Pages

12 November 2015

KINH NGŨ ẤM VÔ THƯỜNG

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjztiSbphfjcFRpBcJtR79Rteb4wwZIhQml2byH0JfukJ4yfQHxnhyphenhyphen6dqsSargT4Ti3oqUy4PBCahiO-t1hP_NNqlL5ZrTZqpHl-ezNMDHHy2EbF8KW3T68dWtJVq5XJ0yRBera-DFvpls/s1600/phat+hoc.jpgVí như người sáng mắt đi tìm thứ gỗ rắn chắc, vác búa bén vào rừng, thấy cây chuối ngay thẳng, dài lớn, liền chặt gốc trảy ngọn, rồi lột lần từng bẹ một, trọn không thấy gỗ, nhìn kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc...





HT Thích Thanh Từ

Một hôm Phật ở xứ A Tỳ Ðà (Ayyojjhà) bên cạnh sông Hằng, tôi nghe như vầy:
Khi ấy Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ví như sông Hằng dòng nước chảy mạnh, kết tụ thành hòn bọt, người sáng mắt nhìn kỹ phân biệt, biết nó không thật không bền chắc. Vì cớ sao? Vì các hòn bọt kia bên trong không chắc thật như thế. Tỳ Kheo! Các sắc tướng, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo xem kỹ, suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ không, phi ngã. Vì cớ sao? Sắc không chắc thật vậy.

Chư Tỳ Kheo! Ví như mưa to bong bóng nước vừa hiện, chợt tan, ngươì sáng mắt nhìn kỹ, suy nghĩ biết nó không thật, không bền chắc. Vì cớ sao? Vì bong bóng nước kia không chắc thật vậy. Như thế Tỳ Kheo! Các thứ thọ, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo xem kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì cớ sao? Thọ không chắc vậy

Chư Tỳ Kheo! Ví như cuối mùa xuân, đầu mùa hạ trời không có mây, không chuyển mưa, khi mặt trời đúng trưa thấy ngựa nắng chập chờn, người sáng mắt nhìn kỹ suy xét phân biệt nó không thật, không bền chắc. Vì cớ sao? Vì những con ngựa nắng kia không chắc thật vậy. Như thế Tỳ Kheo! Các thứ tưởng, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo xem kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì cớ sao? Vì Tưởng không chắc vậy

Chư Tỳ Kheo! Ví như người sáng mắt đi tìm thứ gỗ rắn chắc, vác búa bén vào rừng, thấy cây chuối ngay thẳng, dài lớn, liền chặt gốc trảy ngọn, rồi lột lần từng bẹ một, trọn không thấy gỗ, nhìn kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc. Vì chớ sao? Vì cây chuối không chắc thật vậy. Như thế Tỳ Kheo! Các thứ hành, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo nhìn kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì cớ sao? Vì các thứ Hành kia không chắc vậy

Chư Tỳ Kheo! Ví như thầy huyễn thuật ở ngã tư đường cái, thuật ra những thứ tượng binh, bộ binh, người có trí sáng mắt, nhìn kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc. Vì cớ sao? Vì những thứ huyễn thuật kia không chắc thật vậy. Như thế, Tỳ Kheo! Các thứ thức hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo nhìn kỹ, suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì cớ sao? Thức không chắc thật vậy

Khi ấy Thế Tôn muốn trùng tu nghĩa này nói bài kệ:
Quán sắc như hòn bọt
Thọ như bong bóng nước
Tưởng như ngựa sóng nắng
Chư hành như cây chuối
Các thức như huyễn hóa
Bậc tôn quí đã nói
Chung quanh suy xét kỹ
Chánh niệm khéo quán sát
Không thật không kiên cố
Không có ngã, ngã sở
Ðối thân khổ ấm này
Ðại trí phân biệt nói
Người lìa ba pháp kia
Thân đã thành vật bỏ
Thọ noãn và các thức
Lìa các thân phần này
Bỏ luôn ngoài nghĩa địa
Như cây không hiểu biết
Thân này hẳn như thế
Dối trá gạt kẻ ngu
Như giết, như trúng thương
Không có sự bền chắc
Tỳ Kheo cần tu tập
Quán sát ấm thân này
Ngày đêm hằng chuyên tinh
Chánh trí buộc niệm trụ
Hành hữu vi thường dứt
Hằng được chỗ thanh lương.
Bấy giờ chư Tỳ Kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành.
Ðây là hình ảnh vô thường của ngũ ấm (hay ngũ uẩn) mà Phật diễn tả rất rỏ ràng:
Trước tiên Phật dạy chúng ta quán sắc ấm như hòn bọt. Ðã là bọt nước thì đâu có lâu bền. Bởi sắc ấm không thật có, do các duyên nhóm hợp tạm có (dụ như trong thân ta, phần cứng thuộc đất, phần lỏng thuộc nước, hơi thở thuộc gió, nhiệt độ thuộc lửa). Bởi do duyên hợp, nên đủ duyên tạm có, thiếu duyên nó tan hoại. Vì vậy Phật dùng hòn bọt để thí dụ cho sắc ấm.
Thứ hai, quán thọ ấm không thật như bong bóng nước. Thọ đâu có thật, do sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh cảm thọ, như thọ vui, thọ khổ, thọ bình thường v.v.Nhưng những cái thọ này đâu có lâu dài, chỉ thoáng qua rồi mất. Dụ như bong bóng nước, một phen động đến liền tan.
Thứ ba là tưởng ấm không thật như sóng nắng giữa trưa, trên mặt đường thẳng tráng nhựa, do ánh nắng phản chiếu, ta thấy sóng nắng chập chờn như ngựa chạy v.v. Sóng nắng do ánh nắng phản chiếu mà có chứ đâu phải thật. Tưởng ấm cũng vậy, do tâm duyên theo cảnh dù cảnh đã qua, nhưng những bóng dáng tiền cảnh còn lưu lại trong tâm thức mỗi khi nghĩ đến thì nó hiện ra. Cái bóng dáng làm sao cho là thật được.

Thứ tư, hành ấm là không thật. Hành là sự sinh diệt của tâm thức. Trong Kinh Phật nói, mỗi sát na (khoảng chớp mắt) có sáu mươi niệm sinh diệt. Nó như dòng thác chảy, thay đổi tiếp nối rất nhanh, không đứng yên một chỗ, nhưng chúng ta chỉ thấy trên giả tướng của hành ấm rồi cho đó là thật có (thí dụ như cây chuối). 

Thứ năm, thức ấm là không thật, như huyễn hóa. Ví như nhà ảo thuật kia hóa ra con cọp, nhưng thật ra con cọp đâu có thật, chỉ do thuật mà thôi. Thức là cái phân biệt, sự phân biệt này nó cũng không thật có, tùy chủng tử nghiệp tánh của các loài chúng sanh mà hiện ra khác nhau. Dụ như cái bàn viết này, với ta là cái bàn viết, trái lại với con mọt là thức ăn của chúng v.v. Vậy cái phân biệt nào là đúng. Vì thế Phật nói thức ấm không thật có. 

Tóm lại Phật nói thân ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường để phá cái mê lầm chấp ngã ngàn đời của chúng sanh. Khi thấy rõ nó là vô thường, là giả có, là tạm bợ thì lần lần chúng ta sẽ nhẹ tâm si mê chấp ngã (vì nó không thật mà chấp cái gì?). Si mê chấp ngã đã hết thì các phiền não (tham sân si) cũng theo đó mà hết. Ðến đây vòng luân hồi đã dứt, mọi khổ ách tiêu tan. Ðiển hình cho pháp tu này là đức Quán Thế Âm Bồ Tát khi dùng trí Bát Nhã quán sâu năm ấm đều không, liền được xa lìa khổ ách. 

(Trích Khai Thị của HT Thích Thanh Từ)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites