Pages

26 February 2015

BÀI TƯỜNG THUẬT CHÙA PHẬT HUỆ MỪNG NĂM MỚI ẤT MÙI 2015



Ấn tượng nhất năm nay là cảnh tái hiện khuôn viên Chùa Một Cột, một ngôi chùa biểu tượng cho lịch sử Phật Giáo và dân tộc Việt Nam vốn tồn tại gần suốt chiều dài một ngàn năm văn hiến: Ngôi chùa nhỏ xinh xắn như một đóa sen mọc lên giữa hồ sen, có Phật bà Quan Âm ngự tọa bên trong, xung quanh có cây cỏ, có đào, có mai, và các vật dụng như quang gánh, tái hiện đời sống dân quê Việt Nam xưa. Tất cả đã mang đến một bối cảnh hết sức nên thơ hữu tình...


 
Năm mới Dương lịch ở trời Tây hình như đã đến từ lâu rồi. Nhưng với những người dân Việt Nam trên khắp thế giới nói chung và nước Đức này nói riêng thì năm mới, mùa xuân ở Á Châu mới chỉ sắp sửa bắt đầu. Thật vậy, trong tâm khảm của người dân Việt ở khắp mọi nơi, dù xa quê hương, Lễ Tết luôn là một nét đẹp văn hóa khó phai mờ. Bởi Tết là cơ hội duy nhất trong năm để người dân Việt để củng cố gốc rễ mỗi người, thể hiện tình yêu nước thương nòi, giới thiệu những nét đẹp văn hóa Việt Nam cho nhau và cho bạn bè quốc tế; những tà áo dài truyền thống thướt tha duyên dáng, những chiếc khăn đống kiêu hãnh, những câu chào nhau, chúc nhau năm mới đầm ấm thân tình; rồi những món mứt bánh, những nồi nước bún, phở thơm phức, những bánh Tét bánh Chưng, v.v. cùng những hoạt cảnh chân quê dân dã gợi nhớ về hình bóng quê hương thân thương.




Và tất cả đều gần như đang có mặt trong khuôn viên chùa Phật Huệ đầm ấm và trang nghiêm này. Đúng thế, không riêng Phật Huệ, Hồn Thiêng của dân tộc Việt, nếp sống muôn đời của dân tộc anh hùng ấy vẫn sống động, vẫn còn mãi và được tôn vinh trong tất cả các ngôi chùa Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.






Những Ngày Giáp Tết


Để chuẩn bị cho các thiện nam tín nữ phật tử và bà con đồng hương đến dự lễ đón Tết tại chùa, các Thầy, các Sư cô cùng với các đạo hữu công quả, kể cả rất nhiều các đệ tử người Đức của chùa, đã ra sức sửa sang, chỉnh đốn, trang trí khuôn viên, chuẩn bị các món ăn truyền thống. Ấn tượng nhất năm nay là cảnh tái hiện khuôn viên Chùa Một Cột, một ngôi chùa biểu tượng cho lịch sử Phật Giáo và dân tộc Việt Nam vốn tồn tại gần suốt chiều dài một ngàn năm văn hiến: Ngôi chùa nhỏ xinh xắn như một đóa sen mọc lên giữa hồ sen, có Phật bà Quan Âm ngự tọa bên trong, xung quanh có cây cỏ, có đào, có mai, và các vật dụng như quang gánh, tái hiện đời sống dân quê Việt Nam xưa. Tất cả đã mang đến một bối cảnh hết sức nên thơ hữu tình. Người xem như được gợi nhớ về những hình ảnh sống động của quê hương đất nước, con cháu và người nước ngoài cũng được giới thiệu về một nét đẹp thuần túy của quê nhà. Có chú dê vàng, linh vật biểu tượng của Năm Mùi, mang đến nét hiền hòa tươi vui của một năm mới An Lành.

 













Ngày 30 năm Giáp Ngọ



Ngày 30 cuối năm Giáp Ngọ, không khí chuẩn bị đón Tết càng náo nhiệt hơn, vội vã hơn, nhưng cũng không kém phần niềm nở và thân thiết. Dường như ai cũng ý thức được rằng đây đích thực là một cái Tết đầy ý nghĩa trong nét văn hóa của người Việt. Cộng với đó là niềm tin vào Chánh Pháp của những người con Phật trong nếp sống tâm linh thiêng liêng của mình. Vì thế, để cho các Phật tử có cơ hội gội rửa thân tâm, tẩy trừ nghiệp chướng của những hành nghiệp xấu đã gây tạo, cho nên mặc dù bận rộn, Thầy Trụ Trì từ bi dành cho Đạo tràng một thời khóa đặc biệt, Sám Hối Tất Niên.



 


 

                      Khung cảnh trong Lễ Sám Hối Tất Niên 18.02.2015


 Các Phật tử được hướng dẫn tham dự vào khóa lễ thật trang nghiêm, chí thành xưng niệm danh hiệu và đảnh lễ Hồng danh chư Phật theo nghi thức Hồng Danh Bửu Sám 108 lạy nhằm tiêu trừ 108 tội khiên nghiệp báo nhiều đời. Dọn rửa làm mới thân tâm để sẵn sàng đón nhận một năm mới với niềm Hỷ Lạc vô biên từ chư Phật, Bồ Tát mà trong niềm tin của Phật tử, ngày đầu năm chính là ngày Đản sanh của đức Phật Di Lặc, đức Phật của Hỷ Xả Từ Bi.





Rước Lễ Giao Thừa



Đúng 11 giờ khuya, rất đông các thiện nam tín nữ Phật tử và các đồng hương cũng như bạn bè người Đức, đã có mặt tại chùa để chuẩn bị đón giao thừa. Các Phật tử đứng hai bên chắp tay thành kính cung nghinh Xá Lợi Phật, cung thỉnh chư Tăng Ni quang lâm Đại Hùng Bửu Điện. Đi Đầu là các em phật tử tung hoa cúng dường, hương trầm dẫn thỉnh, “Thần Tài” cũng xuất hiện đi trước để cung nghinh Xá Lợi Phật và chư Tăng Ni. Đoàn cung nghinh uy nghi đi trong tiếng niệm Phật hùng hồn chí kính của đại chúng.



Sau khóa lễ kỷ niệm ngày vía đức Phật Di Lặc xong, đại diện Chư Tăng Ni và đại diện các Phật tử tại gia đảnh lễ dâng lên lời chúc Tết đến thầy Trụ Trì cùng Chư tôn đức Tăng Ni. Thầy Trụ Trì cũng có lời chúc Tết gởi đến chư Tăng Ni, các Phật tử và toàn thể các đồng hương Một năm mới Ất Mùi, An Khang Thịnh Vượng và Tinh Tấn. 


 


 










Đại diện Ban Hộ Trì Tam Bảo chúc Tết Thầy Trụ Trì

Đại diện Chư Tăng Ni chúc Tết Thầy Trụ Trì

Thầy Trụ Trì Thích Từ Trí chúc Tết Chư Tăng Ni 
cùng  quý Đồng hương và các Phật tử

Đây là phần nghi thức quan trọng trong buổi lễ Giao Thừa. Nó thể hiện truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo, Kính Phật Trọng Tăng, hiếu nghĩa ân cần giữa thầy và trò của văn hóa Việt Nam. Không khí thật gần gũi thân ái biết bao!





Một tiết mục không thể thiếu khác của lễ Giao thừa truyền thống đó là Múa Lân và đốt pháo mừng đón năm mới vừa sang. Lân là một trong những linh vật truyền thống của văn hóa Việt Nam. Sự xuất hiện của Lân với tiếng trống rền vang vui nhộn như xua đi những muộn phiền u ám của năm cũ và mang đến những điều tốt lành sáng tươi cho năm mới vạn an. Hòa với đó là tiếng pháo rộn ràng làm dâng lên trong lòng người nhiều niềm phấn khởi hân hoan.




Ngày Mồng 1 Tết


Tết năm nay rơi vào ngày Thứ 5, nhưng các Phật tử cũng đến dâng hương lễ Phật đầu năm rất đông. Trong khuôn viên của chùa, rất đông người Việt Nam quy tụ, tiếng nói quê hương mới quen thuộc biết bao nhiêu. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, tiếng chào nói líu lo, chuyện trò rôm rả, tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” khi gặp các quý Thầy, quý Sư cô nghe thật gần gũi đạo tình. Nhìn những em nhỏ mặc áo dài, đội khăn đống trên đầu, mới thân thương và đáng yêu biết nhường nào! Đó phải chăng là hình ảnh của quê hương. Có cảm tưởng đây là quê nhà chứ không phải nước người nữa.





Ngày mồng 3 Tết



Sáng ngày mồng 3 Tết năm Ất Mùi tức ngày 21.02.2015 chùa Phật Huệ đã khai Kinh Pháp Hoa vào lúc 8.00 giờ sáng để nguyện cầu quốc thới dân an, thế giới hoà bình và muôn dân an lạc.

 
 










Diệu Pháp Liên Hoa vốn dĩ là bộ Kinh Đại thừa hàm chứa nhiều áo nghĩa uyên thâm về triết lý, cũng như những linh cảm nhiệm mầu khi trì tụng. Các Phật tử rất phấn chấn khi được tham dự vào Đạo tràng trì tụng kinh này, nên từ rất sớm, mọi người đã cùng với người thân vân tập về chùa để được trì tụng, không quản đường xá xa xôi, tiết trời giá lạnh. 



 









Không khí đón Tết vui Xuân của các đồng hương Phật tử vẫn tiếp tục sôi động trong không khí hân hoan của đêm Nhạc Hội Mừng Xuân. Cũng như các sân khấu nhạc hội khác thường thấy, nhưng hôm nay, trong dịp đầu năm, đất nước đang đón xuân mới, sân khấu chùa Phật Huệ có bài trí Bàn thờ Tổ Tông, Phụng Vị Chư Vị Anh Linh Chư Vị Tiền Nhân Khai Sáng Và Giữ Gìn Đất Nước. Tâm nguyện tri ân và báo ân được thể hiện tinh tế bằng hai câu đối như một lời hứa của cháu con với Tổ Tông:


Trời Nam Tiên Tổ Xây Bờ Cõi

Dân Việt Cháu Con Nguyện Tô Bồi.


 Đại diện Ban Hộ Trì Tam Bảo cung kính dâng hương 
tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân và anh hùng liệt quốc

Trước khi khai mạc đêm nhạc, đại diện hai thế hệ, hại vị bô lão và hai vị trung niên, bước lên sân khấu đến trước hương án khấu đầu dâng hương kính tưởng nhớ các bậc tiền nhân khai sáng và giữ gìn trọn vẹn bờ cõi nước Việt Nam trên dải hình chữ S thân yêu. Mọi người đều đứng lên trong giọng người Xướng lễ hùng hồn và xúc động.


 Thầy Trụ Trì Thích Từ Trí khai mạc 
Đêm Văn Nghệ mừng xuân Ất Mùi 2015



Tiếp đó, như thường lệ, là những tiết mục ca, múa, hoạt cảnh thể hiện tình yêu đất nước, văn hiến và tiếng nói Việt Nam được thể hiện trên sân khấu một cách sống động và nhiều xúc cảm trong niềm hân hoan vui nhộn. Các em nhỏ tỏ ra rất tự hào sung sướng khi được mặc lên mình chiếc áo dài, khăn đống, quần đụp áo the đặc trưng của miền Bắc hay những bộ áo bà bà màu nâu với chiếc khăn rô rất Nam bộ. Trông bộ dạng thật hồn nhiên của các em mà đáng tự hào biết bao, một thế hệ tiếp theo của dân Việt trên đất người vẫn được trao truyền y nguyên giá trị. Cầu mong cho những giá trị văn vật Việt Nam vẫn được trao truyền tiếp nối cho các thế hệ mai sau và mai sau nữa để nét đẹp của văn hóa Việt Nam không bị mai một, và những người dân Việt trên đất này vẫn tiếp tục được hưởng những mùa xuân quê hương ấm áp tình người.


 










 



Quả thật, không khí đón năm mới tại chùa Phật Huệ rất ấm áp và tươi vui. Hình như lúc này chúng ta đã cảm nhận được sự ấm áp bắt đầu lan tỏa của mùa xuân trong tiết trời đông lạnh lùng giá tuyết. Cảm giác như những tàng cây bên kia sườn đồi phải gồng mình co cụm trơ trụi vì giá buốt giờ đang chuyển mình sắp đâm chồi nảy lộc vì vận hội mới của đất trời.









Chén trà nóng tôi vừa được rót ra rồi đấy, chút hương vị quê hương ấm áp hòa quyện với tình Đạo đậm đà, xin mời bạn hãy cùng tôi thưởng thức:

Nắng đã tan sương trước ngõ rồi

Năm mới vừa sang thật tinh khôi

Chén trà vừa rót xin mời bạn

Hương Đạo còn lan tỏa ngát trời.



Phật Huệ, Mùa Xuân năm Ất Mùi,

Thích Thanh Hương ghi

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites