳng phải vậy! Mọi sự vẫn phải làm, chuyện trong ngày hôm nay vẫn phải làm như thế, nhưng trong tâm không in dấu vết. Tâm như thế nào? Trong tâm là một câu A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, tưởng A Di Đà Phật, thật sự niệm Phật, chẳng giả vờ. Đấy là gì? Vì đại sự này mà chư Phật Như Lai tới thế gian này, để làm gì? Giúp chúng sanh nhanh chóng thành Phật. Quý vị vốn là Phật, nay quý vị niệm Phật, chắc chắn làm Phật, vốn là Phật mà! Chuyện thế gian, chuyện trong mười pháp giới đừng quan tâm tới, tùy duyên là tốt rồi, không nên phan duyên! Cổ đại đức dạy chúng ta: “Tùy duyên tiêu cựu nghiệp, mạc tái tạo tân ương” (tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo ương họa mới). Nếu chúng ta không biết, đối với hết thảy người và sự vật xung quanh vẫn khởi tâm động niệm, vẫn còn phân biệt, chấp trước, đấy là quý vị đang tạo ương họa mới, tạo nghiệp, lầm rồi! Trên mặt Sự bèn tùy duyên, trong lòng phải tinh sạch. Sự là gì? Là giả, Sự Sự vô ngại! Chỉ cần chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chướng ngại gì cũng đều chẳng có. Chướng ngại là khởi tâm động niệm! Khởi tâm động niệm là chướng ngại nghiêm trọng nhất. Thứ nhất là đối lập. Quyết định chẳng thể đối lập với người khác. Chớ nên đối lập với Sự. Chớ nên đối lập hết thảy vạn vật. Trước hết phải tiêu trừ điều này, thành tựu viên mãn đạo nghiệp của chính mình trong một đời này. Quyết định chớ nên có ý niệm khống chế, càng không nên có ý niệm chiếm hữu, hãy học điều này, thực hiện từ chỗ này. Làm thế nào để hóa giải ý niệm? Niệm A Di Đà Phật để hóa giải. Trong tâm ta chỉ có A Di Đà Phật, chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật, nhất tâm mong quay về thế giới Cực Lạc sớm hơn một chút, đến thế giới Cực Lạc để thành Phật.
      Hoàn cảnh tu học ở bên ấy tốt đẹp, thọ mạng con người lâu dài, vô lượng thọ, lại thành tựu nhanh chóng. Vì sao? Hoàn cảnh tu học tốt đẹp, quý vị chắc chắn chẳng gặp duyên gây chướng ngại, quý vị tìm ở nơi đâu không có chướng ngại? [Các duyên trong thế giới Cực Lạc] đều là duyên thành tựu. Do vì quý vị ở bên đó, những người quý vị được tiếp xúc đều là chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát. Phải hiểu: Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị có thể thời thời khắc khắc tiếp xúc mười phương hết thảy chư Phật Như Lai. Quý vị có năng lực phân thân, ngồi nơi đó nghe A Di Đà Phật giảng kinh, thuyết pháp, [đồng thời] phân vô lượng vô biên thân đến thập phương thế giới lễ Phật, cúng dường, nghe Phật thuyết pháp. Trong mười phương thế giới chẳng có duyên phận này, nhưng thế giới Cực Lạc trọn đủ. Do vậy, học rộng nghe nhiều thì đến thế giới Cực Lạc sẽ thật sự học rộng nghe nhiều, chư Phật đích thân giáo huấn. Quý vị có năng lực phân thân. Quý vị nói xem: Nhân duyên và hoàn cảnh học tập thù thắng như vậy, có thể nào không đến đó? Cớ gì tham luyến nơi đây? Thích Ca Mâu Ni Phật sợ chúng ta ở nơi đây sẽ dấy động ý niệm tham luyến, cho nên suốt đời chẳng lập đạo tràng, chẳng tham luyến, chỉ cho phép ngủ dưới mỗi gốc cây một đêm, vì sao? Bóng cây rất lớn, quý vị dấy lên tâm tham, nên chỉ có thể ngủ một đêm, ngày hôm sau sang chỗ khác, [chế định như vậy] nhằm đoạn tâm tham của quý vị. Đúng là phương tiện thiện xảo, giúp cho chúng ta chẳng sanh phiền não, giúp chúng ta chẳng tạo tội nghiệp. Cũng có người nói: Một đại sự nhân duyên này chính là sanh tử đại sự. Nếu hiểu theo ý nghĩa ấy thì chưa đủ thấu triệt! Thấu triệt vẫn phải là tuân theo kinh điển để nói. Trong kinh điển đã nói “khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”, [đại sự nhân duyên] là chuyện ấy.
       Trong toàn bộ sự giáo học của Phật pháp, chuyện này gồm ba giai đoạn phải hoàn thành. Học Phật là học gì? Trong kinh điển, chúng ta thường đọc thấy câu “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”; câu này cũng là tiếng Phạn dịch âm, có thể phiên dịch, nhưng vì sao chẳng dịch? Do tôn trọng nên chẳng dịch, do nó là mục tiêu tu học chung cực của quý vị; vì thế, giữ nguyên âm tiếng Phạn, [nhằm tỏ ý] tôn trọng. Dịch sang tiếng Hán là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là tri kiến Phật mà chúng ta phải viên mãn. Trong ba giai đoạn này, trước hết là cầu Chánh Giác, giác ngộ, giác ngộ chính xác, chẳng lệch lạc, chẳng tà, đều là sẵn có trong tự tánh. Làm thế nào để có thể thành Chánh Giác? Chỉ cần chẳng chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, buông chấp trước xuống sẽ thành Chánh Giác. Thành Chánh Giác có một danh xưng học vị là A La Hán, quý vị chứng đắc A La Hán. Vì thế, quý vị phải hiểu: Chứng đắc A La Hán là thành Chánh Giác; trong khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, quý vị đạt tới giai đoạn thứ nhất. Giai đoạn thứ hai là phải tiếp tục buông xuống, buông phân biệt xuống, phân biệt nhẹ hơn chấp trước, chấp trước rất nghiêm trọng. Do chấp trước mới có lục đạo luân hồi; buông chấp trước xuống, lục đạo chẳng còn nữa, đó gọi là vượt thoát lục đạo luân hồi, chẳng còn nữa, lục đạo chẳng có, là giả, giống như nằm mộng, tỉnh giấc thì mộng cảnh chẳng tồn tại nữa! Nếu quý vị buông phân biệt xuống, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng phân biệt, cảnh giới của quý vị sẽ được nâng cao, chứng đắc Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh Đẳng Chánh Giác được gọi là Bồ Tát, là danh xưng của học vị thứ hai trong Phật pháp, quý vị thành Bồ Tát. Ai chẳng phải là Bồ Tát? Hễ buông xuống sẽ là Bồ Tát! Học vị tối cao sẽ thêm chữ Vô Thượng vào đằng trước, tức Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, danh xưng của học vị này là Phật Đà. Do vậy, trong kinh giáo Đại Thừa, đức Phật thường nói: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”, quý vị nói có đúng hay không? Đúng! Chỉ cần quý vị buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, quý vị sẽ là Phật. Chẳng buông xuống thì vẫn là Phật! Chẳng thể nói quý vị không phải là Phật, nhưng là một vị Phật có đèo thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thật đấy, chẳng giả! Do vậy, đức Phật chẳng dám khinh mạn ai! Vì sao? Ngài biết hết thảy đều là Phật. Phật Phật bình đẳng, Phật Phật Tánh Đức giao lưu. Phật thấy hết thảy chúng sanh là Phật, nhưng chúng sanh thấy Phật cũng là chúng sanh, vì sao? Họ có phân biệt; dùng cái tâm phân biệt để nhìn Phật, dùng cái tâm chấp trước để nhìn Phật, cho nên khác nhau, thấy lầm rồi! Do vậy, nếu quý vị hỏi: “Ngày nào tôi sẽ thành Phật?” Rất đơn giản! Ngày nào quý vị thấy tất cả hết thảy chúng sanh đều là Phật, chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật rồi! Không chỉ hữu tình chúng sanh đều là Phật, mà cây cối, hoa, cỏ, núi sông, đại địa thảy đều là như vậy, chẳng có một pháp nào không phải, quý vị thành Phật rồi! Quý vị vẫn thấy ưa thích cái này, thấy chán ghét cái kia, quý vị là lục đạo phàm phu. Vì chuyện này mà đức Phật xuất hiện trong cõi đời, giúp chúng ta là những vị Phật bị mê hoặc, điên đảo khôi phục bình thường. Đấy là nhân duyên hưng khởi của chư Phật, Bồ Tát.
      Phẩm [Như Lai] Tánh Khởi của kinh Hoa Nghiêm có một câu như sau: “Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác”, đấy là mười hiệu của đức Phật. Mười thứ danh hiệu, tất cả chư Phật bình đẳng, mười loại đức hiệu ấy là Tánh Đức, cho nên trong tự tánh của quý vị thảy đều có. “Tánh khởi chánh pháp, bất khả tư nghị” (tánh khởi chánh pháp chẳng thể nghĩ bàn), “chánh pháp” là Đại Thừa, Đại Thừa do đâu mà có? Trong tự tánh vốn trọn đủ, là thật, chẳng giả. Vì là tánh khởi, nó chẳng phải là duyên khởi, duyên khởi chẳng thật, tánh khởi là thật. Phải biết: Luân lý đạo đức như tổ tiên đã dạy là tánh khởi, chẳng phải là duyên khởi. Văn hóa truyền thống của Trung Quốc dùng một chữ làm đại biểu, tức là Hiếu đạo. “Hiếu văn hóa” (văn hóa đặt nền tảng trên chữ Hiếu). Từ “hiếu” mở rộng thành bốn khoa là Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, và Bát Đức. Chúng là tánh khởi, chẳng do một ai sáng chế, chẳng do ai định đặt, chẳng phải vậy! Giống như trong thiên nhiên, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông phân minh, chẳng do con người định đoạt, tự nhiên mà! Danh từ trong Phật pháp [nhằm diễn tả điều này] là “pháp nhĩ như thị” (pháp vốn là như thế), vốn là như vậy, cho nên là Tánh Đức. Tổ tiên Trung Quốc cũng rất phi phàm, nói ra chân tướng sự thật: Tánh con người vốn lành. Tam Tự Kinh có câu: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (con người thuở đầu, tánh vốn lành), “thiện” ấy chẳng phải là thiện trong thiện - ác. Thiện trong thiện - ác là tương đối, là duyên khởi, thiện [trong câu “tánh bổn thiện”] là tánh khởi. Tánh khởi chẳng có tương đối. Nói cách khác, hai bên thiện và ác đều chẳng vướng mắc, đó là chân thiện. Có thiện, có ác, đó là bất thiện. Cảnh giới này cao lắm, tánh con người vốn thiện. Nếu dùng Phật pháp để nói sẽ dễ hiểu hơn. Huệ Năng đại sư kiến tánh, [đã diễn giải] tánh như thế nào? Quý vị hãy xem Ngài miêu tả: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, thanh tịnh là Tánh Đức, thanh tịnh là tánh khởi, tánh vốn là như vậy, chưa từng bị nhiễm. Nay bổn tánh thanh tịnh của chúng ta có bị nhiễm hay không? Chẳng có! Tại thánh hay tại Phật, chẳng thêm tí nào, nơi phàm chẳng giảm, nó cũng chẳng giảm tí nào, đúng là bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh. Nó chẳng phải là nhị biên, mà cũng chẳng phải là Trung Đạo. Trung Đạo và nhị biên đối lập, cho nên: “Nhị biên bất lập, Trung Đạo bất tồn” (Hai bên chẳng lập, Trung Đạo chẳng còn), chẳng thể nghĩ bàn! Quý vị chẳng thể nghĩ, hễ nghĩ bèn trật! Quý vị chẳng thể nói, hễ nói cũng sai, không thể nói được! Vì thế, các vị đại đức trong Tông Môn có tỷ dụ: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” (như người uống nước, ấm lạnh tự biết), chính quý vị biết rõ ràng, rành rẽ, nhưng chẳng thể nói được! Chỉ có người đạt đến cảnh giới ấy, đôi bên hiểu ý nhau bèn cười, đều hiểu rõ. Kẻ chưa đạt đến cảnh giới ấy thì không được. Do vậy, tánh khởi và duyên khởi khác nhau, tánh khởi chánh pháp, Đại Thừa là tánh khởi, Tiểu Thừa là duyên khởi. Trong Đại Thừa có duyên khởi hay chăng? Có! Nếu phân chia Đại Thừa theo đẳng cấp, Thượng Thượng Thừa là tánh khởi, còn Đại Thừa, Trung Thừa, Tiểu Thừa như thường nói đều là duyên khởi. Thiền Tông rất rõ rệt, Huệ Năng đại sư tiếp dẫn bậc thượng thượng căn, đó là tánh khởi; Thần Tú đại sư tiếp dẫn Đại Thừa, đó là duyên khởi, vì Ngài còn có thấy: “Thân thị Bồ Đề thụ, tâm như minh kính đài” (thân là cội Bồ Đề, tâm  như đài gương sáng), đấy là duyên khởi. Chúng ta phải lắng lòng thấu hiểu!
      “Sở dĩ giả hà? Phi thiểu nhân duyên, thành Đẳng Chánh Giác, xuất hưng ư thế” (Vì sao vậy? Chẳng phải do đôi chút nhân duyên mà [Phật] thành Đẳng Chánh Giác, xuất hiện trong cõi đời), đó là gì? Đó là duyên khởi. Chư Phật Như Lai ứng hóa trong thế gian là duyên khởi, chẳng phải là tánh khởi. Duyên khởi là gì? Cảm ứng. Do nhân gì? Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Chúng tôi dùng thí nghiệm với nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng [để trình bày], quý vị sẽ hiểu rõ. Ông ta làm thí nghiệm với nước, có rất nhiều ảnh chụp, chúng tôi có treo [những bức ảnh ấy] trên hành lang ở nơi đây, quý vị có thể đến xem. Chúng ta khởi tâm động niệm là cảm, là duyên. Nước là khoáng vật, tức vật chất, vật chất thì sao? Nó thấy nghe hay biết, thấy nghe hay biết vĩnh viễn chẳng diệt. Câu nói kiến tánh thứ hai của Huệ Năng đại sư là: “Nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt”. Cái vốn chẳng sanh diệt chính là thấy nghe hay biết, cho nên thấy nghe hay biết là tự tánh; nhưng sau khi mê thì sao? Sau khi mê sẽ không gọi là thấy nghe hay biết, mà gọi là gì? Gọi là Thọ, Tưởng, Hành, Thức, biến thành A Lại Da Thức. A Lại Da Thức là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Quý vị thấy năm thức đầu là Thọ; thức thứ sáu là Tưởng; thức thứ bảy là Hành, Hành là niệm niệm chẳng trụ, thức thứ tám là Thức, [thấy nghe hay biết] biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chúng ta gọi [Thọ, Tưởng, Hành, Thức] là tinh thần, hay tâm lý, hoặc tâm pháp. Do vậy, tâm pháp và vật chất vĩnh viễn chẳng tách rời. Chỉ cần là vật chất, trong ấy nhất định có thấy nghe hay biết. Trong lục đạo, chắc chắn có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Do vậy, chúng ta khởi lên ý niệm: “Ta ưa thích ngươi”, quý vị thấy nước bèn tiếp nhận, nó cũng ưa thích chúng ta, hiện ra cấu trúc kết tinh hết sức đẹp đẽ. Chúng ta ưa thích nó, nó ưa thích chúng ta. Ta chán ghét nó, nó hiện tướng rất xấu xí, thô kệch, có nghĩa là “tôi cũng chán ghét quý vị”. Khoáng vật thông hiểu tình cảm của con người! Tôi bảo tiến sĩ Giang Bổn: Nước có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Tất cả vật chất đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, ông hãy gắng thí nghiệm. Nó không chỉ hiện tướng Sắc. Đức Phật dạy nó có bốn loại: Sắc, Thanh, Hương, Vị, nó có bốn loại [tướng ấy]. Nay ông làm thí nghiệm, mới nhìn thấy một trong bốn loại, mới thấy Sắc. Quý vị còn chưa nghe âm thanh, chưa ngửi hương, chưa nếm vị; nó có Sắc, Thanh, Hương, Vị. Vì thế, khoa học vẫn còn kém Phật pháp một khoảng cách! Khi nào phương pháp khoa học có thể trắc nghiệm Sắc, Thanh, Hương, Vị thì mới là viên mãn. Đức Phật nói tới Thật Tướng của các pháp, chẳng phải là giả, mà là chân tướng. Thật Tướng là chân tướng của hết thảy các pháp. Nay chúng ta nói hiện tượng vật chất nhỏ nhất là hạt cơ bản, tức khoa-khắc (quark, hạt vi lượng), chẳng thể thấy bằng mắt thường. Quý vị chớ nên coi thường vật chất bé bỏng như vậy, tất cả hết thảy hiện tượng vật chất đều do vật chất nhỏ nhoi này hợp thành. Mỗi vật chất nhỏ nhất, vật chất cơ bản, thảy đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Hễ giác ngộ, Thọ, Tưởng, Hành, Thức biến thành thấy, nghe, hay, biết. Khi mê, thấy nghe hay biết biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nó bất sanh, bất diệt, đó là chân tướng sự thật.
      Vì thế, đức Phật xuất hiện trên thế gian là cảm ứng. Chúng sanh chẳng có cảm, Phật sẽ không thể xuất hiện; chúng sanh có cảm, Phật bèn xuất hiện. Chúng ta muốn thấy A Di Đà Phật, A Di Đà Phật thật sự bị quý vị trông thấy. Quý vị có cảm, tôi chẳng có cảm, vì sao cũng thấy A Di Đà Phật? Thật ra là có cảm, nhưng chính quý vị không biết. Cảm có hiển cảm (cảm rõ rệt) và minh cảm (cảm ngấm ngầm). “Hiển” () là khởi tâm động niệm rất rõ rệt, tôi muốn cầu Phật; “minh” () là gì? Tôi khởi tâm động niệm, nhưng chính mình cũng không biết, hoặc là duyên quá khứ bất tri bất giác chín muồi, nên cảm Phật hiện tiền, Bồ Tát hiện tiền. Ứng cũng có hai thứ là hiển ứng và minh ứng. Chúng ta cầu Phật thì Phật, Bồ Tát có đến hay không? Đến! Chúng ta mắt thịt nhìn không thấy, đó là “minh ứng” (ứng ngấm ngầm). Chẳng phải là các Ngài không đến, thật sự các Ngài ở bên cạnh quý vị, nhưng quý vị không thấy các Ngài, các Ngài thấy quý vị. Quý vị chẳng thấy các Ngài. “Minh ứng” là âm thầm chiếu cố, giúp đỡ quý vị, có thật, chẳng phải là không có! Có “hiển cảm, hiển ứng, minh cảm, minh ứng”, cho nên có bốn câu cảm ứng. Đây là nói rõ chuyện gì? Phật pháp là duyên sanh pháp. Chớ nên chấp trước duyên sanh pháp! Phật pháp có cần thiết hay không? Nay tôi đang mê, vẫn chưa khai ngộ, chưa kiến tánh, tôi cần nó, nó giúp đỡ tôi. Sau khi kiến tánh, chẳng cần nữa, buông toàn bộ xuống. Sau khi kiến tánh, nếu quý vị vẫn chấp trước Phật pháp thì lại mê rồi, trật lất rồi! Chúng ta chẳng thấy người kiến tánh mà vẫn còn kè kè cả đống kinh sách, chẳng có! Kẻ chưa kiến tánh đi tới đâu đều vác theo kinh sách, người kiến tánh chẳng có. Vì sao? Tất cả hết thảy kinh luận thảy đều từ tự tánh lưu lộ, người ấy cần phải vác theo làm chi? Huệ Năng đại sư không biết chữ, suốt đời chẳng mang theo quyển sách nào. Ngài mang theo đến bất cứ nơi đâu là y bát, chớ hề có một quyển kinh sách nào! Quý vị đem kinh sách hỏi Ngài, Ngài đối đáp như nước chảy, chẳng có gì bắt bí Ngài được! Đó là gì? Xứng tánh. Chúng ta học Phật có mục tiêu chung cực là muốn kiến tánh, muốn kiến tánh phải buông xuống. Buông Phiền Não Chướng xuống, buông Sở Tri Chướng xuống, sẽ chẳng có chướng ngại nào!
      Câu tiếp theo là “dĩ thập chủng”. “Thập” chẳng phải là con số mà là tỷ dụ, tỷ dụ điều gì? Vô lượng, viên mãn. Hoa Nghiêm dùng “thập” để biểu thị pháp, kinh Di Đà dùng “thất” để biểu thị pháp, đều chẳng phải là con số, mà nhằm tượng trưng cho sự viên mãn. “Thất” tượng trưng cho viên mãn: Bốn phương, trên và dưới là “lục”, lại còn có chính giữa, thành “thất”. “Thất” biểu thị pháp, viên mãn. “Thập” là con số tượng trưng, từ một đến mười là con số viên mãn, nó [được sử dụng] nhằm biểu thị pháp, cho nên “thập” tượng trưng sự viên mãn. Cũng giống như vậy, câu kế tiếp là: “Vô lượng vô số”, vô biên, vô tận, dùng theo ý nghĩa này. “Bách thiên A-tăng-kỳ” (trăm ngàn A-tăng-kỳ), A-tăng-kỳ (Asamkhya) là một đơn vị số lượng lớn của Cổ Ấn Độ, nó là một trong mười con số lớn. “Nhân duyên, thành Đẳng Chánh Giác xuất hưng ư thế”, chúng ta có thể tin tưởng lời này hay chăng? Có thể tin tưởng! Chắc chắn chẳng phải là một mình chúng ta, chúng ta ở nơi đây tưởng Phật, Phật bèn xuất hiện trong cõi đời, chẳng phải là như vậy! Bao nhiêu chúng sanh có duyên với Phật, do cộng nghiệp sở cảm, Phật bèn xuất hiện trong thế gian, chẳng đơn giản! Nếu chúng ta suy nghĩ lại, nay chúng ta là cái thân nghiệp báo, mang theo nghiệp đến thế gian này, tìm được cha mẹ, chúng ta sanh trong nhân gian, có bao nhiêu nhân duyên? Thưa quý vị, cũng giống như vậy, cũng là do “mười thứ vô lượng, vô số, trăm ngàn A-tăng-kỳ nhân duyên” mà chúng ta đến thế gian này. Trong các duyên ấy có nhiễm, có tịnh, có thiện, có ác. Phật, Bồ Tát xuất hiện, duyên ấy là thanh tịnh, là thiện. Chúng ta đến thế gian này, xả thân, nhận thân, luân hồi trong lục đạo, duyên ấy là nhiễm duyên, bất thiện duyên. Vì thế, bất luận một pháp nào cũng đều do vô lượng nhân duyên thành tựu. Phàm là nhân duyên thành tựu, phải biết nó chẳng có tự tánh, chẳng có tự thể. Trung Quán Luận nói: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không” (pháp sanh bởi nhân duyên, ta nói nó là không), đức Phật nói như vậy. Vì thế, “đương thể tức thị không, liễu bất khả đắc” (bản thể của nó chính là không, trọn chẳng thể được), quý vị có thể thưởng thức nó, chứ chẳng thể khống chế, chẳng thể chiếm hữu. Đấy là đúng! Quý vị hoàn toàn làm đúng. Nếu quý vị muốn khống chế, toan chiếm hữu, sai rồi! Quý vị tạo nghiệp! Bất luận quý vị tạo tác ra sao, đều chẳng thể khống chế được, mà cũng chẳng chiếm hữu được! Đấy là nói thật với quý vị. Khi quý vị có ý niệm ấy, trong tâm bị ô nhiễm, chẳng thanh tịnh, tâm thanh tịnh mất đi, tâm bình đẳng bị mất, đấy là [những tâm được nhắc đến trong] đề mục kinh Vô Lượng Thọ, tâm giác ngộ bị mất đi. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” là Tánh Đức mà quý vị sẵn có, quý vị vốn là như vậy. Một niệm sai lầm, cả ba thứ ấy đều bị mất, chẳng còn thanh tịnh, biến thành nhiễm ô; chẳng còn bình đẳng, biến thành kiêu căng, ngạo mạn; chẳng còn giác, biến thành ngu si, hồ đồ, biến chất rồi! Do vậy, người thật sự tu hành phải biết: Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, gìn giữ “thanh tịnh, bình đẳng, giác” của chính mình, thật sự tu hành. Thật sự tu hành thì quý vị phải nghĩ Thích Ca Mâu Ni Phật đã nêu gương cho chúng ta, thật sự buông xuống. Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, tâm địa Phật thanh tịnh, cái gì cũng đều chẳng có, nhưng điều gì Ngài cũng đều biết, đều trọn đủ, chẳng có mảy may khiếm khuyết nào, vì sao? Tánh Đức là viên mãn, chẳng thể nghĩ bàn, thật đấy, chẳng giả đâu!
      Tiếp đó là nói: “Nãi chí quảng thuyết như thị đẳng vô lượng nhân duyên. Duy vi nhất đại sự nhân duyên, đại sự nhân duyên giả hà? Duy dục chúng sanh khai thị Phật tri kiến cố” (Cho đến rộng nói vô lượng nhân duyên như thế, chỉ là một đại sự nhân duyên. Đại sự nhân duyên gì vậy? Chỉ vì muốn khai thị tri kiến của Phật cho chúng sanh). “Duy”“duy độc” (唯獨: chỉ có một), hy vọng khai thị tri kiến của Phật cho chúng sanh. Phật tri Phật kiến là trí huệ Bát Nhã vốn sẵn có trong tự tánh. Tiếp theo là nói: “Phù Hoa Nghiêm Kinh nãi Thế Tôn tối sơ sở sáng ngôn” (kinh Hoa Nghiêm là do đức Thế Tôn đã nói ra đầu tiên), Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế gian này, khi thành Phật, bộ kinh đầu tiên được Ngài giảng là kinh Hoa Nghiêm, đó là kinh được giảng trước hết, Tiểu Thừa chẳng thừa nhận, vì sao? Đức Phật giảng trong Định, chúng ta là những kẻ bình phàm, thấy Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi yên dưới cội Bồ Đề trong mười bốn ngày. Ngài tịnh tọa dưới cội Bồ Đề hai tuần mới xuất Định, làm sao chúng ta biết được? Ở trong Định, Ngài vì hàng Pháp Thân Bồ Tát giảng kinh Hoa Nghiêm, đó chính là gì? Ngài đã khai ngộ, minh tâm kiến tánh, tánh là như thế nào? Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh chính là báo cáo chi tiết tường tận với mọi người. Huệ Năng đại sư khai ngộ đã trình lên Ngũ Tổ Nhẫn hòa thượng hai mươi chữ. Huệ Năng đại sư khai ngộ chẳng khác gì Thích Ca Mâu Ni Phật khai ngộ, hoàn toàn bình đẳng. Sau đấy, chúng ta mới biết, hai mươi chữ của Huệ Năng triển khai thành Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh cô đọng thành hai mươi chữ ấy, tuyệt diệu! Một đằng là nói chi tiết, một đằng là chỉ nêu cương lãnh. Do vậy, Huệ Năng đại sư có thể giảng kinh Hoa Nghiêm hay không? Không ai khải thỉnh, không ai tìm Ngài. Nếu thật sự muốn khải thỉnh, xin Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm, Ngài sẽ giảng giống hệt Thích Ca Mâu Ni Phật, thật đấy, chẳng giả! Đây cũng là chỉ dạy cho chúng ta biết phải học Phật như thế nào, chẳng cần dùi mài nơi kinh giáo. Dùi mài kinh giáo khổ chẳng thể nói nổi. Vì sao? Trí huệ chẳng khai. Học được gì? Học bề ngoài, học văn tự bề ngoài, nói theo danh từ hiện thời là “Phật học”, chẳng phải là “học Phật”. Học Phật thì phải khai ngộ giống như Phật, trọn chẳng phải là trong lòng ghi nhớ những thứ của Phật, trong tâm ghi nhớ những thứ của Phật sẽ biến thành gì? Biến thành Sở Tri Chướng, vẫn là chướng ngại quý vị minh tâm kiến tánh; nhưng như thế nào? Nói chung, chẳng hề chướng ngại quý vị vãng sanh, chỉ chướng ngại quý vị kiến tánh. Quý vị chẳng thấy được tánh, sẽ chướng ngại quý vị chứng quả. Chắc chắn tạo thành chướng ngại! Nhưng nếu quý vị sốt sắng niệm Phật cầu vãng sanh, vẫn phải vứt bỏ những thứ ấy, quý vị dùng cái tâm thanh tịnh sanh vô lượng thọ, sanh vào cõi Cực Lạc. Tâm không thanh tịnh sẽ chẳng đến được thế giới Cực Lạc, phải hiểu điều này. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm được nói đầu tiên.
      “Pháp Hoa kinh nãi mạt hậu chi thùy giáo” (kinh Pháp Hoa là lời dạy lúc sau cùng), nói một kinh lúc ban đầu, nói một kinh cuối cùng. “Tự thỉ chí chung, duy vị thử đại sự nhân duyên, dục linh chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến” (từ đầu đến cuối, chỉ vì một đại sự nhân duyên này: Muốn làm cho chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật). Có nghĩa là gì? Tiếp đó, cụ viết: “Diệc tức dục nhất thiết chúng sanh khai minh bổn tâm, đồng Phật tri kiến, đẳng thành Chánh Giác dã” (cũng là muốn cho hết thảy chúng sanh khai minh bổn tâm, có cùng tri kiến như Phật, cùng thành Chánh Giác), đây là lời giải thích. Tri kiến của Phật là gì? Tri kiến của Phật là bổn tâm của quý vị. Bổn tâm của quý vị giống như Huệ Năng đại sư đã nói: “Nào ngờ tự tánh”, đó chính là bổn tâm. “Vốn tự thanh tịnh, vốn tự trọn đủ”, trọn đủ gì? Chẳng thiếu thứ gì, viên mãn! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, dùng câu này có thể giải thích câu “nào ngờ tự tánh, vốn tự trọn đủ” của Huệ Năng đại sư, trọn đủ gì? Trọn đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai. Trí huệ và đức tướng là gì? Dùng ngay bản kinh này để nói sẽ là “Đại Thừa vô lượng thọ trang nghiêm”, Đại Thừa là trí huệ, vô lượng thọ là đức, trang nghiêm là tướng. Quý vị thấy hết thảy đều trọn đủ, vốn tự trọn đủ, chẳng khiếm khuyết. Vì thế, Phật pháp chẳng có gì khác, buông xuống là được!
      Thuở ấy tôi học Phật, người xuất gia tôi được gặp đầu tiên là Chương Gia đại sư do một người bạn giới thiệu. Thời Mãn Thanh, người bạn ấy là một vị thân vương[7], tức Mẫn thân vương. Thanh triều sụp đổ, ông ta trở thành thường dân, chúng tôi mới có duyên quen biết. Ông ta là đệ tử của Chương Gia Lạt Ma, tôi vừa mới tiếp xúc Phật pháp, xem kinh nơi đó. Ông ta trông thấy, bảo: “Ông xem kinh có liễu giải hay không?” Tôi nói: “Không được! Tham cứu ý nghĩa không ra”. Ông ta hỏi: “Có muốn tìm một vị thầy chỉ điểm hay không?” Tôi hỏi: “Ai?” Ông ta đáp: “Chương Gia đại sư”. Tôi nói vâng! Tôi cũng chẳng biết Chương Gia đại sư là ai, do ông ta có lòng tốt, tôi nói vâng, có người chỉ điểm thật tốt quá. Ông ta bèn dẫn tôi đến gặp Ngài. Tôi gặp mặt đại sư, câu đầu tiên là hướng về Ngài thỉnh giáo, tôi nói: “Thầy Phương đã giới thiệu kinh Phật cho con, con biết cái hay của Phật pháp, nhưng có phương pháp nào để con khế nhập rất nhanh hay chăng?” Tôi nêu câu hỏi như thế. Ngài nhìn tôi, tôi cũng nhìn Ngài, chúng tôi nhìn nhau tới nửa giờ, Ngài buông một chữ: “Có!” Tôi đợi cả nửa tiếng đồng hồ mới được một chữ “có”, tinh thần phấn chấn trở lại. Ngài lại chẳng nói gì, lại đợi khoảng sáu bảy phút, Ngài bảo tôi sáu chữ: “Thấy thấu suốt, hãy buông xuống”. Phương pháp này của lão nhân khiến tôi cảm thấy rất kinh ngạc! Đơn giản như thế, vì sao? Tôi hỏi quý vị, quý vị hãy nên trả lời, cớ sao phải đợi nửa giờ rồi mới trả lời? Ước chừng mười mấy, hai mươi năm sau, tôi mới hoát nhiên đại ngộ: Thuở ấy, tôi tuổi trẻ, nhất định là tánh tình bộp chộp, hời hợt, cho nên thầy nhìn tôi, để tôi buông toàn bộ vọng niệm xuống, tập trung tinh thần, dùng tâm thanh tịnh nghe Ngài răn dạy; nhưng Ngài nói “có”, tinh thần của tôi phấn chấn, chẳng phải là lại bộp chộp, phập phều ư? Vì thế, lại phải nén xuống, khiến cho tôi nghĩ đến ý vị giáo học của cổ nhân, đến lúc đó, tôi mới mấp mé nếm được đôi chút, ngôn ngữ hết sức đơn giản. Ngài dạy chẳng sai, từ khi chúng tôi bắt đầu học kinh giáo cho tới hiện thời, năm mươi chín năm, giảng kinh cũng đã giảng được năm mươi hai năm mới hiểu rõ. Sở dĩ, người hiện tại học những thứ này nọ chẳng tốt đẹp, đó là lẽ đương nhiên, vì sao? Hời hợt, bộp chộp, kém xa tôi, làm sao có thể học được gì? Thuở ấy, tôi nghĩ mình cũng khá lắm, nhưng trước mặt Chương Gia đại sư vẫn chưa được, chưa đủ tư cách, vẫn phải ngồi với Ngài nửa tiếng, lão nhân gia mới mở kim khẩu. Hiện thời tìm đâu ra loại học trò này? Nếu học trò nêu câu hỏi với tôi, mà tôi cả nửa giờ chẳng trả lời, hắn bèn quay ngoắt mình bỏ đi, điều gì cũng không nghe nữa! Tôi vẫn còn là khá lắm, còn có thể thật sự chờ đợi. Vì thế, cổ nhân dạy học, truyền đạo chẳng giống người hiện thời, họ thật sự có những thứ [để trao truyền].
      Do vậy, nói toạc chuyện này ra, với mong muốn hết thảy chúng sanh sẽ khai minh bổn tâm. Khai minh bổn tâm là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh; có cùng tri kiến với Phật, sở chứng hoàn toàn giống như mười phương chư Phật Như Lai. Đó gọi là “thành Đẳng Chánh Giác”: “Đẳng” () là bình đẳng, thành Chánh Giác, Chánh Giác ở đây là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. “Bổn kinh hưng khởi nhân duyên diệc phục như thị” (nhân duyên hưng khởi kinh này cũng giống như thế), chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa, trực tiếp giúp chúng sanh khai minh bổn tâm, có cùng tri kiến với Phật, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây là xếp kinh Vô Lượng Thọ Kinh bình đẳng với kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Không chỉ là bình đẳng, mà còn vượt trội, đến phần sau sẽ trình bày. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa dẫn đường cho chúng ta nhập Vô Lượng Thọ, điều này có chứng cứ. Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, rành rành là mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc. Do vậy, Vô Lượng Thọ là chỗ quy túc, chỗ tổng kết của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Quý vị biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn, không thể suy tưởng, điều này mới khiến cho chúng ta thật sự nhận biết vị trí của bộ kinh này trong Phật pháp, chẳng kinh nào có thể sánh bằng! Thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch, mới biết có được kinh này chẳng dễ dàng! Đã có được là may mắn lắm thay!
      Tiếp đó, lấy Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh để làm thí dụ. Đây là bản kinh A Di Đà do Huyền Trang đại sư phiên dịch, bản được tụng niệm phổ biến hiện thời là do Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch vào thời Diêu Tần. Huyền Trang đại sư thuộc đời Đường, [Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh] là bản dịch [kinh Di Đà] đời Đường. Trong kinh A Di Đà do Huyền Trang đại sư phiên dịch, có một câu như thế này: “Ngã quán như thị lợi ích an lạc đại sự nhân duyên, thuyết thành đế ngữ” (Ta thấy đại sự nhân duyên an lạc như thế, nói lời đúng thật này). Trong bản dịch của La Thập đại sư chẳng có câu này, nhưng trong bản của ngài Huyền Trang đại sư thì có. Huyền Trang đại sư là trực dịch, tức là chiếu theo [nguyên văn] kinh văn bằng tiếng Phạn để dịch thẳng ra, La Thập đại sư dịch ý, chẳng chiếu theo nguyên bản kinh văn, Ngài đem ý nghĩa trong bản gốc, hoàn toàn dùng cách hành văn quen thuộc của người Hán để phiên dịch, nên chúng ta đọc [những bản kinh do Ngài dịch] thấy giống như đọc cổ thư Trung Quốc, hết sức dễ tiếp nhận. “Khả kiến Tịnh Độ pháp môn chi hưng khởi, chánh đồng ư Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, đồng vi nhất đại sự nhân duyên dã. Hà dĩ cố?” (đủ thấy pháp môn Tịnh Độ được hưng khởi, giống hệt như Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, cùng vì một đại sự nhân duyên. Vì sao vậy?). Lại thêm một câu hỏi “vì sao?”. Vì sao mà đã hết thời gian rồi? Tôi quên khuấy thời gian đã hết rồi. Ngày hôm nay chúng ta học tập tới đây, ngày mai sẽ học tiếp.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
phần 5 hết



[1] Tăng Quốc Phiên (1811-1872) là một vị văn thần, chính trị gia, quân sự gia, lý luận gia, và văn học gia lỗi lạc đời Thanh. Ông sinh tại Tương Hương, phủ Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, vốn có tên là Tử Thành, tự là Bá Hàm, hiệu Địch Sanh, thụy hiệu Văn Chánh. Ông vốn là cháu đời thứ bảy mươi của Tăng Tử. Ông nổi tiếng thông minh, năm mười lăm tuổi dự thi khoa Đồng Tử đã đỗ hạng bảy, thi Hương đậu cao, nhưng thi Hội nhiều lần không đậu, mãi đến năm Đạo Quang 18 (1838) mới đỗ khoa thi Hội, vào thi Đình đỗ Tiến Sĩ năm ấy, được bổ làm Hàn Lâm Viện Thứ Cát Sĩ. Khi Hồng Tú Toàn làm loạn, lập ra Thái Bình Thiên Quốc tiến chiếm Giang Ninh, gần như chiếm trọn miền Giang Nam, Tăng Quốc Phiên đã gom góp học trò, thân thích, bạn bè để thành lập đoàn quân Sở Dụng chống cự Thái Bình Thiên Quốc, huấn luyện đoàn quân ô hợp này trở thành một lực lượng quân sự đáng nể. Trải qua bao nhiêu khó khăn, cuối cùng ông đã đại phá quân Thái Bình Thiên Quốc, tận diệt loạn đảng. Do vậy, ông được phong tước Thái Tử Thái Bảo, bổ làm tổng đốc tỉnh Trực Lệ, sau đó trở về làm Tổng Đốc Lưỡng Giang, làm quan tới chức Vũ Anh Điện Đại Học Sĩ, tước phong Nghị Dũng Hầu. Về phương diện tư tưởng, ông đóng góp rất lớn trong sự hình thành trường phái văn học Tương Hương, gây ảnh hưởng rất lớn đến những nhà tư tưởng cuối đời Thanh như Nghiêm Phục, Đàm Tự Đồng, Lương Khải Siêu v.v... Ông trước rất phong phú, sau khi mất, các môn đệ biên tập trước tác của thầy thành bộ Tăng Văn Chánh Công Toàn Tập.
[2] Ngài Huệ Viễn (523-592) họ Lý, người xứ Hoắc Tú, Trạch Châu, vốn quê ở huyện Đông Hoàng, tỉnh Cam Túc. Ngài cùng với Trí Giả đại sư của tông Thiên Thai, Cát Tạng đại sư của tông Tam Luận được tôn xưng là “Tùy đại tam đại sư” (ba vị đại sư đời Tùy). Ngài thông hiểu kinh luận rất rộng, trước tác chú sớ rất nhiều, nên được tôn xưng là Sớ Vương, hoặc Thích Nghĩa Cao Tổ. Ngài là người chú thích kinh Vô Lượng Thọ đầu tiên (bộ Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ). Ngài cũng là một trong những người lập thuyết sơ khởi cho tông Tịnh Độ với giáo thuyết Tam Tịnh Độ gồm Sự Tịnh Độ, Tướng Tịnh Độ và Chân Tịnh Độ. Do vậy, có những người chủ trương Ngài mới đáng được coi là Sơ Tổ Tịnh Độ thay vì ngài Lô Sơn Huệ Viễn vì Ngài đã xác lập nền tảng và hệ thống cho tư tưởng Tịnh Độ. Quan điểm này chỉ chú trọng đến phương diện giáo thuyết mà quên đi một sự kiện là các tổ sư Tịnh Độ được tôn là tổ sư vì có công hoằng dương, phổ biến Tịnh Độ, đồng thời còn là những vị đại hành giả thành tựu lỗi lạc trong Tịnh Tông. Ngoài những cống hiến về giáo nghĩa Tịnh Độ, ngài Huệ Viễn còn đặc biệt nghiên cứu Địa Luận, Ngài được coi là khai tổ của phái Tương Châu Nam Đạo trong Địa Luận Tông. Tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Yếu Nghĩa của Ngài cũng rất được tông Hoa Nghiêm tôn trọng. Những trước tác nổi tiếng nhất của Ngài là Đại Thừa Nghĩa Chương, Thập Địa Kinh Luận Nghĩa Ký, Hoa Nghiêm Kinh Sớ, Đại Bát Nhã Kinh Nghĩa Ký, Thắng Man Kinh Nghĩa Ký, Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Duy Ma Kinh Nghĩa Ký v.v... Ngài cũng hết sức can đảm vì đã dám chất vấn, quở trách Châu Vũ Đế khi nhà vua chủ trương hủy diệt Phật pháp. Do Ngài trụ tại chùa Tịnh Ảnh nên người ta thường gọi Ngài là Tịnh Ảnh Huệ Viễn và bộ Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ thường được gọi tắt là Tịnh Ảnh Sớ.
[3] Kim Cang thượng sư (Vajra Guru): Mật Tông dùng Kim Cang làm biểu tượng, tượng trưng cho chân tâm vĩnh viễn bất sanh, bất diệt, có thể xuyên thấu tất cả mọi thứ. Thượng sư (Guru) vốn có nghĩa gốc là một vị thầy đầy kinh nghiệm trong một lãnh vực nào đó, có thể hướng dẫn học trò không sai lạc. Về sau, chữ Guru thường được dùng để chỉ một bậc thầy hướng dẫn tâm linh. Gu có nghĩa là tối tăm, Ru là một ánh sáng. Như vậy, Guru là “ánh sáng dẫn đường trong đêm tối”. Ngoài chữ Thượng Sư, các danh xưng Hòa Thượng, A Xà Lê, Lạt Ma, A Khương (Achan, Ajahn, Acharn, biến âm của chữ Acariya) đều được coi là tương đồng với danh xưng Thượng Sư.
[4] Bổn Tôn (Ishta-devata, hoặc Yidam) là một thuật ngữ trong Mật Tông, là đối tượng Thiền Quán của người tu Mật Pháp. Bổn Tôn thường là Phật, Bồ Tát, Minh Vương v.v... tức là vị đã nói ra bài chú hay Mật pháp ấy. Thông thường, các vị nữ Bổn Tôn sẽ được gọi là Phật Mẫu, Không Hành Mẫu (Dakini), hoặc Minh Phi. Trong Mạn Đà La, nếu Bổn Tôn được mô tả dưới dạng an tường, ngồi trong tư thế Thiền Định sẽ gọi là Tịch Tĩnh Tôn, còn nếu hiện tướng dữ dội, đáng sợ thì gọi là Phẫn Nộ Tôn.
[5] Theo truyền thuyết, Thần Nông, Phục Hy và Hoàng Đế được gọi là Tam Hoàng. Chữ Thị chỉ các bộ tộc của họ. Phục Hy còn gọi là Bào Hy, Hy Hoàng, Hoàng Hy, Thái Hạo v.v... cùng với bà Nữ Oa được coi là thủy tổ của loài người. Ông sống ở khu vực Lũng Tây, đóng đô ở Uyển Khưu (nay thuộc Hoài Dương, tỉnh Hà Nam), có công dạy dân nấu nướng, đan lưới, đánh cá, bắt thú, thiết lập quan hệ hôn nhân, và chế ra Bát Quái. Cũng có thuyết nói Phục Hy chính là Bàn Cổ. Theo huyền sử, mặt đất bị lụt lớn, chết sạch, Phục Hy bèn cùng Nữ Oa nặn đất thành hình người, hà hơi cho họ biến thành người sống, nên Phuc Hy và Nữ Oa được tôn là thủy tổ loài người.
Thần Nông là người phát minh y dược, nếm trăm thứ cỏ cây để chế ra thuốc, dạy dân canh tác, sáng chế ra lưỡi cày và đồ gốm; do vậy, được coi là thủy tổ Đông Y và nông nghiệp Trung Hoa. Ông được tôn xưng là Dược Vương, Ngũ Cốc Vương. Ông thường được mô tả có diện mạo kỳ quái, thân thể còm cõi, đầu có bướu, trừ chân tay và đầu ra, toàn thân trong suốt, có thể thấy rõ nội tạng. Huyền sử Trung Hoa nói hậu duệ của ông là hai bộ lạc của Viêm Đế và Hoàng Đế. Về sau, Hoàng Đế đánh bại Viêm Đế, xưng là Thiên Tử. Xi Vưu cũng là hậu duệ của Thần Nông, sau khi bị Hoàng Đế đánh bại, phải chạy về phía Tây, các sắc dân người Miêu ở vùng Ngạc, Tương, Quý Châu và người Đại Hàn thường tự nhận là hậu duệ của Xi Vưu.
Hoàng Đế được coi là tổ tiên của dân Hoa Hạ, thuộc họ Công Tôn, do sống ở gò Hiên Viên nên còn gọi là Hiên Viên Thị. Thoạt đầu sống ở gần sông Cơ Thủy, nên về sau đổi thành họ Cơ, đặt tên nước là Hữu Hùng nên còn gọi là Hữu Hùng Thị. Ông sinh ra ở Thọ Khưu (gần Khúc Phụ, Sơn Đông ngày nay), sau di cư đến vùng Trác Lộc. Thoạt đầu, liên kết với Viêm Đế đánh bại Xi Vưu, giết chết Xi Vưu tại cánh đồng Trác Lộc, thống nhất các bộ lạc tại Trung Nguyên. Ông ta tiến vào khu vực của dân Cửu Lê, lên đỉnh Thái Sơn, hội họp các bộ lạc, cử hành lễ Phong Thiện, chính thức trở thành Cộng Chủ của toàn vùng Trung Nguyên. Đột nhiên, trên trời hiện ra hai con vật sắc vàng óng, nên người ta nói vua lấy đức hạnh của đất để xưng đế. Do vậy, tôn xưng vua là Hoàng Đế.
[6] Nghiệt () ở đây là đầu mối tội chướng, không phải “nghiệp”.
[7] Chữ Thân Vương thường được dùng để gọi các hoàng tử, hay anh em ruột của hoàng đế. Quy chế này bắt đầu từ thời Ngụy - Tấn, về sau, tước vương được chia làm hai loại là Thân Vương và Quận Vương. Thoạt đầu, Quận Vương chuyên dành để phong cho con trai của Hoàng Thái Tử, về sau, các trọng thần cũng được phong tước Quận Vương. Quy định về danh xưng cũng nghiêm ngặt hơn: Thân Vương chỉ có một chữ, Quận Vương dùng hai chữ. Chẳng hạn, Đường Duệ Tông trước khi lên ngôi là Tương Vương, đại thần Quách Tử Nghi là Phần Dương Vương. Đến đời Thanh, các thân vương còn được gọi kết hợp giữa tiếng Hán và tiếng Mãn Châu thành Hòa Thạc Thân Vương (Hošo i cin wang).

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites