Pages

12 November 2015

TU ĐẠO KHÔNG NÊN TRANH HƠN

http://www.phathoc.net/UserImages/2014/10/07/34/ngoithien.jpg
 Có người nghĩ rằng: "Hôm nay tham thiền, chân mình không bị đau, lưng không bị mỏi, đến giờ khai tịnh mà cũng không hay". Nói như vậy tức là người đó đã ngủ quên, tất nhiên chẳng còn hay biết gì hết. Ðừng ngộ nhận cảnh giới đó, kẻo lại bị tẩu hỏa nhập ma!


 HT Tuyên Hoá

Hiện nay trong Thiền Thất, các hành giả dụng công nhưng là loại công phu hời hợt. Người ta coi thiền như là một cuộc đua, để tranh nhau về nhất. Anh có thể ngồi trong ba tiếng đồng hồ thời tôi sẽ ngồi trong năm tiếng, hơn anh một bậc. Nếu thiền mà còn mang tâm lý đó thì quý vị ngộ làm sao được? Cho dù quý vị ngồi tới tám vạn đại kiếp cũng không thể nào minh tâm kiến tánh được. Tại sao vậy? Chỉ vì quý vị có tâm hơn thua. Có câu rằng: 
 
Tranh, do tâm hơn thua 
Là đi ngược với Ðạo 
Trong tâm sanh bốn tướng 
Làm sao đạt tam muội? 
 
Bốn câu kệ trên dùng để cảnh giác người tu không được sanh tâm tranh. Khi công phu đầy đủ, trí huệ hiển bày, tự nhiên sẽ có người khác phẩm bình đưa ta lên hạng nhất. Như vậy mới là hạng nhất thật sự. Còn như trong tâm quý vị tham đứng hạng nhất, thì đây là tâm hơn thua, đi ngược với Ðạo.  
 
Người tu hành phải giống như nước. Tánh của nước là khiêm nhượng, không tranh công, không tham đức, cái gì tốt thì để cho người, cái gì xấu thì giữ lấy cho mình. Lão tử nói: Cái thiện tột cùng giống như nước. Nước đem lợi ích cho vạn vật mà không tranh. Nước ở nơi mà mọi người khinh rẻ, do đó nước hợp với Ðạo". 
 
Thiện tột cùng chỉ những hành giả ưu hạng. Họ được ví như nước. Nước chảy tới những chỗ thấp, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà không tranh công tranh đức. Bất kể đối với loài nào, chim chóc, cá tôm, động vật hay thực vật, bất kể sanh ra do thai, do trứng, do khí ẩm, hay là hóa sanh, nước đều đối xử ngang nhau và cho đều tất cả. Người tu hành cũng vậy, đối với tất cả chúng sanh đều coi như cha mẹ của mình trong quá khứ, như các vị Phật trong tương lai. Người tu phải rải tâm từ bi, tìm các phương tiện để cứu chúng sanh ra khỏi bể khổ; trú ở những nơi mà chúng sanh không muốn trú. Có được những tư tưởng đó thì hành giả đã gần tới Ðạo. Còn như tâm hơn thua là không hợp với tông chỉ của kẻ tu hành, ngược lại với Ðạo vậy. 
Người tu hành không nên có bốn tướng. 
- Ai tu đó? Như tự cảm thấy là không có ai tu, tức là không có tướng ngã (vô ngã tướng). 
- Tự mình không cảm thấy hơn thua với ai, tức là không có tướng của người (vô nhân tướng). 
- Không thấy tướng mình, không thấy tướng người, tự nhiên tướng chúng sanh cũng không (vô chúng sanh tướng). 
- Như đã không có tướng chúng sanh thì lấy đâu ra tướng của thọ mạng? Vậy là vô thọ giả tướng. 
Như nếu còn tư tưởng muốn tranh hơn kém, tất nhiên sẽ có bốn tướng; có bốn tướng thì không sao đạt được tam-muội. Nghĩa lý đó chúng ta phải thực tập, mài dũa cho nhiều. Tóm lại, ai còn bốn tướng là phàm phu, ai không có bốn tướng là Bồ-tát. 
Người tu phải ghi nhớ bốn câu kệ trong Kinh Kim Cang: 
Hết thảy các pháp hữu vi 
Như mộng, huyễn, bọt, hình 
Như sương, như điện chớp
Nên quán chúng như vậy.

Phàm cái gì có hình có tướng đều là pháp hữu vi. Pháp hữu vi cũng giống như một giấc mộng, một thứ huyễn hóa, một cái bọt nước, một cái bóng hình, một tia điện chớp, toàn là những thứ hư vọng không có thực chất. Hết thảy mọi thứ đều phải quán như vậy, mới có thể hiểu minh bạch lẽ chân thật, để chúng ta không chấp trước, không bị vọng tưởng quấy nhiễu.

 Kinh Kim Cang còn nói: "Tâm quá khứ chẳng có được, tâm hiện tại chẳng có được, tâm vị lai chẳng có được". Tại sao tâm quá khứ chẳng có được (bất khả đắc)? Bởi quá khứ đã qua rồi, quan tâm tới nó làm gì nữa? Tâm hiện tại cũng chẳng có được, bởi cớ gì? Bởi trong hiện tại các niệm nối tiếp không ngừng. Quý vị bảo đây là hiện tại, nhưng khi nói xong thì cái hiện tại đó cũng qua rồi, thời gian chẳng chịu ngưng lại. Tại sao tâm vị lai chẳng có được? Bởi vị lai là chưa có tới. Cho nên quá khứ, hiện tại, vị lai, ba tâm này chẳng có được. Nếu quý vị theo đúng Pháp mà Phật chỉ dạy để tu hành thì ngay đó có thể đạt được cảnh giới Niết-bàn.

 Người tu Ðạo phải y theo chánh tri chánh kiến, coi đó là mẫu mực để tinh tấn thực tập. Lúc tu là lúc "lìa tướng ngôn thuyết", bởi không còn gì để nói ra nữa; cũng là lúc "lìa tướng tâm duyên", vì không còn duyên nào để tâm theo đuổi; "lìa tướng văn tự", vì không còn chữ nghĩa gì để tả ra. Nếu đã không nói được ra, thì có gì để ghi nhớ? Còn cái gì mà chúng ta không buông bỏ được? Còn gì nữa để chúng ta quan tâm? Quý vị! Hãy dụng công ngay tại chỗ đó, thay vì dụng công hời hợt ở cái vỏ ngoài!

 Có người nghĩ rằng: "Hôm nay tham thiền, chân mình không bị đau, lưng không bị mỏi, đến giờ khai tịnh mà cũng không hay". Nói như vậy tức là người đó đã ngủ quên, tất nhiên chẳng còn hay biết gì hết. Ðừng ngộ nhận cảnh giới đó, kẻo lại bị tẩu hỏa nhập ma!

Quý vị nên chú ý! Khi tham thiền gặp cảnh lạ, quý vị cũng đừng quan tâm, đừng chú ý, cứ để tự nhiên, đừng cho cảnh lạ lay chuyển. Kinh Lăng Nghgiêm giảng về điểm này rất rõ. Mong các hành giả tìm nghiên cứu phần "Ngũ Thập Ấm Ma" cho tường tận. Kinh Lăng Nghiêm là một tấm gương quý báu cho người tham thiền, do đó tất cả những ai tu phải nghiền ngẫm bộ Kinh đó.

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites