Pages

10 October 2013

Nghiệp Và Thấy Biết Sai Lầm - Phần cuối


"Sám hối là ăn năn, hối cải những tội lỗi đã làm, không phạm lỗi cũ, không tạo lỗi mới. Có sám hối là có tiêu mòn tội lỗi. Người đời thường khi có tội lỗi thì tìm cách che giấu, ém nhẹm hoặc ngậm máu phun người, đổ lỗi cho người khác. Do đó tạo thêm oán giận, thù hằn, ngang trái với nhau thường dẫn đến việc ân đền oán trả là vậy..."




Thích Đạt Ma Phổ Giác

PHƯƠNG PHÁP AN TÂM
    Thuật của các Tổ là khuyên chúng ta hãy nhìn lại từng niệm khởi của mình, không cho chúng phát sinh từ niệm đầu tiên thì sẽ không có chuyện gì xảy ra làm hư hại cuộc đời. Như ngài Thần Quang trước khi gặp Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma, dù ngồi Thiền cả ngày mà tâm niệm vẫn cứ lăng xăng, loạn động. Một hôm gặp Tổ, Ngài thưa rằng,
    Tâm con không an, xin thầy chỉ dạy.
    Tổ bảo,
    Đem tâm ra ta an cho.
    Theo thói thường, ta thấy tâm của mình là thật, tôi suy nghĩ, tôi tính toán, tôi như thế này, tôi như thế kia… Ở đây, Tổ không nói cái gì cao siêu mà chỉ bảo rằng, “đem tâm ra ta an cho”. Ngài không biết làm sao đem cái tâm ra trình cho Tổ, bởi tâm thì lúc ẩn, lúc hiện, nên khi nhìn lại không thấy tâm ở đâu, do đó Ngài thưa với Tổ,
    Con tìm tâm không thể được.
    Tổ bảo:
    Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
     Như vậy, an tâm là ở chỗ nào? Chỗ này quý vị phải nhìn kỹ lại mới thấy rõ ý sâu xa của nó.
     Đây là diệu thuật của các Tổ, “pháp an tâm” của các Tổ rất bình thường, bình thường đến nỗi ta không thể ngờ được. Khi sân khởi lên, ta biết tâm có sân, biết một cách rõ ràng, không nhầm lẫn, đó là “pháp an tâm.” An tâm mà không có chỗ an, hay là “tâm bình thường”, tức là đạo vậy. Vậy “tâm bình thường” là sao? Là thường biết rõ ràng, nói không thể đến.
     Lúc còn đi hành cước tìm đạo, Thiền sư Triệu Châu đến tham vấn ngài Nam Tuyền:
     Thế nào là đạo?
     Tâm bình thường là đạo.
     Lại có thể nhằm tiến đến chăng?
     Nghĩ nhằm tiến đến là trái.
     Nếu không nghĩ thì làm sao biết là đạo?
     Đạo chẳng thuộc biết hay chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không thênh thang, rỗng rang, đâu thể gắng nói phải quấy.
     Ngay câu nói này, Thiền sư Triệu Châu ngộ đạo, nhận ra bản tâm thanh tịnh, sáng suốt của mình ngay nơi thân này.
     Theo Thiền sử Trung Hoa, Thiền sư Triệu Châu pháp hiệu là Tùng Thẩm, vì ở thành Triệu Châu lại được người đời tôn trọng, quý kính nên họ không gọi tên thật mà lấy tên địa danh ấy đặt cho Ngài. Ngài sống thọ 120 tuổi, ngộ đạo lúc 18 tuổi, đi hành cước khắp nơi, đến 80 tuổi mới lập Thiền viện dạy chúng. Ngài là người nổi tiếng và xuất cách trong thời bấy giờ, độ vô số người không thể tính kể.
     Đạo là tên gọi khác của Niết bàn chân như, là cái biết chân thật luôn hiện hữu nơi mỗi người chúng ta. Nếu ta vừa khởi nghĩ tìm kiếm đạo, tức không thể nào thấy được đạo. Vì tìm kiếm là trái với lẽ thường, trái với đạo lý, còn nếu có ý nghĩ mà biết thì cái biết này là vọng giác, dù là nghĩ những điều thánh thiện hay Phật tổ.
     Một triết gia nói như sau, “tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu”. Nếu vậy thì khi nghĩ tốt là tôi, còn khi nghĩ xấu là ai? Trong một ngày với cả trăm ngàn cái suy nghĩ. Vậy cái suy nghĩ nào là tôi? Cái suy nghĩ nào không phải là tôi? Như vậy điều phải là tôi, còn điều quấy là ai? Đã là tôi thì phải có chủ thể cố định trước sau như một, không biến đổi theo thời gian năm tháng, còn cái suy nghĩ khi tốt, khi xấu, lúc thiện, lúc ác thì sao? Vậy cái hay suy nghĩ có phải là tôi chăng? Chắc chắn không phải vậy, nhưng đa số người đời cho là như thế”.
   Từ đó, sinh ra kiến chấp rồi tham lam giành lấy, chiếm đoạt về cho riêng mình. Tham được thì thêm tham, tham không được thì sanh ra thù hận, oán ghét, tìm cách trả thù, trả đũa. Thế gian luôn luôn tàn sát, giết hại lẫn nhau cũng chỉ vì chấp ngã mà dẫn đến chiếm hữu, cũng do chấp ngã nên con người thường cho mình là trọng tâm của vũ trụ, thấy mình là quan trọng hơn thiên hạ, nên từ đó sanh tâm cống cao ngã mạn, coi ai chẳng ra gì.
    Do đó, Thiền sư nói, “nếu suy nghĩ thì không đến với đạo được, vì tâm chẳng khác chi người đời”. Còn ta để tâm mờ mịt, không biết gì thì thuộc về vô ký, giống như vật vô tri, vô giác vậy, không còn biết gì nữa. Thế là cũng không thấy được đạo. Còn khi thấy đây phải, kia quấy thì không còn bình thường, tức là cách xa với đạo. Bởi do ta thường hay chấp cái giả là thật, nên không nhận ra cái chân, dù nó lúc nào cũng hiện hữu không bao giờ thiếu vắng. Vì cái thật thì trước sau như một, không hề thay đổi, còn những gì luôn biến chuyển sinh diệt thì dĩ nhiên là không thật.
    Khi thấy chỉ là thấy, khi nghe chỉ là nghe, thấy tức là biết, khi vui biết vui, khi buồn biết buồn, ta phải biết rõ ràng như vậy. Một hôm, tổ Huệ Khả sau thời gian nhận pháp an tâm, rồi đến trình Tổ sư:
      Con đã dứt hết các duyên.
      Coi chừng rơi vào không.
      Không rơi được.
      Làm sao con biết?
      Con rõ ràng thường biết, nói không thể đến.
      Đây là chỗ truyền của chư Phật, xin chớ có hoài nghi. Khi mắt thấy sự vật, xanh biết xanh, đỏ biết đỏ, sự vật như thế nào biết rõ như thế đó, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, cảnh vật xưa nay chẳng cột trói mọi người hay làm đau khổ cho ai cả. Bởi vì con người vọng động sinh ra thức tình mà muốn chiếm đoạt, giết hại lẫn nhau, nên tự chuốc lấy quả khổ đau, bất hạnh.
    Từ chỗ chấp cái hiểu biết, suy tư, nghĩ tưởng là mình trong hiện tại, đó là cái nhân thúc đẩy con người dẫn đến thọ sinh trong đời sau, nên gọi là nghiệp nhân. Rồi từ nghiệp nhân đó, khi hội đủ nhân duyên, nơi nào thích ứng liền chiêu cảm đến, tạo ra đời sống mới qua hình dạng khác.

BIẾT MÀ CỐ PHẠM
    Con người ra đời là do niệm ái dục, luyến mến nhau chiêu cảm, tạo ra một thứ ánh sáng, người bình thường không thể nhìn thấy được. Khi người cha đang giao hợp với người mẹ, tinh trùng của người cha (dương) và hòa hợp với noãn bào của người mẹ ( âm) phát ra một thứ ánh sáng, nhà Phật gọi đó là lửa dục. Âm dương hiệp nhau, cộng với chu kì người mẹ thọ thai, hợp cùng sức mạnh của nghiệp ái đang chờ đầu thai, thúc đẩy thần thức đến cảm thọ để tái sanh.
    Nếu duyên sinh ra người nam thì thần thức ấy sẽ thích thú với người mẹ;  ngược lại, duyên sanh ra người nữ thì thần thức sẽ cảm thọ với người cha, tạo nên một kiếp sống mới với thiên hình vạn trạng.
    Từ đó, chủng tử nghiệp nhân ngủ ngầm do chấp nhận tâm suy tư nghĩ tưởng là thật, tạo ra sự máy động liên tục, phát triển cho đến tuổi trưởng thành, dẫn đến sự yêu thương, hẹn hò, rồi đi đến hôn nhân, tiếp tục phát triển thêm nghiệp tình ái, tạo ra các thứ tình: tình cha con, mẹ con, tình chồng vợ, tình bằng hữu, tình gia tộc, tình xã hội và đủ các thứ tình cảm trong đời sống, nhà Phật gọi là “thất tình lục dục”, để rồi tạo ra không biết bao sợi tơ cột trói con người trong vòng lẩn quẩn của các thứ tình, nên gọi là “nghiệp tình ái”. Nó giống như con tằm nhả tơ quấn quanh thân mình, làm kén để bảo tồn sự sống, nhưng khi được kín đáo, trọn vẹn rồi lại bị người ta cho vào lò nước sôi để chịu chết; do đó, tạo thành thói quen, muôn đời muôn kiếp hễ sanh ra giống hữu tình thì đều bị “nghiệp tình ái” ham muốn thôi thúc.
    Có người không đủ duyên kết thành chồng vợ chính thức, họ tự tìm kiếm “tình một đêm”, tạo ra oan gia không có chồng mà có thai. Một câu chuyện có thật được đăng trên báo phụ nữ: Người con gái khoảng hai mươi bốn tuổi đang làm việc tại một khách sạn nọ, bỗng thấy một chàng thanh niên ăn mặc lịch sự, bảnh trai bước vào. Vừa nhìn thấy lần đầu tiên, trái tim cô gái nọ đã bị rung động trước sự hấp dẫn của chàng trai kia. Tiếng sét ái tình làm cho cô gái mất hết hồn vía. Thế rồi nhịp đập con tim thôi thúc, cô ta tìm cách làm quen với chàng trai nọ. Nhưng làm quen bằng cách nào đây? Cuối cùng, cô ta cũng tìm ra phương pháp hấp dẫn nhất để thu hút chàng thanh niên, cô ta giả vờ té, ngã người vào chàng trai ấy để hai người có dịp gặp gỡ. Và cũng trong đêm đó, hai người đã tạo ra “tình một đêm”, và nàng đã có mang dù chỉ một lần với người ấy. Sau này, cô ta đến tư vấn hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Cô nói, “tôi không thích có chồng, tôi chỉ thích có con”. Cái gì đã thôi thúc cô hành động như thế? Phải chăng là nghiệp tình ái, hay tiếng sét ái tình thúc đẩy?
    Vì thế mà đức Phật nói, “nếu trên đời này có cái thứ hai giống như nghiệp tình ái, thì thế gian này không ai tu được, may mà chỉ có một thứ mà đã làm điêu đứng loài người”. Đó là câu chuyện về người nữ.
   Còn người nam thì sao? Đến tuổi trưởng thành thì tâm sinh lý bắt đầu phát triển, cộng với sự tưởng tượng của khoái lạc qua phim ảnh, sách báo đã thôi thúc những người này tìm chỗ giải quyết dù chưa có vợ. Có người không đủ phương tiện tài chánh, nên đã tự mình tạo ra khoái lạc. Có người vì quá đam mê ái tình sâu đậm, nên đã dẫn đến tình trạng hiếp dâm, cưỡng dâm, làm mất đi nhân tính của con người. Nhiều người vì vướng mắc vào nghiệp tình ái nên phải chịu khổ đau. Trong lòng quá thương nhớ nên trong tâm họ lúc nào cũng nghĩ đến người tình. Do đó, họ luôn đau khổ, có khi giống như một cái xác không hồn:
            Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
            Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.
   Họ thơ thẩn, thẫn thờ, sống không ra sống, chết chẳng ra chết. Đó gọi là một thứ tình, tình yêu đơn phương. Không có gì đau khổ bằng khi tình yêu đơn phương phát sinh trong lòng ta. Điều này cho thấy, đây là thói quen do ta huân tập nhiều đời, nhiều kiếp, cho nên không ai chỉ dạy mà ta vẫn biết.
   Người đời thường nói, sắc đẹp không phải là biển lớn, nhưng nó có thể nhấn chìm biết bao người tài hoa, do đó mà nhiều người nói rằng, thà chịu khổ, hơn chịu lỗ, thà sống có lứa đôi, tuy bị trói buộc mọi thứ, nhưng người ta vẫn chấp nhận. Vì nghiệp tình ái có sức mạnh hấp dẫn, lôi cuốn, là nguyên nhân trói buộc biết bao con người. Vậy mà ai cũng ưa thích, đến khi bị khổ đau thì than thân, trách phận. Truyện Kiều phản ảnh tình trạng đó qua hai câu thơ:
          Đã mang lấy nghiệp vào thân
          Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
     Đã gây nhân thì phải gặt quả, ta làm ta chịu, chứ đổ thừa cho ai. Người đời không bao giờ lo tránh cái nhân ác, đến khi gặp quả xấu thì đổ thừa tại, bị, thì, là …
           Lại mang lấy một chữ tình
           Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
    Vì vậy, người thế gian khi hai trong một người, hoặc vợ hoặc chồng mất đi, họ liền tìm kiếm người khác thế vào chỗ trống đó để tâm tình. Sống một mình độc thân, tự do, tự tại không chịu, phải tìm kiếm người để tâm sự tình tứ, giống như “  cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng mấy thở nào ra”.
    Trở lại câu chuyện con chó có Phật tánh không? Không! Vì sao? Vì bị nghiệp thức che đậy. Có mà cũng như không, vì ta mải mê chạy theo sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, ăn no, ngủ kỹ… nên đành cam chịu khổ đau. Đó là trường hợp thứ nhất. Còn trường hợp thứ hai thì sao? Con chó có Phật tánh hay không? Có! Nếu có, tại sao nó chui vô đãy da lông lá lù xù? “Vì biết mà cố phạm”. Chúng ta nghe thật là lạ lùng.
    Ai cũng tỏ ra là mình thông minh, mình sáng suốt, tôi làm cái này, tôi làm cái kia, nếu người có ý thức một chút, biết làm thế nào là phải, thế nào là trái. Tuy hiểu biết như vậy, nhưng mấy ai bỏ được thói quen xấu của mình. Do vậy mà Thiền sư nói “vì biết mà cố phạm”. Muốn vượt qua hai trạng thái không trong câu chuyện trên, ta phải biết áp dụng lời Phật dạy để chuyển hóa dần dần những si mê sai lầm của con người bằng cách:
1. Thường xuyên đọc tụng kinh điển Phật giáo.
2. Tin lời đức Phật nói ra có tác dụng chuyển hóa khổ đau cho con người, sự ra đời của đạo Phật vì con người.
3. Sám hối làm lại cuộc đời.
4. Tập làm phước, bố thí cúng dường, giúp đỡ ,chia sẻ hay nâng đỡ.
5. Ứng dụng các pháp tu niệm Phật, quán tưởng, ngồi Thiền, quán hơi thở, quán duyên sanh…

ĐỌC KINH CÓ LỢI ÍCH GÌ?
   Tại sao ta phải đọc tụng kinh điển? Có nhiều người thường xuyên đi chùa, tụng kinh đều đặn, họ cho rằng tụng kinh để được thông minh. Như vậy có đúng không?
    Trước hết, ta cần tìm hiểu kinh là gì? Kinh là sách ghi lại những lời Phật dạy về giáo dục và đạo đức, là phương cách tu tập để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, nhằm giúp cho con người vượt qua cạm bẫy của cuộc đời. Tụng kinh là đọc lại và chiêm nghiệm những lời Phật dạy để hiểu đúng chính xác điều tốt, điều xấu, hướng về những việc lợi ích cho con người mà thực hành. Ta nên áp dụng những điều Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày, nhằm đem lại an vui, lợi lạc cho mình và cho tất cả mọi người trong xã hội.
    Tụng kinh là cơ hội tốt nhất để ta học hỏi, tư duy, quán chiếu, soi xét lại chính mình. Nhờ tư duy, quán chiếu mà thấy được rõ ràng chỗ si mê chấp ngã. Do ta thấy bản ngã là trên hết, không thấy được lẽ thật, nên hành động, nói năng không đúng chánh pháp, gây đau khổ cho người.
     Nếu ta thường xuyên áp dụng lời Phật dạy thì dần dần trở nên sáng suốt, thấy rõ ràng các việc đúng, sai trong cuộc đời, thấu rõ mọi hiện tượng, sự vật đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Cái này có thì cái kia có, cái kia không thì cái này không.
     Khi hiểu được như vậy, ta sẽ bớt si mê, tham lam quá đáng, không còn bi quan yếm thế, chán đời, luôn sống với tinh thần đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết, biết cảm thông và tha thứ với tinh thần vô ngã, vị tha.
   Tóm lại, mục đích của việc đọc tụng kinh Phật không phải để trả bài, tính điểm với Phật, mà mục đích là để nâng cao trình độ nhận thức, thấy biết rõ ràng, chính xác cái nào là thật, cái nào là giả, cái nào là tốt, cái nào là xấu, để rồi ta sẽ biết tìm cách ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày mà sống an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
   Tụng kinh là để thường xuyên trau dồi ba nghiệp thân-miệng-ý hằng thanh tịnh, sáng suốt để được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Tụng kinh để được thấm nhuần lời Phật dạy, là phương pháp hành trì có lợi ích thiết thực, giúp cho người đọc tụng thấu hiểu rõ ràng thực tướng của vạn vật, để mỗi ngày chúng ta gội rửa thân tâm thêm trong sạch từ thân-miệng-ý.
    Tụng kinh không phải để cầu khẩn, van xin đức Phật giúp cho mình được tai qua nạn khỏi, gia đình mạnh khỏe, làm ăn được nhiều tiền của. Tụng kinh không phải là sự mua bán, trao đổi để được dồi dào, hạnh phúc.
    Tụng kinh là cơ hội để ta trau dồi ba nghiệp thân-miệng-ý hằng thanh tịnh, sáng suốt, nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, hạnh phúc. Có một câu chuyện nhờ tụng kinh mà thoát khổ:
    Tại làng nọ, có một người chết đã gần bảy ngày rồi, nhưng nơi ngực vẫn còn ấm, xác không có dấu hiệu huỷ hoại, thối rửa, nên người nhà không tẩn liệm. Đến một đêm, người đó bỗng nhiên sống lại và kể cho người nhà nghe rằng, …
    Lúc đang nằm ngủ thấy thần thức thoát ra khỏi thân, bay đến một dinh thự thật nguy nga, đồ sộ. Trong sân vườn của dinh thự có rất nhiều người với đủ mọi hình dạng. Khi vừa đến nơi, có hai người liền xông tới kéo tay tôi dắt vào dinh phủ, gặp một người tướng mạo uy nghi, to lớn ngồi giữa bệ rồng. Hai người hầu cận liền bắt tôi quỳ xuống để diện kiến vua Rồng, vua hỏi,
     Nhà ngươi ở nhân gian làm nghề gì? Có làm điều gì phước thiện không?
     Tôi liền trả lời,
      Mỗi khi chùa làng có giảng kinh pháp, tôi luôn tạo điều kiện hỗ trợ và bố thí vật thực để giúp đỡ mọi người.
      Vua rồng hỏi tiếp,
      Ngoài việc đó ra, hàng ngày ngươi còn làm việc gì nữa không?
      Dạ bẩm ngài, con tụng kinh hai quyển mỗi ngày.
      Vậy ngươi tụng kinh cho ta nghe thử xem.
      Tôi liền tụng vanh vách bản kinh Pháp Hoa, vua Rồng chăm chú nghe tôi tụng một lúc, rồi phán rằng,
      Nhờ phước đức tụng kinh và bố thí vật thực, thay vì ngươi phải chịu quả báo chết khổ, nay ta cho ngươi được trở về dương thế để tiếp tục sống mà giúp người, cứu vật.
     Lúc đó, tôi liền niệm câu Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát, nên thần thức trở lại về nhà. Thấy họ hàng thân thuộc đang khóc lóc và chuẩn bị lo tẩn liệm, thần thức của tôi liền nhập vào thân xác, nên sống lại kể cho mọi người nghe. Từ đó, họ hàng thân thuộc cùng gia đình tôi luôn tín tâm Tam Bảo, hay làm những điều phước thiện, và hàng ngày trì tụng kinh và niệm Bồ Tát Quán Thế Âm.
     Câu chuyện trên đã cho ta một bài học quý giá và lợi ích của đọc tụng lời Phật dạy qua kinh điển Phật giáo. Kinh Pháp Hoa nói cho đủ là kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Pháp ở đây tức là lời dạy của đức Phật, chữ Diệu là sâu kín, nhiệm mầu, vi diệu, không thể nào dùng bút mực diễn tả cho hết ý nghĩa của nó. Liên hoa tức là hoa sen, những lời Phật nói giống như hoa sen mọc lên từ bùn mà không bị bùn lầy làm ô uế.
    Thực tế cốt chuyện đã cho ta thấy, khi người sống được với tâm chân thật của chính mình thì được tự do, tự tại, tùy duyên giáo hóa, cứu độ chúng sanh, không còn bị ngăn ngại. Đó là người đã sống được với kinh Pháp Hoa, còn ta là người phàm, mắt thịt, chưa thông suốt được đạo lý làm người, cho nên cần phải đọc những lời dạy của chư Phật để mỗi ngày sống làm sao cho có ý nghĩa và giá trị vì lợi ích của mọi người.
    Chỉ đọc tụng kinh suông cũng đã lợi ích, huống hồ là áp dụng vào trong đời sống hằng ngày thì khổ đau sẽ không có mặt, hạnh phúc sẽ đến với mọi người. Tụng kinh để ba nghiệp thân-khẩu-ý hằng thanh tịnh, luôn phát triển hạnh lành vì lợi ích tha nhân, lợi ích cho số đông, đó là bản hoài của chư Phật.
    Muốn được như vậy, khi tụng kinh, quí Phật tử phải chí thành, chí kính, tập trung cao độ hướng về nội dung, khắc cốt ghi tâm lời dạy của chư Phật, ứng dụng trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời để nhổ sạch gốc rễ si mê, sân hận, tham lam, ích kỷ, bỏn xẻn.
    Tụng kinh như thế cũng là một pháp môn hành trì tối hậu, tùy bệnh cho thuốc, thuốc hay thì bệnh lành, tùy theo khả năng của mỗi người mà ta chọn lựa phương pháp thích hợp để chuyển hóa khổ đau thành an lạc.
     Tụng kinh có nhiều lợi ích thiết thực như thế, nên đức Phật đã tu bằng kinh nghiệm xương máu của chính mình, rồi truyền đạt lại cho ta. Cho nên, người con Phật phải kiên trì tụng kinh, niệm lời Phật dạy.

TIN PHẬT LÀ NGƯỜI GIÁC NGỘ
    Ta phải tin lời Phật dạy nói ra không hư dối, bởi sự ra đời của đạo Phật là vì con người, ngài chỉ cho mọi người rằng ai cũng có khả năng thành Phật như nhau, chỉ vì ta chẳng chịu thừa nhận mà thôi, “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành.” Do đó, người xưa đã nói như sau,
Đêm đêm ôm Phật ngủ
Ngày ngày cùng Phật dậy
Ngồi đứng hằng theo nhau
Nói nín cùng chung ở
Mảy may chẳng tạm rời
Như hình cùng với bóng
Muốn biết nơi Phật đi
Chỉ chỗ nói năng ấy.
    Bài kệ trên cho ta thấy, ai ai cũng có tánh Phật, nhưng vì mãi mê chạy theo trần cảnh, vọng động, phân biệt theo thức tình, nên ta đành chôn vùi ông Phật của chính mình.
    Nếu không có vậy thì ai thấy, ai nghe, khéo thấy, khéo nhận thì một đời hết khổ đau. Vậy thành Phật là thành cái gì? Phải thành Phật là thành cái thân năm bảy chục kí này phải không? Ta phải nhớ rằng, thành Phật là thành cái tâm thanh tịnh sáng suốt, thấy biết đúng như thật, sự vật thế nào thấy biết đúng như thế đó, thật biết thật, giả biết giả, vẫn sống, sinh hoạt như mọi người, nhưng không dính mắc đam mê, tức là hằng biết, thật biết, khi đau thì biết đau, khi đói thì biết đói, khi nóng thì biết nóng, khi lạnh thì biết lạnh, khi đau ở chỗ chân thì ta biết chân đau, đau là thân tứ đại này đau, chớ tâm biết đâu có đau.
     Bởi vì ta hay quen cho rằng, cái tâm suy tư, nghĩ tưởng là mình mà bỏ quên cái tâm thường biết hiện hữu. Do đó, khi Thiền sư Đức Sơn bệnh, có vị tăng đến thăm hỏi,
     Hòa Thượng bệnh, có cái chẳng bệnh chăng?
     Có.
     Tăng hỏi tiếp,
    Thế nào là cái chẳng bệnh?
     Ngài đáp,
     Ui da! Ui da!
     Nghe Ngài trả lời như thế, ta dễ hiểu lầm, vì mọi người ai cũng đều biết đau vậy. Ngài trả lời như vậy có gì đặc biệt đâu, cũng giống như bao người thế gian thôi. Ở đây, ta phải tìm hiểu cho chín chắn để thấy khi thân bệnh, cái hay biết đó đâu có bệnh, nên khi hỏi Ngài trả lời có, vì có nên nói “Ui da!”.
     Là Phật tử, nếu thường xuyên biết như thế, đâu có quên mình theo vật để chịu khổ đau. Ví như cái biết nghe ở căn tai, nếu có người hỏi, “anh đang làm gì đó? Tôi đang nghe”. Tức là, ta đang sống với tánh nghe của mình. Khi nghe âm thanh ta cho là có nghe, khi âm thanh mất đi thì cho rằng không nghe. Khi có tiếng thì nghe có tiếng, khi không tiếng thì nghe không tiếng. Cái hay nghe có mất bao giờ đâu, nên lúc không có âm thanh cho rằng không nghe. Ai biết không nghe? Vì thế mà biết chỉ có một.
     Nương nơi mắt gọi là biết thấy, nương nơi tai gọi là biết nghe, nương nơi mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Đó là cái biết chân thật, sáng suốt, nương nơi sáu căn của mỗi người chúng ta. Ai sống được như vậy, biết được như vậy thì làm gì còn khổ tâm.
    Bởi cái bệnh muôn đời của ta cho cái thấy chạy theo trần cảnh phân biệt, tốt xấu vọng động, cái hay suy nghĩ của mình là đúng. Vì cho rằng mình đúng nên một bề chấp cái thấy của mình, không chấp nhận cái thấy của người khác, ví như năm cô gái ra chợ mua vải về may đồ, nhưng mỗi cô chọn một màu khác nhau, bởi cô cho màu đỏ là đẹp, cô khác cho màu xanh là đẹp.
    Vì vậy, tùy theo sự phân biệt của mỗi người, làm cho cái thấy đẹp nó khác nhau, bởi ai cũng nghĩ mình là đúng, nên cho rằng người khác sai. Nếu không thông cảm cho nhau, dẫn đến đấu tranh, đấu khẩu, tạo thành ý thức hệ oán giận, thù hằn, tìm cách trả thù nhau.
     Nếu chuyện nhỏ thì chỉ rắc rối giữa cá nhân với cá nhân, chuyện lớn hơn thì gia đình với gia đình, lớn hơn nữa là quốc gia này với quốc gia khác. Từ đó, ngòi đấu tranh bùng nổ, khổ đau từ từ lan rộng, tạo ra mâu thuẫn cuộc đời, chống đối lẫn nhau. Cũng chỉ vì chấp chặt cho là mình đúng nên mới dẫn đến chiến tranh, binh đao tàn sát, giết hại lẫn nhau là như vậy.

LỢI ÍCH SÁM HỐI
   Ai trong chúng ta không một lần vấp ngã dù ít hay nhiều, nhưng quan trọng hơn hết là khi vấp ngã ta có chịu đứng lên hay không.
    Người xưa nói: người không gặp hoạn nạn không biết quay đầu. Ai cũng có hiểu biết, có tâm lành, nhưng vì mãi ngu si, mê muội chạy theo phong tục, tập quán của thế gian, ai làm sao tôi làm vậy, ai làm bậy tôi làm theo. Do đó, đại đa số chúng ta bị vấp ngã, thất bại rồi cam chịu khổ đau mà than phân trách phận. Cho đến khi nhân duyên đã chín mùi chúng ta mới suy nghĩ lại và tỉnh ngộ ra, mới biết Phật Pháp là rất cần thiết cho mọi người, nhằm giúp cho ta chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
     Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời, mà dạy ta dũng cảm đối diện với cuộc đời, dùng nhận thức và từ bi, trí tuệ để chuyển hóa chính mình, vượt qua khổ đau của cuộc đời nhằm xây dựng nếp sống gia đình an vui, hạnh phúc, góp phần xây dựng cho xã hội và thế giới hòa bình, an lạc.
   Sám hối để làm mới lại chính mình. Sám là sám lỗi trước, nguyện không tái phạm lỗi lầm. Hối là ngăn ngừa lỗi lầm sau khi phát sinh. Sám hối đúng nghĩa là phải có tâm hổ thẹn và cầu tiến. Người biết hổ thẹn sẽ không dám để cho tội lỗi phát sinh hoài do sự thành tâm sám hối, thì tội lỗi dần dần được tiêu trừ.
    Sám hối là tinh thần cầu tiến, làm mới lại cuộc đời với tinh thần cầu tiến, biết hổ thẹn và mong mỏi làm mới lại chính mình. Nhờ sám hối mà ta không tái phạm lỗi lầm. Sám hối với lòng chí thành tha thiết sẽ giúp ta từ từ sạch hết tội lỗi.
    Sám hối là ăn năn, hối cải những tội lỗi đã làm, không phạm lỗi cũ, không tạo lỗi mới. Có sám hối là có tiêu mòn tội lỗi. Người đời thường khi có tội lỗi thì tìm cách che giấu, ém nhẹm hoặc ngậm máu phun người, đổ lỗi cho người khác. Do đó tạo thêm oán giận, thù hằn, ngang trái với nhau thường dẫn đến việc ân đền oán trả là vậy.
    Người Phật tử chân chính là biết sám hối để làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình. Tu có nghĩa là biết sửa, là thay đổi những thói hư, tật xấu của mình, nhờ sám hối mà tâm ta ngày càng trong sạch. Khi có tội lỗi mà dám sám hối, hứa chừa bỏ, là một hành vi can đảm và biết cầu tiến. Sám hối còn giúp cho cái tâm cống cao, ngã mạn hoặc tự ti, mặc cảm dần dần được thuyên giảm.
    Người không biết sám hối quả thật là người hèn nhát, không xứng danh là một con người huống chi là Phật tử, họ chấp nhận đi ngược lại quỹ đạo làm người, chấp nhận con đường đen tối của chính mình. Sám hối là phương pháp sách tiến mạnh mẽ nhất. Nhờ sám hối mà người phàm phu dần dần tiến lên được bậc hiền Thánh. Người biết sám hối dù có tạo tội lỗi bao nhiêu, họ sẽ là người tốt trong hiện tại và mai sau.

LỢI ÍCH CÚNG DƯỜNG
    Trước tiên, đức Phật dạy ta lấy hạnh bố thí làm đầu, bố thí cúng dường cha mẹ hay người tu hành chân chính, hoặc giúp đỡ, sẻ chia với người nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn. Người xuất gia thì bố thí pháp, người tại gia thì bố thí của cải, vật chất, hai hệ thống này nương tựa tương quan chằng chịt lẫn nhau không thể thiếu, không thể tách rời nhau được.
    Khi đức Phật còn tại thế, có một đệ tử tên là A-Na-Luật, do quyết tử tu hành nên bị mù lòa đôi mắt. Một hôm, y của ngài bị rách, vì bị mù nên Ngài không thể xỏ kim được, Ngài mới lên tiếng “có ai xỏ kim giùm tôi?”. Ngay lúc đó, đức Phật liền đi đến xỏ kim hộ cho Ngài.
     Câu chuyện trên cho ta thấy một bài học đạo lý làm người sáng ngời tinh thần từ bi rộng lớn, đức Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, là bậc đáng tôn kính ở đời mà vẫn không từ chối việc làm phúc nhỏ nhoi. Ở đây, ta thấy người đã giác ngộ, giải thoát rồi sẽ không từ chối một việc làm lành nào khi hội đủ nhân duyên, chứng tỏ rằng đạo Phật lúc nào cũng đem đến an vui, hạnh phúc cho tất cả muôn loài vật. Như Lai Thế Tôn là bậc tôn quý như vậy mà vẫn không từ nan bất cứ một việc lành nào.
     Học gương đức Phật khi xưa để ngày nay ta cố gắng bắt chước làm theo hạnh của Ngài. Là người Phật tử, ta phải ý thức được rằng, không phải chờ đến khi có nhiều tiền của mới bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ. Người có của thì giúp đỡ vật chất, người không có của thì giúp đỡ bằng công sức hoặc tấm lòng của mình, tùy hỷ khi thấy người chia sẻ, tán thán công đức cúng dường.
     Phật dạy, “người cúng dường và người phát tâm tùy hỷ, công đức bằng nhau. Người cúng dường thì được phước báo không nghèo khổ, người tùy hỷ thì được phước báu không ganh tị tật đố, bởi vì nhân ganh tị tật đố dẫn đến oán giận, thù hằn, tạo ra oan gia trái chủ, trộm cướp, lường gạt, giết hại lẫn nhau”.
     Người nghèo khổ làm sao bố thí cúng dường, chia sẻ? Chỗ này phải rứt ruột ra mà thôi, người nghèo thì giúp đỡ, chia sẻ bằng tấm lòng, bằng hành động. Khi ra đường, thấy một người già đi đứng khó khăn đang chờ qua đường, hoặc thấy người bị tai nạn không ai chăm sóc, ta tìm cách đưa người đó tới trung tâm y tế nơi gần nhất, hoặc là ta thắt lưng, buộc bụng, hy sinh bớt phần ăn của mình khi có người đến xin, ta chia sẻ phần ăn của mình với tấm lòng thành kính, giúp đỡ người kia tạm qua cơn đói khát.
    Cúng dường hay giúp đỡ với tâm chí thành, chí kính không tính toán, nghĩ suy, thấy người khổ thì mình giúp. Cúng dường hay bố thí như vậy, ai cũng có thể làm được, không phải chờ có nhiều tiền của rồi mới biết bố thí. Ai muốn làm được như vậy, trước tiên phải tin sâu nhân quả, tin lời Phật dạy có khả năng chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành ngộ, chuyển khổ đau thành hạnh phúc.
     Như cô bé ăn mày kia, không biết gieo tạo nghiệp nhân gì mà từ khi còn tấm bé, không có cha mẹ, bà con thân thuộc giúp đỡ. Cô phải kiếm sống bằng cách ăn xin mỗi ngày, ngủ đầu đường, xó chợ, nay chỗ này, mai chỗ kia, cuộc sống thật khốn khổ, bữa đói, bữa no. Cô thường buồn phiền, than thân trách phận tại sao đời cô lại bất hạnh đến thế.
    Một hôm, tại chùa nọ có mở trai đàn bố thí giúp đỡ người nghèo. Được tin, lòng cô phấn khởi tự an ủi mình, cô muốn đóng góp một cái gì đó, nhưng kiểm tra lại thì không có cái gì để đóng góp, cô bèn phát nguyện nếu trong ngày ấy xin được bao nhiêu cô sẽ đem đến cúng dường hết nơi trai đàn ấy.
    Hòa thượng trụ trì biết trước sự việc sắp xảy ra, nên trước khi đi ra khỏi chùa, Ngài dặn đại chúng rằng, “hôm nay, có một vị đại thí chủ đến cúng dường, các con phải chuẩn bị chiên trống để đón rước vị ấy”. Mọi người trong chùa ai cũng đinh ninh rằng chắc hôm nay có đức vua hay một vị quan lớn nào đó đến cúng dường, nên Ngài mới sắp xếp như vậy.
    Do lời nguyện lớn lao như thế, ngày hôm đó cô bé xin được hai tiền xu, thay vì dùng số tiền này để nuôi sống qua ngày, cô một mực chí thành theo lời nguyện, liền hoan hỷ đến chùa cúng dường với tấm lòng biết ơn vô hạn; nhưng với hai tiền xu, làm sao mua được gì để cúng dường, chỉ còn cách duy nhất là mua muối rồi đem gởi cho người làm bếp thì mới có thể ai cũng có phần cúng dường của mình. Hôm đó, cả chùa đang hân hoan chuẩn bị chào đón vị đại thí chủ đến, nhưng cả ngày chỉ thấy có cô bé ăn mày đến cúng dường muối mà thôi.
    Thời gian thắm thoắt trôi qua, cô bé ăn mày vẫn với thân phận thấp hèn chẳng có gì thay đổi. Cô vẫn rày đây mai đó, tiếp tục cuộc hành trình lang thang kiếp ăn mày chẳng biết bao giờ chấm dứt. Nhưng sông có khúc, người có lúc, không có cái gì là cố định mãi. Nghèo là do không biết bố thí cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người hoạn nạn hoặc gặp người đáng kính.
     Đạo Phật không chấp nhận quan điểm cố định, cái gì cũng đổ thừa cho số mệnh để rồi cuối cùng, cuộc sống giống như bèo dạt mây trôi. Đạo lý nhà Phật nói rằng, mỗi con người ta có thể thay đổi hoàn cảnh tùy theo khả năng, ý chí quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của mỗi người.
    Có người thuở nhỏ nghèo khổ, khi trưởng thành lại biết làm việc phước thiện, siêng năng, chăm chỉ, cần cù làm việc có phương pháp, biết tiết kiệm nên trở thành người giàu có.
    Là Phật tử, ta nên tìm hiểu cho chín chắn lời Phật dạy để áp dụng trong đời sống hàng ngày. Mỗi ngày học Phật, mỗi ngày tu tập sẽ giúp cho ta thay đổi cách nhìn cuộc sống, vì không cố định nên ta mới tu hành được, mới làm lại cuộc đời mà vươn lên, vượt qua số phận tối tăm. Bởi lẽ cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó, không có cái gì bỗng dưng khi không mà thành.
    Đức Phật dạy, “cái này có, cái kia có, cái này không, cái kia không, cái này sinh, cái kia sinh, cái này diệt, cái kia diệt.” Nhờ học Phật, ta biết rõ ràng sự biến thiên thay đổi từ con người cho đến sự vật. Từ đó, ta có cách nhìn thông thoáng hơn, bớt cố chấp, bớt dính mắc trong cuộc đời mà cùng nhau sống thương yêu hơn bằng trái tim hiểu biết.
    Trở lại câu chuyện cô bé ăn mày. Một hôm nọ, có một vị quan trên đường đi tìm hiểu sự sống của người dân, vô tình thấy được cô bé đang quấn chiếu ngủ bên vệ đường, động lòng thương cảm, vị quan gọi cô bé lại, ân cần, hỏi han mới biết được sự việc là như thế, ông liền nhận cô ta về làm con nuôi, cho ăn học đàng hoàng.
    Thời gian tiếp tục trôi qua, cô bé đã lớn khôn, trở thành một cô gái kiều diễm, có vóc dáng, hình thức hài hòa. Lúc này, nhà vua đang kén chọn vợ cho hoàng tử để chuẩn bị kế thừa ngôi vị. Cô là người may mắn được chọn vào cung, và được thái tử chọn làm thê tử. Thế là cô nghiễm nhiên trở thành một bậc mẫu nghi thiên hạ. Lúc này, cuộc đời cô đã thay đổi hoàn toàn. Cô nhớ lại thuở hàn vi nghèo khó, với tấm lòng quý kính Tam bảo, cô sắm soạn đầy đủ tứ sự cúng dường như y phục, tọa cụ, thuốc men, thức ăn uống và nhiều tiền bạc, rồi dùng nhiều cỗ xe chở về chùa.
    Lần này, nhà chùa đón tiếp cô không được nồng hậu và ưu ái như lần trước. Thấy vậy, cô mới thắc mắc nhờ giải thích. Hòa thượng trụ trì trả lời như sau, “bởi trước kia cô cúng dường với tấm lòng quý kính tôn trọng, dám nhịn một ngày ăn của mình để cúng dường Tam Bảo, như vậy không khác gì đã hy sinh thân mạng của mình để cúng dường. Vì vậy, phước báu rất lớn không thể nghĩ bàn. Ngày nay, tuy cô cúng dường đầy đủ vật thực cho Tam bảo, nhưng những của cải, vật chất này không phải của cô mà là của thiên hạ bá tánh, tuy vẫn được phước nhưng không bằng người cúng dường dù ít nhưng với tất cả tấm lòng thành kính, tôn trọng.
     Nói đến bố thí cúng dường hay giúp đỡ, sẻ chia, nhiều người cứ nghĩ phải có tiền bạc, của cải nhiều mới bố thí được, nhưng thực tế bố thí có nhiều cách, không cần phải có nhiều tiền, thậm chí người nghèo đến nỗi không có chút gì vẫn thực hành bố thí được. Có người cho rằng, bố thí là ban phát những gì có lợi cho người khác. Bố thí không nhất thiết là cho tiền tài, vật chất. Bố thí là rộng thí, là ban cho không hạn cuộc người hay vật, thân hay thù, hễ thấy chúng sanh nào cần nhu cầu là ta có thể giúp đỡ, sẻ chia.
    Chúng ta có thể bố thí cho người thân thì dễ, còn bố thí cho người mình từng oán giận thì rất khó. Giúp đỡ cho người mình yêu thích thì dễ, vì nó thỏa mãn lòng yêu mến của mình, còn giúp đỡ cho người mà mình không thích mới chính là hạnh bố thí vì tinh người trong cuộc sống.

ÁP DỤNG LÝ NHÂN DUYÊN
   Nhờ áp dụng lời Phật dạy, ta có thể chuyển nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, chuyển ba nghiệp xấu ác thành hiền thiện, đạo đức. Trong kinh Phật nói, “thấy được lý nhân duyên là thấy chánh pháp hay thấy đạo”. Thấy được như vậy là người có trí tuệ, là người có chánh kiến, nên làm việc gì cũng vì lợi ích chúng sanh là trên hết.
   Sự thật, muôn loài, muôn vật trên thế gian này đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, không có một vật nào chỉ do một nhân mà hình thành. Tất cả đều phải trải qua tiến trình diễn biến của nhân quả. Cho nên, “cái này có, cái kia có, cái này không, cái kia không”. Không có cái gì chỉ do một nhân mà thành được, nếu có ai nói một nhân mà thành, thì người ấy chưa hiểu thấu lý nhân duyên quả.
    Chúng ta thử suy gẫm về cái nhà coi, cái nhà không tự là cái nhà, mà phải có nhiều vật dụng, gỗ, đinh, sắt, gạch, cát, xi măng, người thợ mộc, thợ hồ và nhiều phương tiện khác hợp lại mới tạm gọi là cái nhà.
    Con người cũng vậy, thân này do bốn chất đất, nước, gió, lửa hợp lại mới hình thành. Vì ta không thấy, không biết đúng đắn nên nhận định sai lầm, rồi chấp trước vào đó mà sinh ra đủ thứ phiền não, nên chấp nhận sống trong biển khổ, sông mê.
     Chính vì vậy, tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này đều do nhân duyên hòa hợp lại mà thành, không có cái gì do một nhân mà có thể hình thành. Ai “ngộ” được lý nhân duyên thì sự tu hành sẽ không còn khó khăn gì nữa.
     Nhờ biết rõ thân này do nhân duyên hòa hợp mà thành, từ thân người, thân thú, hay mọi cảnh vật cũng đều như vậy. Cho nên, trong kinh Kim Cương nói, “ Phàm cái gì có tướng đều hư vọng, giả có, có mà không thật thể nên gọi là giả có”.
     Nhờ hiểu được lý nhân duyên, con người dễ dàng thông cảm, khoan dung, tha thứ, do đó mà bớt chấp ngã, thấy ai cũng là người thân, người thương của mình, nên không sanh tâm ganh tỵ, tật đố, điều đó sẽ giúp cho cuộc sống của ta được bình yên, hạnh phúc từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
     Nhờ hiểu được và thông suốt lý nhân duyên, ta sẽ nỗ lực vươn lên làm mới cuộc đời và tự tin chính mình có đầy đủ khả năng vượt qua mọi bất hạnh, khổ đau. Nó giống như một lu nước, muốn nước bốc hơi, ta phải đun lên, tạo độ nóng thì nước sẽ bốc hơi. Không có cái gì là do ngẫu nhiên hay tự nhiên mà hình thành được.
    Nếu muốn nước đông lại thành đá thì ta tạo duyên lạnh, muốn nước trở lại trạng thái bình thường thì ta tạo duyên ấm. Nước không cố định một thể mà nó được thay đổi tuỳ theo sự tác động của “duyên”. Nhờ hiểu và ứng dụng lý nhân duyên vào trong đời sống hằng ngày, mỗi người chúng ta sẽ thấy rõ ràng mối tương quan chằng chịt nhân quả. Sự sống này muốn tồn tại và phát triển rất cần sự nương nhờ lẫn nhau. Hiểu được như vậy, ta mới có bổn phận và trách nhiệm đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ và chia sẻ với nhau bằng tất cả tấm lòng. Nếu ai đó chỉ dùng quyền lực để áp đặt, thì sẽ tạo ra mâu thuẫn đối kháng, gây ra ân oán, hận thù, rốt cuộc làm đau khổ cho nhau.
    Nhờ hiểu và ứng dụng lý nhân duyên vào trong đời sống hằng ngày, ta sẽ thấy rõ ràng sự sống trên đời này là vô thường, luôn chuyển biến, đổi thay không ngừng nghỉ. Vì vô thường cho nên vô ngã, tuy vô ngã nhưng có tinh thần chuyển biến liên tục.
    Cái suy nghĩ của con người cũng vậy, tuy không có chủ thể cố định, nhưng có tâm thức liên tục trôi chảy không dừng. Vì vậy, khi ta nghĩ tốt, lúc ta nghĩ xấu, trong một ngày có không biết bao nhiêu suy nghĩ, suy nghĩ liên tục không dừng, không mất. Do đó, lý vô ngã của nhà Phật chỉ cho ta thấy sự nhận chịu liên tục chứ không phải vô ngã là không ngơ, không biết gì.
     Và cũng nhờ sự chuyển biến liên tục này mà ta mới tu tập được, nếu cái ngã là một chủ thể thường hằng bất biến, không thay đổi được, thì dù ta có tu tập làm mới cuộc đời, làm mới lại chính mình, cũng không lợi ích gì.
    Tóm lại, hiểu và ứng dụng lý nhân duyên của nhà Phật, ta sẽ bớt tham lam, ích kỷ, nhỏ nhoi, ti tiện, oán giận, hờn dỗi, bớt si mê chấp ngã, mọi người sẽ thấy đúng lẽ thật qua lý nhân duyên, do đó chúng ta sẽ sống yêu thương hơn.
     Khi hiểu được lý nhân duyên, ta sẽ có bổn phận, trách nhiệm đóng góp, sẻ chia và nâng đỡ tha nhân, góp phần làm giảm bớt khổ đau cho nhân loại, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, để mình và người được sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
HẾT (Nguồn: Thuvienhoasen)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites