Pages

05 December 2016

SANH THIÊN HẾT PHƯỚC VẪN CÓ THỂ ĐOẠ TAM ÁC ĐẠO

Một là vòng hoa trên đầu bị héo. Hai là y phục bụi bẩn. Ba là nách đổ mồ hôi. Bốn là không vui chỗ ngồi của mình. Năm là ngọc nữ phản bội. Nay cung điện bảy báu này sẽ mất hết. Năm trăm ngọc nữ cũng sẽ tan tác như sao. Món cam lộ mà tôi ăn không còn mùi vị.”
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại khu Ca-lan-đà, Trúc viên, thành La-duyệt, cùng chúng năm trăm Tỳ-kheo. 
Bấy giờ, trên trời Tam thập Tam [677c01] có một thiên tử từ thân hình xuất hiện năm điềm báo hiệu sắp chết. Những gì là năm? Một là vòng hoa trên đầu bị héo. Hai là y phục bụi bẩn. Ba là nách đổ mồ hôi. Bốn là không vui chỗ ngồi của mình. Năm là ngọc nữ phản bội. Thiên tử ấy buồn rầu khổ não, đấm ngực than thở. Nghe vị thiên ấy buồn rầu khổ não, đấm ngực than thở, Thích Đề-hoàn Nhân liền sai một thiên tử đến chỗ ấy xem, âm thanh gì mà từ đó vang đến đây.
Thiên tử ấy trả lời: “Thiên tử nên biết, hôm nay có một thiên tử sắp mạng chung, có năm điềm báo hiệu sắp chết. Một là vòng hoa trên đầu bị héo. Hai là y phục bụi bẩn. Ba là nách đổ mồ hôi. Bốn là không vui chỗ ngồi của mình. Năm là ngọc nữ phản bội. 
Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ vị thiên sắp lâm chung, nói với vị ấy rằng: 
“Vì sao hôm nay ông buồn rầu khổ não đến như vậy?”
Thiên tử đáp: “Thưa Tôn giả Nhân-đề, làm sao không buồn rầu khổ não được khi tôi sắp chết rồi. Có năm điềm báo hiệu sắp chết. Một là vòng hoa trên đầu bị héo. Hai là y phục bụi bẩn. Ba là nách đổ mồ hôi. Bốn là không vui chỗ ngồi của mình. Năm là ngọc nữ phản bội. Nay cung điện bảy báu này sẽ mất hết. Năm trăm ngọc nữ cũng sẽ tan tác như sao. Món cam lộ mà tôi ăn không còn mùi vị.”
Đề-hoàn Nhân nói với thiên tử ấy:
“Ông há không nghe Như Lai nói kệ sao?
Các hành là vô thường
Có sinh ắt có chết.
Không sinh thì không chết. 
Diệt này là vui nhất.
“Vì sao nay ông buồn lo đến như vậy? Tất cả hành là vật vô thường, muốn cho có thường thì điều này không thể.”
Thiên tử đáp: 
“Thế nào, Thiên đế, tôi không sầu ưu sao được? Nay tôi mang thân trời thanh tịnh không vết nhơ, ánh sáng như mặt trời mặt trăng chiếu khắp mọi nơi, mà bỏ thân này rồi, sẽ sanh vào bụng heo trong thành La-duyệt, sống thường ăn phân, chết thì bị dao mổ xẻ.”
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân bảo thiên tử kia: 
“Nay ông nên tự quy y Phật, Pháp, chúng Tăng. Có thể khi ấy không đọa vào ba đường dữ.”
Thiên tử đáp: 
“Há quy y Tam bảo mà không đọa vào ba đường dữ sao?”
Thích Đề-hoàn Nhân nói: 
“Thật vậy, Thiên tử. Ai quy y Tam tôn, không bao giờ rơi vào ba đường dữ.”
Như Lai cũng nói kệ này:
[678a01]Những ai quy y Phật
Không đọa ba đường dữ.
Lậu tận, nơi trời người, 
Rồi sẽ đến Niết bàn.
Thiên tử kia hỏi Thích Đề-hoàn Nhân: 
“Nay Như Lai đang ở đâu?”
Thích Đề-hoàn Nhân nói: 
“Như Lai hiện đang ở tại Ca-lan-đà, trong Trúc viên, thành La-duyệt, nước Ma-kiệt-đà cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo.” 
Thiên tử nói: 
“Nay tôi không còn đủ sức đến đó hầu thăm Như Lai nữa.”
Thích Đề-hoàn Nhân bảo
“Thiên tử nên biết, hãy quỳ gối phải sát đất, chấp tay hướng về phương dưới mà nói rằng: ‘Cúi xin Thế Tôn xem xét đến cho. Nay con sắp cùng đường. Xin thương xót cho. Nay con tự quy y Tam tôn, Như Lai Vô sở trước.’”
Bấy giờ, Thiên tử kia theo lời Thích Đề-hoàn Nhân, quỳ xuống, hướng xuống phương dưới, tự xưng tên họ, tự quy y Phật, Pháp, Tăng, nguyện suốt đời làm người Phật tử chơn chánh, chẳng màng thiên tử. Cho đến ba lần nói những lời này. Như vậy rồi, không còn đọa vào thai heo, mà sẽ sanh vào nhà trưởng giả.
Thiên tử kia sau khi thấy nhân duyên này rồi, quay về Thích Đề-hoàn Nhân mà nói kệ này:
Duyên lành chẳng phải dữ, 
Vì pháp chẳng vì của.
Dẫn dắt theo đường chánh 
Điều này Thế Tôn khen.
Nhờ Ngài không đọa ác, 
Thai heo, nhân thật khó.
Sẽ sanh nhà trưởng giả
Nhờ đó sẽ gặp Phật.
Khi ấy, Thiên tử tùy theo tuổi thọ ngắn dài, sau đó sinh vào nhà trưởng giả trong thành La-duyệt. Lúc đó, vợ trưởng giả tự biết mình có thai, gần đủ mười tháng, sanh ra một nam nhi, xinh đẹp vô song, hiếm có trên đời. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân khi đã biết cậu bé vừa lên mười tuổi, nhiều lần đến bảo:
“Ngươi hãy nhớ lại nhân duyên đã làm trước kia, tự nói rằng: ‘Tôi sẽ nhờ đó thấy Phật.’ Nay thật đã đúng lúc. Nên gặp Thế Tôn. Nếu không đến, sau tất sẽ hối hận.”
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến giờ đắp y mang bát vào thành La-duyệt khất thực, dần dần đến nhà trưởng giả kia, đứng yên lặng ngoài cửa.
Khi con trưởng giả thấy Xá-lợi-phất đắp y mang bát dung mạo khác thường, liền đến trước Xá-lợi-phất thưa rằng: 
“Ngài là ai? [678b01] Đệ tử của ai? Đang hành pháp gì?”
Xá-lợi-phất nói: 
“Thầy ta xuất thân dòng họ Thích, ở trong đó mà xuất gia học đạo. Thầy được gọi là Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác. Ta thường theo vị ấy thọ pháp.”
Khi ấy, cậu bé liền hướng về Xá-lợi-phất mà nói kệ này:
Tôn giả nay đứng im, 
Ôm bát, tướng mạo nghiêm;
Nay muốn xin những gì? 
Cùng đứng với ai đó?
Xá-lợi-phất dùng kệ đáp lại:
Nay ta không xin của; 
Cũng chẳng xin cơm áo.
Vì cậu nên đến đây.
Xét kỹ, nghe ta nói! 
Nhớ lời xưa cậu nói,
Lúc phát thệ trên trời:
‘Cõi người sẽ gặp Phật.’
Nên đến báo cùng cậu. 
Khó gặp Phật ra đời. 
Nghe Pháp thuyết cũng vậy.
Thân người khó thể được;
Giống như hoa ưu đàm.
Cậu hãy đi theo tôi, 
Cùng đến hầu Như Lai.
Phật sẽ nói cho cậu 
Đường chính đến cõi lành.
Sau khi nghe Xá-lợi-phất nói, cậu liền đi đến chỗ cha mẹ, lạy sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, con trưởng giả bạch cha mẹ rằng: 
“Cúi xin cha mẹ cho phép con đến chỗ Thế Tôn thừa sự, đảnh lễ, thăm hỏi sức khỏe.”
Cha mẹ đáp: 
“Nay là lúc thích hợp.” 
Khi ấy, con trưởng giả sắm sửa hương hoa cùng một tấm giạ trắng tốt, rồi theo Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên.
Lúc ấy, Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn
“Đây là con trưởng giả đang sống trong thành La-duyệt này, không biết đến Tam bảo. Cúi xin Thế Tôn khéo vì cậu mà thuyết pháp khiến được độ thoát.”
Khi ấy, con trưởng giả thấy Thế Tôn uy dung đoan chánh, các căn tịch tịnh, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp hiển hiện ngoài thân, cũng như núi Tu di vương; mặt như mặt trời, mặt trăng, nhìn mãi không chán, liền đến trước lễ sát chân, rồi đứng qua một bên.
Rồi con trưởng giả rải hương hoa lên thân Như Lai, lại đem tấm giạ trắng mới dâng cho Như Lai, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một phía.
Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp cho cậu. Ngài nói các đề tài về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là bất tịnh, là hữu lậu, là tai hoạ lớn, xuất gia là thiết yếu. Khi Thế Tôn biết [678c01] cậu bé đã tâm mở ý thông, như pháp thường mà chư Phật Thế Tôn nói, là khổ, tập, diệt, đạo; bấy giờ, Thế Tôn cũng vì con trưởng giả kia mà nói hết. Lúc đó, ngay trên chỗ ngồi, con trưởng giả dứt sạch trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh, không còn trần cấu
Bấy giờ, con trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn
“Cúi xin Thế Tôn cho phép con được xuất gia làm Sa-môn.”
Thế Tôn bảo: 
“Phàm người làm đạo, chưa từ biệt cha mẹ thì không được làm Sa-môn.”
Lúc ấy, con trưởng giả bạch Thế Tôn
“Con sẽ xin cha mẹ cho phép.”
Thế Tôn bảo: 
“Nay là lúc thích hợp.”
Bấy giờ, con trưởng giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân lui đi. Trở về đến nhà, cậu thưa với cha mẹ rằng: 
“Cúi xin cho phép con được làm Sa-môn!”
Cha mẹ đáp: 
“Hiện tại chúng ta chỉ có một mình con. Trong nhà sinh nghiệp lại nhiều tiền của. Hành pháp Sa-môn thật là không dễ!”
Con trưởng giả thưa: 
“Như Lai xuất thế ức kiếp mới có, thật không thể gặp. Thật lâu mới xuất hiện. Như hoa ưu-đàm-bát, thật lâu mới có; cũng vậy, Như Lai ức kiếp mới xuất hiện.”
Lúc này, cha mẹ của con trưởng giả cùng than thở nhau nói rằng: 
“Nay đã đúng lúc, con cứ tùy nghi.”
Lúc ấy, con trưởng giả lạy sát chân, rồi từ biệt ra đi. Đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, con trưởng giả kia bạch Thế Tôn:
“Cha mẹ con đã cho phép. Cúi xin Thế Tôn cho phép con hành đạo.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất: 
“Ông hãy độ con trưởng giả này cho làm Sa-môn.”
Xá-lợi-phất đáp: 
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Xá-lợi-phất vâng theo lời Phật dạy, độ cho cậu bé làm Sa-di, hằng ngày dạy dỗ. Sa-di kia ở tại nơi vắng vẻ, tự khắc phục, tu tập, vì mục đích mà thiện gia nam tử xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, tu phạm hạnh vô thượng, là vì muốn được lìa khổ. Lúc ấy, Sa-di thành A-la-hán. Rồi đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn
“Nay con đã thấy Phật, nghe pháp, không có nghi ngờ gì nữa.”
Thế Tôn bảo: 
“Nay ông như thế nào là thấy Phật, nghe Pháp, không có nghi ngờ gì nữa?”
Sa-di bạch Phật
“Sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ là vô ngã. Vô ngã tức là không. Không là chẳng phải có, chẳng phải không có, cũng không có ngã. Như vậy là điều được [679a01] người trí giác tri. Thọ*, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ là vô ngã. Vô ngã tức là không. Không là chẳng phải có, chẳng phải không có, cũng không có ngã. Như vậy là điều được người trí giác tri. Năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, không, vô ngã, chẳng phải có, nhiều điều khổ não, không thể chữa trị, thường ở chỗ hôi hám, không thể giữ lâu, tất quán không có ngã. Hôm nay, con quan sát Pháp này, liền thấy Như Lai.”
Thế Tôn bảo: 
“Lành thay, lành thay Sa-di! Ta tức thì cho phép ông làm Sa-môn đó.”
Sa-di kia sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
 
(Kinh Tăng Nhất A Hàm)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites