Pages

30 April 2012

Khóa Huân Tu Đại Bi tại chùa Phật Huệ


Huân Tu Đại Bi – Thực Hành Hỉ Xả


Có thể nói đây là một nhân duyên lớn dành cho chùa Phật Huệ và các Phật tử khi được đón tiếp Hòa Thượng Thích Minh Tâm - Chủ trì chùa Khánh Anh, chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Châu Âu đến từ Paris và cũng là người chủ giảng trong khóa Huân Tu Đại Bi được tổ chức vào ngày 10-11-03.2012 (tức ngày 18-19.02.2012 Âm lịch – nhân ngày Quán Thế Âm đản sanh) tại chùa Phật Huệ vừa qua.



Khung cảnh Phật tử cung nghênh Hòa Thượng Thích Minh Tâm trong lễ Khai mạc khóa Huân Tu Đại Bi


Khi nói tới Đại Bi, ai trong mỗi chúng ta luôn thường liên tưởng ngay tới hình ảnh của Quán Thế Âm Bồ Tát – một vị Bồ Tát – nói cho chính xác – một vị cổ Phật nhưng vì những hạnh nguyện vô cùng lớn lao, cao cả, vì tấm lòng đại từ, đại bi, xót thương chúng sanh đang sống trầm luân đau khổ, trong đọa lạc, mê mờ… mà Ngài đã nguyện làm Bồ Tát, trụ lại cõi Ta Bà này để Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn, nhằm cứu vớt tất thảy chúng sanh và giúp cho các chúng sanh ấy thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi để tiến đến bờ Chánh Giác… Chính vì thế Quán Thế Âm Bồ Tát và hiện thân của Ngài luôn luôn gắn liền trong cuộc sống tâm linh không chỉ của người dân Châu Á nói chung, mà hiện thân của Ngài – Mẹ Quán Âm luôn luôn gắn liền với bao sự trầm luân, chìm-nổi của người dân đất Việt trong suốt bao ngàn năm qua.

Khi nói tới Quán Thế Âm Bồ Tát mọi người thường nhớ ngay tới 12 Đại nguyện của Ngài. Trong bài Pháp khai mạc Khóa Huân Tu Đại Bi Hòa Thượng Thích Minh Tâm cũng đã dành hơn hai giờ đồng hồ để giải nghĩa cụ thể về 12 lời Đại Nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát, giúp cho các Phật tử hiểu trọn, rõ hơn về thân thế và những hạnh nguyện cao cả của Quán Thế Âm.


Khung cảnh buổi thuyết Pháp Khóa Huân Tu Đại Bi


1. Nam Mô hiệu Viên-Thông, danh Tự Tại, Quán-Âm Như Lai quảng-phát hoằng thệ nguyện.
2. Nam-mô nhứt niệm tâm vô quái ngại, Quán-Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện.
3. Nam-mô trú Ta-Bà U-Minh giới Quán Âm Như-Lai tầm thanh cứu khổ Nguyện
4. Nam-mô hàng tà ma, trừ yêu quái Quán Âm Như-Lai năng trừ nguy hiểm nguyện.
5. Nam-mô thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quán Âm Như-Lai cam-lộ sái tâm nguyện.
6. Nam-mô Đại-Từ bi năng hỉ xả, Quán Âm Như-Lai thường hành bình đẳng nguyện.
7. Nam-mô trú dạ tuần vô tổn hoại, Quán Âm Như-Lai thệ diệt tam đồ nguyện.
8. Nam-mô vọng Nam nham cần lễ bái, Quán Âm Như-Lai, già tỏa giải thoát nguyện.
9. Nam-mô tạo pháp-thuyền du khổ hải, Quán Âm Như-Lai độ tận chúng sanh nguyện.
10. Nam-mô tiền tràng phan, hậu bảo cái, Quán Âm Như-Lai tiếp dẫn Tây Phương nguyện.
11. Nam-mô Vô Lượng Thọ Phật cảnh giới, Quán Âm Như-Lai Di Đà thọ ký nguyện.
12. Nam-mô đoan nghiêm thân vô tỉ tái, Quán Âm Như-Lai quả tu thập nhị nguyện. Một trong 12 Hạnh Nguyện được Hòa Thượng Thích Minh Tâm nhấn mạnh và lấy làm trọng tâm trong Khóa Huân Tu Đại Bi là hạnh nguyện thứ 6 của Quán Thế Âm Bồ Tát:

Nam-mô Đại-Từ bi năng hỉ xả, Quán Âm Như-Lai thường hành bình đẳng nguyện.




Hòa Thượng Thích Minh Tâm đang thuyết Pháp trong Khóa Huân Tu Đại Bi


Tại sao người Phật tử phải luôn luôn phát nguyện lòng Từ bi và phải luôn luôn thực hành Hỉ xả? Như thế nào mới được gọi là Từ Bi? Từ bi với những ai? Như thế nào mới được gọi (được coi) là Hỉ xả và Hỉ xả với những ai? Bốn ý nhỏ này đã được Hòa Thượng Thích Minh Tâm dùng những dẫn chứng cụ thể và giáo lý của Đức Phật để minh họa, cắt nghĩa, giúp cho các Phật tử có mặt trong Khóa Huân Tu Đại Bi hiểu thật minh bạch hơn về ý nghĩa chân diệu, cao quí về cụm từ Đại Từ Bi Năng Hỉ Xả – Đó cũng là ý nghĩa cao quý và chân diệu trong Hạnh nguyện thứ 6 của Quán Thế Âm Bồ Tát. Đây cũng là những chủ đề mà Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã gợi ý cho các Phật tử nên đem ra cùng bàn thảo, trao đổi thật kỹ trong buổi Pháp đàm vào tối ngày 10.03.2012.


Khung cảnh buổi thuyết pháp nhìn từ Chánh Điện bên phải


Trong các Khóa Tu học Phật Pháp tại chùa Phật Huệ, ngoài những giờ các Phật tử được nghe Pháp, những buổi Pháp đàm được Ban tổ chức luôn đặt làm trọng tâm, bởi Pháp đàm chính là nơi, là cơ hội để các Phật tử bộc bạch tất cả những ưu tư, khúc mắc, vướng kẹt, những cản trở… trong quá trình tu hành của mình. Thông qua những điều đó Ban tổ chức sẽ có được những tổng hợp, những nhìn nhận chính xác về khả năng tu học của các Phật tử, từ đó mà có những điều chỉnh cụ thể, sát sao hơn trong việc bồi dưỡng và nâng cao kiến thức Phật học, giúp cho các Phật tử ngày một tin tưởng, dũng mãnh hơn trên con đường tu học Phật Pháp của mình.


Khung cảnh buổi thuyết pháp nhìn từ Chánh Điện bên trái


Trong buổi Pháp đàm tối ngày 10.03.2012 với phong cách trò chuyện mộc mạc, thân mật và cởi mở nhưng không kém phần dí dỏm, Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã giúp các Phật tử xua tan bầu không khí căng thẳng thường có trong các buổi Pháp đàm, thế vào đó là một không gian ấm cúng, hòa đồng, không còn khoảng cách giữa người thuyết pháp và người được truyền pháp, từ đó giúp cho các Phật tử tự tin hơn khi chia sẻ những quan điểm, khúc mắc của chính mình.


Từ bên phải: Hoà Thượng Thích Minh Tâm - Thượng Toạ Thích Từ Trí - Ni Sư Quảng Từ trong buổi Pháp đàm


Một số ưu tư của các Phật tử trong việc giữ Giới; Sự lợi hại và ý nghĩa của việc Ăn chay; Quy y Tam Bảo có ý nghĩa gì? Tại sao còn nhiều người chưa dám, lo ngại, hoặc tránh né việc Quy Y Tam Bảo? Môi trường và hoàn cảnh nào người Phật tử nên (được phép) nghe, hoặc trì tụng Kinh, Chú? Ý nghĩa cao cả của việc Xuất Gia; Làm thế nào để các Phật tử nhận diện rõ tầm quan trọng của Nhân quả…v.v.

Tất cả những ưu tư mà các Phật tử nêu ra trong buổi Pháp đàm ngày 10-11.03.2012 vừa qua đã được Hòa Thượng Thích Minh Tâm và Thượng Tọa Thích Từ Trí dùng những giáo lý của Phật; những tích truyện và những sử lược thời Phật còn tại thế để minh họa, hoặc lấy đó làm phương tiện giúp cho các Phật tử cùng nhau đối chiếu, so sánh, nhìn nhận để tự rút ra những bài học, kinh nghiệm tu hành hữu ích cho bản thân và gia đình mình…

Trong buổi tổng kết Khóa Huân Tu Đại Bi lần này, Thượng Tọa Thích Từ Trí cùng các Chư Tăng Ni, Đại Đức chùa Phật Huệ đều tỏ lòng hoan hỉ khi thấy các Phật tử đến chùa tham dự các khóa tu học ngày một thêm đông đảo hơn. Hòa Thượng Thích Từ Trí cũng biểu lộ lòng khen ngợi về tinh thần tu học của các Phật tử trong hai ngày tu học vừa qua. Điều đó chứng tỏ được tầm quan trọng của Đạo Phật trong cuộc sống tâm linh của người Phật tử nói riêng và những người quan tâm đến Chánh Pháp và giáo lý của Phật nói chung. Khóa Huân Tu Đại Bi đã khép lại vào lúc 14:30 giờ ngày 11.03.2012. Các Phật tử dường như đều chung nghĩ: Hai ngày tu học – một khoảng thời gian tương đối để mọi người cùng chia sẻ, học hỏi và cùng nhau tháo gỡ những khúc mắc nội tâm… nhưng đến giờ chia tay, có những khúc mắc dường như chưa được hoàn toàn tháo gỡ. Nhưng đó không phải là dấu hiệu của sự bại-thành, trái lại đó chính là một động lực thúc đẩy các Phật tử dũng mãnh và tinh tấn hơn nữa trên bước đường tu học của chính mình.

Huân Tu Đại Bi – Thực Hành Hỉ Xả! Đó chính là đại nguyện cao quí nhất của Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài là hiện thân của người Mẹ - Người luôn dõi theo những bước chân lầm lỡ của những người con và luôn sẵn sàng nâng đỡ, trở che… giúp cho những người con bước vào con đường Chánh Giác.

Mùa Huân Tu Đại Bi 03.2012
Lược ghi: Thiện Lợi


0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites