Pages

28 September 2012

Thọ Bát Quan Trai - Nhìn Thấu Để Buông Xả

 "Trong cuộc sống quay cuồng thời công nghiệp hiện đại, nơi đầy dẫy những cám dỗ và xô bồ vật chất như hiện nay, để tạo ra một phương tiện giúp cho các Phật tử tu học hiệu quả là vô cùng khó và nan giải..."


Đây là chủ đề trọng yếu nhất mà BTC chùa Phật Huệ đã đặt ra cho Lễ Thọ Bát Quan Trai lần hai được tổ chức vào ngày 22-23.09.2012 vừa qua.

Tại sao người Phật tử lại phải nhìn thấu và buông xả? Nói khác đi: Người Phật tử phải nhìn thấu điều gì? Và những gì cần phải buông xả? Trong lễ Thọ Bát Quan Trai vào lúc 14:30 giờ ngày 22.09.2012 vừa qua, và xuyên suốt hai ngày tu học, TT Thích Từ Trí – Đại diện cho BTC chùa Phật Huệ đã có những thời pháp nhằm phân tích, lý giải và hướng dẫn cho các Phật tử về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nhìn thấu và buông xả đối với một hành giả tu hành theo pháp môn của Phật. 
 TT Thích Từ Trí khai thị và truyền giới cho các Phật tử trong lễ Thọ BQT 22-23.09.2012

Người Phật tử phải nhìn thấu điều gì? Nhìn thấu vạn vật, vũ trụ vốn không thường trụ, là biến đổi không ngừng; nhìn thấu cuộc đời là vô cùng ngắn ngủi, là vô thường – Vô thường như chính sinh mạng của mỗi chúng ta vậy.
Trong Kinh Vô Thường Đức Phật cũng đã nói về cái sự vô thường ấy:

Bề ngoài trang điểm đều hư hoại,
Trong thân biến đổi cũng vậy thôi.
Chỉ có thắng pháp thường chẳng mất,
Các người có trí hãy xét coi!
Đây già bệnh chết đều đáng chán,
Hình nghi xấu xí thật khó ưa
Tuổi trẻ dung nhan tạm thời đó,
Nào có lâu chi, đều héo khô.
Dẫu cho tuổi thọ trăm năm đủ,
Chẳng khỏi vô thường não bức thân.
Già bệnh chết, khổ thường theo đuổi.
Chẳng lợi gì cho thân chúng sanh. (Phật thuyết Vô Thường Kinh)
 Các Phật tử cung kính đảnh lễ sám hối và đón nhận Lễ Truyền Giới Bát Quan Trai


Nếu lấy vạn vật, vũ trụ làm đối xứng với con người thì sự thay đổi của vạn vật, vũ trụ và con người vốn không khác biệt (không hai), nói cụ thể hơn: Nó thay đổi và sanh-diệt không ngừng nghỉ. Nhưng hạnh phúc thay, trong sự thay đổi không ngừng đó, chúng sanh vẫn còn có một nơi chốn để mà nương vào: Thắng Pháp! Hai chữ Thắng Pháp của Phật không có nghĩa gì sâu xa hơn đó chính là Phật Tánh vốn thường trụ (có sẵn) trong mỗi chúng sanh. Nhưng làm thế nào để Phật tánh trong mỗi chúng sanh – trong mỗi chúng ta luôn luôn thường trụ? Không còn cách nào khác – Phật khuyến cáo: mỗi chúng sanh, mỗi chúng ta phải biết thắp sáng Trí Huệ Bát-Nhã – dùng Trí Huệ Bát-Nhã (vốn có sẵn trong mỗi chúng sanh) để quán chiếu vạn vật, vũ trụ, nhân sinh là đáng chán, là vô thường… 


 Các Chư Tăng hướng dẫn Phật tử thực nghiệm Pháp Niệm Phật Kinh Hành

 
Có lẽ không ít người trong chúng ta (có thể) hoặc đinh ninh nghĩ rằng: Chúng ta còn cả một tương lai trước mặt; còn cả mấy chục năm tuổi xuân; còn cả biết bao vọng ước…  Vậy thì vội vã gì mà tu-hành cho khổ? Cuộc đời có đúng như chúng ta thường nghĩ? Có được như chúng ta mong nguyện? Thực tế nó không hằng như vậy, trái lại, cuộc đời của mỗi chúng ta – mỗi chúng sanh trên thế gian này vốn vô cùng ngắn ngủi. Thủa còn tại thế, Đức Phật đã hỏi một vị Sa môn: "Sinh mạng của con người tồn tại bao lâu?". Vị Sa Môn đáp rằng: "Trong vài ngày". Phật nói: "Ông chưa hiểu đạo". Ðức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác: "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Ðáp: "Khoảng một bữa ăn". Phật nói: "Ông chưa hiểu đạo". Đức Phật lại hỏi một vị Sa môn khác nữa: "Sinh mạng con người tồn tại bao lâu?". Ðáp: "Khoảng một hơi thở". Phật khen: "Hay lắm! Ông là người hiểu Ðạo". (Kinh Tứ Thập Nhị Chương).

 

Có đúng mạng sống của chúng ta ngắn tới một hơi thở không? Lời Phật nói vốn không bao giờ sai trái. Đây cũng là điều mà các chư Tổ vốn luôn nhắc nhở người tu-hành: Một hơi thở ra mà không có hít vào là kể như kết thúc một sự sống.

Ý thức được sự sống ngắn ngủi như vậy, người Phật tử chúng ta phải làm gì? Đây là câu hỏi vô cùng lớn và quan trọng, bởi cái đích tối thượng của người Phật tử chân chính là giác ngộ và giải thoát. Nhưng làm sao để giác ngộ? Nói khác đi: Phương tiện nào để giúp người Phật tử có thể giác ngộ? Trong cuộc sống quay cuồng thời công nghiệp hiện đại, nơi đầy dẫy những cám dỗ và xô bồ vật chất như hiện nay, để tạo ra một phương tiện giúp cho các Phật tử tu học hiệu quả là vô cùng khó và nan giải. Chính vì thế trong hai ngày tu học lần này, TT Thích Từ Trí và BTC chùa Phật Huệ đã tập trung vào những điểm trọng yếu: Phương tiện nào có thể giúp người Phật tử đến được đích nhanh nhất? Phương tiện thì nhiều, nhưng hợp thời, hợp với con người của thế giới hiện đại, có lẽ chỉ còn pháp môn: Niệm Phật!


Ngẫu Ích Đại Sư từng nói: "Chân thật niệm Phật, buông bỏ thân tâm, thế giới xuống, chính là Ðại Bố Thí. Chân thật niệm Phật, chẳng khởi tham, sân, si nữa, chính là Ðại Trì Giới. Chân thật niệm Phật, chẳng quản thị phi, nhân ngã, chính là Ðại Nhẫn Nhục. Chân thật niệm Phật, chẳng mảy may gián đoạn, lai tạp, chính là Ðại Tinh Tấn. Chân thật niệm Phật, chẳng đuổi theo vọng tưởng nữa, chính là Ðại Thiền Ðịnh. Chân thật niệm Phật, chẳng bị lầm lạc bởi những trò ngoắt ngoéo của người khác, chính là Ðại Trí Huệ". (Trích Ngẫu Ích Đại Sự Pháp Ngữ).

Chính vì lẽ đó TT Thích Từ Trí đã hướng dẫn, giải nghĩa tường tận cho các Phật tử về công đức, lợi ích và những sự nhiệm màu của Pháp môn Niệm Phật, và cũng xuyên suốt những thời khoá tu học trong hai ngày 22-23.09.2012 vừa qua, các Phật tử đã được TT Thích Từ Trí và các Chư Tôn Đại Đức, Tăng Ni trong BTC chùa Phật Huệ hướng dẫn, thực nghiệm một khoá Cộng Tu Thực Hành Niệm Phật và Niệm Phật Kinh Hành.




Các Phật tử đã cùng nhau phát nguyện: Thực hành niệm Phật và niệm Phật kinh hành trong khoảng thời gian 12 tiếng.

Trước khi đi vào thực hành, TT Thích Từ Trí đã hướng dẫn cho các Phật tử phương pháp an trụ tâm bằng cách dùng chuỗi tràng hạt (108 hạt) để tập nhiếp tâm về một nơi. Tại sao lại cần nhiếp tâm về một nơi? TT Thích Từ Trí giải thích: Vì tâm chúng ta thường ngày đã quen sống với những vọng động, luyến ái phàm trần và chúng ta thấy những vọng động đó là hết sức bình thường. Nhưng chỉ khi nào chúng ta ngồi xuống, dùng phương pháp niệm Phật trong khoảng một thời khắc nào đó, lúc ấy chúng ta mới biết tâm mình đang lăng xăng, loạn động tới mức độ nào.

Trong suốt khoảng thời gian niệm Phật và niệm Phật kinh hành, các Phật tử đã cùng nhau niệm lớn Hồng Danh A Di Đà Phật. Việc niệm lớn Hồng Danh A Di Đà Phật của đại chúng cùng sự gia trì của các Chư Tăng Ni, sẽ giúp cho các Phật tử tránh được hôn trầm và có thể mau chóng thanh lọc (điều tâm) được những tạp niệm còn đang lăng xăng hoặc không ngừng dấy khởi trong tâm, tiến tới dần dần trụ tâm và định tâm.

Phương pháp niệm Phật tưởng như hoàn toàn đơn giản và dễ thực hành nhưng khi bắt tay vào thực hiện, và cùng nhau trải nghiệm, các Phật tử mới có cùng một cảm nhận: Niệm Phật thì dễ nhưng để có Phật thường trụ trong lòng (an trụ tâm – niệm Phật tới nhất tâm bất loạn) thì quả là vô cùng khó.

TT Thích Từ Trí đã khuyến nhủ: Cái khó không phải chúng ta (người Phật tử) không chịu niệm Phật, trái lại, khó ở chỗ chúng ta chưa chịu buông xả. Buông xả những gì? Buông xả thất tình (Hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si) và lục dục (sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp). Khi người Phật tử còn bị lệ thuộc, còn bị thất tình lục dục quyến rũ thì cái đích để đi đến sự giải thoát sẽ còn mãi mãi xa vời…

Trong buổi lễ Xả Giới vào lúc 14:30 giờ ngày 23.09.2012, TT Thích Trừ Trí còn có thêm một thời pháp để nhắn nhủ thêm đến các Phật tử. Thượng Toạ nhấn mạnh lý do tại sao trong khoảng thời gian những năm gần đây các tai nạn lớn về thiên nhiên thường xuyên xảy ra (động đất; sóng thần; núi lửa; chiến tranh…) dẫn đến những tan thương, chết chóc không thể tính đếm cho nhân loại? Thượng Toạ cũng giải thích thêm về lời cảnh báo đã được lan truyền trong thế gian về một ngày tận thế sắp tới (được dự đoán) sẽ xảy ra trong ba ngày 21-23.12.2012. Mọi sự đều không nằm ngoài quy luật nhân-quả. Thượng Toạ cũng đặt ra câu hỏi: Phải chăng đây cũng là lý do các Vị Tôn Túc khắp nơi trên thế giới, và Việt Nam, trong đó người tiên phong phải kể tới là Hoà Thượng Pháp Sư Tịnh không – Người được coi là linh hồn của Pháp môn niệm Phật của thế giới (còn gọi là Pháp môn Tịnh Độ) hiện giờ, đều chân thành, tha thiết, khuyến nhủ mọi người, mọi nhà niệm Phật. 
 
 TT Thích Thích Từ Trí làm Lễ Xả Giới cho các Phật tử chiều 23.09.2012

 Thượng Tọa còn cho biết thêm Ngài Sogyal Rinpoche một cao Tăng của Tây Tạng – Người nổi tiếng với cuốn sách: Tử Thư Tây Tạng (THE TIBETAN BOOK OF LIVING AND DYING) cũng đã phát một đại nguyện trong tháng 12 tới này sẽ tổ chức những ngày cộng tu để niệm Phật tại một đạo tràng thuộc Florida (USA). Tại đây mọi người sẽ cùng nhau trì niệm 100 triệu lần Hồng Danh A Di Đà Phật…

Một Đại nguyện lớn như vậy được đặt ra vào lúc này – những tháng cận kề kết thúc năm 2012 đáng để cho những người Phật tử chúng ta phải cân nhắc.

Để tránh cho các Phật tử lo lâu hay hiểu lầm ngoài mong muốn, trước giờ kết thúc khoá Tu học Bát Quan Trai, TT Thích Từ Trí đã cô đọng và nhấn mạnh giải thích: Người Phật tử không nói về cái chết, mà hãy nên hỏi: Những ngày còn lại, còn sống chúng ta sẽ làm gì cho chính mình và chúng sanh đồng loại? Khi xác định được minh bạch như vậy, dẫu cho có chuyện gì xảy ra chăng nữa, hoặc những chuyện như dự đoán, đồn đại không xảy ra, thì chúng ta – Những người Phật tử đang tu-hành theo pháp môn của Phật đã có được một số vốn không nhỏ cho hành trang tu-hành của chính mình.

Thượng Toạ cũng hy vọng sau buổi tu học, các Phật tử sẽ tự phát nguyện cho chính mình, rồi sắp xếp thời khoá tu hành tại gia cho thích hợp. Bởi người dám phát đại nguyện sẽ là người dám đối diện và sẽ dễ dàng vượt qua mọi hiểm nguy…


Hai ngày tu học quả là ngắn ngủi. Thời gian có lẽ chỉ đủ để cho các Phật tử gom góp thêm những giáo lý của Phật để củng cố thêm cho hành trang tu học Phật Pháp cho cá nhân và những người thân của mình.

Trong buổi đúc kết khoá tu học, TT Thích Từ Trí và BTC đã bày tỏ sự hoan hỉ trước tinh thần siêng năng tu học của các Phật tử đến từ khắp nơi trên nước Đức. TT Thích Từ Trí cũng gửi tới các Phật tử một thông điệp: Thời gian vốn không chờ đợi người tu hành. Trái lại người tu hành (các Phật tử)  phải biết trân quý những thời khắc còn lại của cuộc đời. 

 Phật tử Huệ Phú đại diện cho các Phật tử tạ lễ tri ơn Chư Tăng trong lễ Xả Giới BQT 22.09.12

Dẫu cho tuổi thọ trăm năm đủ,
Chẳng khỏi vô thường não bức thân.
Già bệnh chết, khổ thường theo đuổi.
Chẳng lợi gì cho thân chúng sanh.
Nhìn thấu để buông xả!
Lễ Thọ Bát Quan Trai đã hoàn mãn vào lúc 14:30 giờ ngày 23.09.2012.

Ghi nhận từ Lễ Thọ BQT: Thiện Lợi

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites