Pages

13 August 2016

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI (QUYỂN 1) - PHẦN 10

Khi quý vị thấy được rằng tất cả núi sông đất liền đều lưu xuất từ tự tánh của mình: thấy được rằng ba cõi chỉ là biểu hiện của tâm, thấy được rằng vạn pháp chỉ là biến hiện của thức





HT Tuyên Hoá Giảng

Kinh văn:
阿難:如來現今徵心所在,而我以心推窮尋逐即能推者,我將為心。 佛言: ,阿難.此非汝心。
A-nan ngôn: Như Lai hiện kim trưng tâm sở tại, nhi ngã dĩ tâm suy cùng tầm trục. Tức năng suy giả, ngã tương vi tâm. Phật ngôn: Đốt, A-nan. Thử phi nhữ tâm.
Việt dịch:
A-nan thưa:
– Đức Phật gạn hỏi tâm ở chỗ nào, nay con dùng tâm suy xét cùng tột để tìm kiếm. Con cho rằng chính cái biết suy nghĩ tìm kiếm ấy là tâm con.
Đức Phật bảo:
Sai rồi A-nan, đó chẳng phải là tâm ông.
Giảng:
A-nan thưa:
– Đức Phật gạn hỏi tâm ở chỗ nào.
Bạch Thế tôn, Ngài gạn hỏi tâm con ở nơi nào, nay con dùng tâm suy xét cùng tột để tìm kiếm. A-nan tìm kiếm tâm mình “Con đã tìm kiếm mọi nơi, khắp mọi chốn, đem hết sức cùng lực kiệt ra tìm kiếm. Con đã truy tìm ra tâm con."
Con cho rằng chính cái biết suy nghĩ tìm kiếm ấy chính là tâm con.
Con có khả năng suy nghĩ, tìm kiếm mọi vật, thế nghĩa là có một cái tâm. Thế nên cái năng lực truy tìm mọi vật có lẽ là tâm của con.
A-nan nói “cho rằng” có nghĩa là chưa tin chắc là đúng. Nhưng A-nan nghĩ rằng những gì Ngài nói cũng có được chút ít đạo lý và A-nan tin tưởng mình sẽ thành công trong việc tìm kiếm tâm. Lát sau A-nan mới biết mình bị Đức Phật quở trách.
Đức Phật bảo:
Sai rồi! A-nan!
Đây cũng chính là lời mà Đức Phật dùng để quở trách ông A-nậu-lâu-đà.[1]
“Không được rồi! Không được rồi! Sao ông lại ngủ?.”
Đức Phật quở trách ông và kết quả của lời trách mắng ấy là A-nậu-lâu-đà không ngủ suốt một tuần lễ, mắt ông phải bị mù. Với sự trợ lực của Đức Phật, ông đạt được thiên nhãn.
Ở đây, Đức Phật cũng dùng những lời tương tự để trả lời A-nan . Đức Phật không nói A-nan là đúng hay sai, Ngài chỉ dùng lời như vậy để quở trách A-nan . Tại sao Đức Phật quở trách A-nan? Vì câu trả lời của A-nan là một sai lầm nghiêm trọng, nó hoàn toàn sai. Trước đây, A-nan đã khăng khăng nhận thức tâm phân biệt làm chơn tâm, đó đã là một sai lầm rồi. Nay A-nan vẫn chưa nhận ra. Đôi lúc có người tỉnh ngộ khi họ thấy một điều gì trong lúc tâm họ đang hoàn toàn tập trung cao độ. A-nan đã hết sức chú tâm trong khi thưa hỏi Đức Phật, và ngay lúc đó, Đức Phật chỉ cho A-nan thấy nắm tay sáng chói với hy vọng A-nan sẽ nhận ra rằng chính nhờ và tánh thấy mà nhận ra được chơn tâm. Nhưng A-nan đã khiến cho Đức Phật thất vọng một lần nữa, khi nói rằng nhờ vào tâm và mắt mà thấy được. Đức Phật tiếp tục hướng dẫn A-nan bằng cách chỉ dạy: “Được rồi, đúng là mắt có thể thấy được, nhưng ông cho cái gì là tâm?” Lại một lần nữa A-nan nói rằng cái biết suy nghĩ tìm kiếm là tâm. Nhưng thực ra đó chỉ là thức tâm phân biệt.
Thế nên Đức Phật dùng âm thanh để dẫn dắt A-nan đến chỗ ngộ đạo thông qua tánh nghe. Đức Phật gọi lớn: “Sai rồi!” bằng âm điệu rất nghiêm khắc, Ngài dùng oai đức để giúp cho A-nan được giác ngộ khi nghe được âm thanh này. Nhưng A-nan đã bị trượt xuống dốc mê mờ quá sâu dày. A-nan chỉ biết có tri kiến mà hoàn toàn thờ ơ với việc tu tập định lực. Đức Phật đã dành nhiều công sức để khai thị cho A-nan , nhưng A-nan vẫn chưa nhận ra được. Khi Đức Phật biết được điều này, Đức Phật đã dùng tâm từ bi để hướng dẫn A-nan bằng cách giảng giải rất từ tốn: A-nan, đây chẳng phải là tâm ông.
Kinh văn:
阿難矍然,避座合掌.起立白佛: 此非我心,當名何等?
A-nan quắc[2] nhiên, tị tọa hợp chưởng, khởi lập bạch Phật: Thử phi ngã tâm, đương danh hà đẳng?
Việt dịch:
A-nan giật mình, rời chỗ ngồi, đứng dậy chắp
 tay bạch Phật:
– Đó chẳng phải là tâm của con, vậy thì nó là gì?
Giảng:
A-nan quá sững sốt đến nỗi bật đứng dậy. Kinh ngạc và lo lắng, A-nan đứng dậy để tránh khỏi phạm lỗi bất kính khi bạch với Đức Phật:
A-nan giật mình, rời chỗ ngồi, chắp tay đứng dậy bạch Phật:
– Cái ấy chẳng phải là tâm con, vậy thì nó là gì?
Nếu cái biết suy nghĩ tìm kiếm ấy chẳng phải là tâm thì Thế tôn gọi nó là gì? A-nan không còn biết phải làm gì nữa. Bỗng nhiên như người mất hồn.
Kinh văn:
佛告阿難,是前塵,虛妄相想,惑汝真性。由汝無始至今生,認賊為子,失汝元常,故受輪轉
Phật cáo A-nan, thử thị tiền trần, hư vọng tướng tưởng, hoặc nhữ chân tánh. Do nhữ vô thỉ, chí ư kim sanh, nhận tặc vi tử, thất nhữ nguyên thường, cố thọ luân chuyển.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan
– Đó là sự tưởng tượng những tướng giả dối của tiền trần, nó làm mê mờ chân tánh của ông. Do từ vô thỉ đến nay, ông nhận giặc này làm con, bỏ mất tánh nguyên thường nên phải chịu luân hồ̀i.
Giảng:
Đoạn kinh văn này không những chỉ giải thích riêng cho vấn nạn của A-nan mà còn cho cả tôi, cho quý vị và cho tất cả mọi người khác. Mọi người nên biết rằng từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã nhận giặc làm con, chúng ta đã bị che mờ bản tánh, tánh giác không hiển bày được nên bị luân hồi trong sinh tử.
Đức Phật bảo A-nan
A-nan, đừng lo lắng, đừng bối rối. Ông vừa hỏi cái khả năng hay biết, suy xét của ông gọi là gì phải không? Nay Như Lai sẽ chỉ dạy chi tiết rõ ràng cho ông.”
– Đó là sự tưởng tượng những tướng giả dối của tiền trần.
 “Giả dối” có nghĩa là không thật. Cái tâm hay suy xét ấy không phải là tự tánh của ông, chẳng phải là chơn tâm của ông. Nó chỉ là một dạng rất vi tế của vọng tưởng tạo nên sự phân biệt.
Bóng dáng của tiền trần. Nó làm mê mờ chân tánh của ông. Do từ vô thỉ cho đến nay, ông nhận tên giặc này làm con.
Ông đã nhận lầm tướng hư vọng của tiền trần làm con mình, thế nên bỏ mất tánh nguyên thường. Ông đánh mất toàn bộ viên ngọc quý của mình, đánh mất toàn bộ gia sản, đánh mất tâm bản nguyên, đánh mất thường trụ chơn tâm.
Ý nghĩa đoạn kinh văn này cũng giống như đoạn trên. Thực ra không phải quý vị đánh mất bản tâm; mà chỉ là dường như đánh mất. Điều này khiến cho quý vị phải chịu luân hồi.
Bởi vì quý vị không nhận ra của báu trong nhà mình, không biết cách sử dụng của báu ấy, thế nên quý vị mãi bị chìm nổi trôi lăn trong vòng sống chết. Vòng sinh tử ấy xoay chuyển quý vị, khiến quý vị không thể nào vượt qua được. Đó là lý do tại sao quý vị hiện hữu nơi thế gian, đời này, đời sau rồi đời này nối tiếp đời khác, xoay vần bất tận, chợt chìm chợt nổi, chợt cao, chợt thấp. Có khi quý vị sinh ra trong cõi trời, có khi rơi xuống cõi nhân gian. Nên có bài kệ:
Xuất mã phúc, nhập lư thai
Diêm vương điện thượng kỷ độ hồi
Thủy tùng Ngọc đế điện tiền quá
Hựu đáo Diêm quân oa lý lai.
Nghĩa là:
Ra khỏi bụng ngựa, lại vào thai lừa
Biết bao lần lui tới chỗ Diêm vương
Vừa mới theo nhau qua trước điện Ngọc hoàng
Lại thấy vào trong chảo dầu của Diêm vương.
Đôi khi quý vị trở thành ngựa, lúc khác lại làm lừa. Quý vị lê gót qua lại trước điện Diêm vương không biết bao nhiêu lần. Quý vị cũng giống như Tôn-đà-la Nan-đà, người mà Đức Phật đã đưa thăm cung trời, nói rằng nếu ông ta chịu tu hành, ông ta sẽ được hưởng phước báo tái sinh ở đó, với năm trăm thiên nữ hầu hạ. Tôn-đà-la Nan-đà canh cánh bên lòng niềm hỷ lạc ấy. Nhưng ông ta quên mất cái chảo dầu của Diêm vương, vì một khi hưởng phước báu ở cõi trời hết thì ông sẽ rơi xuống địa ngục, nơi ông sẽ bị nấu trong chảo dầu sôi. Con đường luân hồi rất là nguy hiểm. Một khi quý vị đã bắt đầu luân chuyển trong ấy, nếu quý vị có chút ít cẩn trọng, quý vị sẽ chấm dứt việc đi vào con đường dữ; còn nếu khi quý vị đã đặt chân vào nẻo ác rồi thì khó mà trở lui được nữa. Thế nên bây giờ khi quý vị đã được sinh ở cõi người rồi, quý vị phải mau mau giác ngộ. Đừng tiếp tục như A-nan mãi nhận giặc làm con.
Kinh văn:
阿難白佛言世尊我佛寵弟。心愛佛故令我出家。我心何獨供養如來,乃至遍歷恒沙,承事諸佛,及善知識發大勇猛,行諸一切難行法事,皆用此心。縱令謗法,永退善根,因此心。若此發明不是心者,我乃無心,同諸土木,離此覺知更無所有。云何如來說此? 我實驚怖,兼此大眾,無不疑惑。唯垂大悲,開示未悟.
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn, ngã Phật sủng đệ, tâm ái Phật cố, linh ngã xuất gia. Ngã tâm hà độc cúng dường Như lai, nãi chí biến lịch, hằng-sa quốc độ, thừa sự chư Phật, cập thiện tri thức, phát đại dõng mãnh, hành chư nhất thiết nan hành pháp sự, giai dụng thử tâm. Túng linh báng pháp vĩnh thối thiện căn, diệc nhân thử tâm. Nhược thử phát minh bất thị tâm giả, ngã nãi vô tâm, đồng chư thổ mộc, ly thử giác tri cánh vô sở hữu. Vân hà Như lai, thuyết thử phi tâm? Ngã thật kinh bố, kiêm thử đại chúng, vô bất nghi hoặc. Duy thùy đại bi, khai thị vị ngộ.
Việt dịch:
A-nan bạch Phật:
–Bạch Đức Thế tôn, con là em của Phật, vì tâm kính yêu Phật nên con xuất gia. Tâm con chẳng những cúng dường Như Lai mà còn trải qua nhiều quốc độ như cát sông Hằng, thừa sự chư Phật và thiện tri thức; phát tâm đại dõng mãnh, làm tất cả những pháp sự khó làm, là đều vận dụng tâm này. dù con có hủy báng phật pháp, rời bỏ thiện căn, cũng do tâm này.
Nay Đức Phật chỉ rõ cái ấy không phải là tâm, thì con thành ra không có tâm, như gỗ như đá, vì ngoài cái hay biết ấy ra, con chẳng còn gì khác nữa. Sao Như Lai lại bảo cái ấy chẳng phải là tâm? Con thật kinh sợ và trong đại chúng ai cũng nghi hoặc. Cúi xin Đức Phật rủ lòng từ bi chỉ dạy cho những người chưa được giác ngộ.
Giảng:
Sau khi nghe Đức Phật giảng giải A-nan vẫn không hiểu, vẫn muốn tranh luận từng chi tiết.
A-nan bạch Phật:
– Con là em của Phật.
A-nan nói rằng: “Con là người em họ nhỏ nhất và được Đức Phật cưng chìu yêu thương nhất. Khi con đứng bên cạnh Đức Phật, con giống như đứa trẻ thơ. Chữ “cưng chìu” có nghĩa là Đức Phật để cho A-nan tự ý mặc tình sống theo cách của mình. A-nan không cố gắng kiềm chế chính mình, muốn làm gì tùy ý.
Vì tâm kính yêu Phật nên con xuất gia.
A-nan nói rằng chính do tâm ông yêu thích ba mươi hai tướng đẹp của Đức Phật. Khuôn mặt của Đức Phật giống như vầng trăng tròn sáng và giống như ngàn mặt trời chiếu sáng. Ba mươi hai tướng tốt của Đức Phật là tuyệt hảo. “Thế nên khi Đức Phật khuyên con xuất gia, con liền đồng ý, vì con yêu mến đức tính trang nghiêm và ba mươi hai tướng đẹp của Đức Phật.” A-nan đã quên bẵng nhân duyên khiến cho mình xuất gia là do A-nan thấy ba mươi hai tướng tốt của Đức Phật.
Tâm con chẳng những cúng dường Như Lai.
Tâm của con không những chỉ cúng dường Thế Tôn, mà còn trải qua nhiều quốc độ như cát sông Hằng thừa sự chư Phật và Thiện tri thức.
Khi A-nan nói “thừa sự” có nghĩa là “con đã từng đến để phụng sự toàn thể chư Phật, cúng dường chư Phật, cung kính đảnh lễ chư Phật, và con cũng đã từng làm như thế đối với vô số chư vị Thiện tri thức.
Phát tâm đại dõng mãnh, làm tất cả những pháp sự khó làm, là đều vận dụng tâm này.
Con làm tất cả mọi việc mà mọi người khác không thể làm được. Mọi người thường sợ khổ, nhưng con không hề sợ khổ. Con phụng thờ chư Phật và quan tâm đến những việc mà chư Phật cần đến. Con nhẫn chịu những việc mà người khác không thể thực hành và kham nhẫn. Tất cả những điều mà con làm được ấy đều là do ở tâm con. Nguyên nhân mà con có thể làm phát sinh công đức nhờ vào việc cúng dường Tam bảo đều là do vận dụng tâm này.
Dù con có hủy báng Phật pháp, rời bỏ hẳn thiện căn, cũng do tâm này.
Dù Thế tôn cho rằng con hủy báng Phật pháp mà nói những điều này. Dù con có thối chuyển hoặc dứt bỏ hẳn thiện căn đến mức không còn gì nữa cả thì con vẫn dùng cái tâm này. Có thể nói lại ý này như sau: giả sử A-nan có hủy báng Phật pháp, thì A-nan vẫn cho rằng chính tâm của A-nan làm việc ấy.
Nay Đức Phật chỉ rõ đó không phải là tâm, thì con thành ra không có tâm, như gỗ như đá. Vì ngoài cái hay biết ấy ra con chẳng còn gì khác nữa.
A-nan thực sự bối rối khi nói như vậy, “Con đã trở thành vật vô tri vô giác, con chẳng khác gì đất đá hoặc cỏ cây vì con không có tâm. Nếu con tách biệt hẳn với thức tâm phân biệt này thì ngoài đó ra còn có cái gì khác chăng? Chẳng có gì khác nữa cả. Khả năng hiện thời của con lắng nghe được Kinh pháp chính là nhờ tâm này. Ngoài nó ra, con chẳng có gì nữa cả.”
Sao Như Lai lại bảo cái ấy chẳng phải là tâm? Con thật kinh sợ và trong đại chúng ai cũng đều nghi hoặc.
“Nay con thực sự lo lắng. Thế tôn vừa bảo rằng đó chẳng phải là tâm con. Và chẳng riêng gì con, con tin rằng mọi người đều có nhiều nghi hoặc khi nghe Thế tôn bảo như thế. Và sự lo lắng sợ hãi của con cũng như sự nghi hoặc của đại chúng thực là khó chịu đựng nổi.”
Do chữ “nghi hoặc” có nghĩa là đại chúng chưa thông hiểu được lời dạy của Như Lai và chưa hỏi được điều ấy. Tại sao A-nan nói rằng đại chúng có nhiều nghi hoặc và chính A-nan rất là sửng sốt? Đó là vì tất cả thành viên trong pháp hội chỉ đóng vai khán giả, thế nên họ không có ý tự đặt mình vào trong tình trạng như A-nan. Nhưng A-nan lại đặc biệt hoàn toàn rất chú tâm vào lời giảng. Thế nên khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo rằng A-nan không có tâm thì ông ta hoàn toàn sửng sốt.
“Không có tâm ư? Chưa có gì đâu! Đoạn sau ông sẽ thấy ta còn không có cả thân mạng nữa kìa!”
A-nan nói rằng mọi người trong pháp hội nghe lời đối thoại giữa Đức Phật và A-nan thảy đếu có nhiều nghi hoặc, nhưng thực ra đó quả là điều A-nan suy diễn bằng tâm ý thức của mình. A-nan nghĩ rằng: “Có lẽ những người này vẫn còn chưa hiểu.” Nhưng A-nan không biết được rằng còn có các vị Đại bồ-tát đang có mặt trong pháp hội, mặc dù họ không nói gì cả, nhưng họ đã quá thông hiểu. Với sự đánh giá hời hợt của mình, A-nan đã suy diễn mọi việc theo chiều hướng trầm trọng hơn. Thực vậy, tôi tin các thành viên trong pháp hội như Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, không lẽ các Ngài lại có những nghi hoặc ấy hay sao?
Cúi xin Đức Phật rủ lòng từ bi chỉ dạy cho những người chưa được giác ngộ.
Lòng từ bi có năng lực giải thoát cho mọi người thoát khỏi khổ đau. A-nan thưa: “Xin Thế tôn cứu giúp cho chúng con thoát khỏi sự thất vọng; và khai thị cho chúng con, những người chưa thông hiểu được giáo lý, đến được chỗ giác ngộ.”
Kinh văn:
爾時世尊,開示阿難,及諸大眾, 欲令心入無生法忍。
Nhĩ thời Thế tôn, khai thị A-nan, cập chư đại chúng, dục linh tâm nhập vô sanh pháp nhẫn.
Việt dịch:
Lúc bấy giờ Đức Thế tôn chỉ dạy cho A-nan và cả đại chúng, muốn cho tâm họ được vô sanh pháp nhẩn.
Giảng:
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn. Là lúc A-nan thưa thỉnh Đức Phật khai thị cho những người chưa được giác ngộ. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thương mến người em họ và phát khởi lòng yêu thương che chở cho A-nan. Thế nên Đức Thế tôn chỉ dạy cho A-nan và cả đại chúng, muốn cho tâm họ đạt được vô sinh pháp nhẫn.
“Vô sanh pháp nhẫn” nghĩa là gì? Có ba loại “nhẫn.” Sinh nhẫn, pháp nhẫnvô sinh pháp nhẫn. Là trạng thái chẳng có sinh mà cũng chẳng có pháp. Tức là trạng thái chẳng có pháp sinh ra, cũng chẳng có pháp diệt đi. Khi quý vị đã đạt được vô sinh pháp nhẫn, quý vị sẽ thấy mỗi một pháp giới trong lục phàm[3]tứ thánh[4] chẳng có một pháp nào được sinh ra và cũng chẳng có một pháp nào hoại diệt. Pháp giới tứ thánh siêu việt hẳn dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Trong khi sáu cõi giới phàm phu lại nằm trong tam giới, nhưng trong ấy chẳng có cõi giới nào sinh ra hoặc diệt đi. Vậy nên bản thể của các pháp là như như bất động. Vì các pháp vốn như như bất động nên các pháp chẳng sinh chẳng diệt.
Trước khi được khai ngộ, quý vị nghĩ: “Ồ! Không, chẳng có sinh cũng chẳng có diệt, vạn pháp đều tan biến thành không cả.” Khi một nỗi sợ hãi len vào tâm tư quý vị: quý vị không thể nào chịu đựng nổi ý niệm về sự sợ hãi ấy. Nhưng nếu một khi quý vị đã chứng được cảnh giới bất sinh bất diệt – thực ra thì cảnh giới ấy chẳng có vẻ gì là khác lạ như quý vị thường nghĩ và khó có thể chịu đựng nổi về cảnh giới ấy, vì quý vị đã chứng được vô sinh pháp nhẫn rồi. Nên chắc chắn là quý vị sẽ có được sự cảm ứng rất lớn với đạo không thể nghĩ bàn được.
Trạng thái cảm ứng đạo giao xảy ra khi quý vị sắp sửa đạt đến sự giác ngộ nhưng chưa có được sự biểu hiện. Khi sự cảm ứng đạo giao xảy ra, chỉ còn có một cách duy nhất là quý vị ôm ấp nó trong tim mình. Chỉ một mình mình biết, không thể đi quanh nói cho người nào khác biết được. Đó được gọi là cảnh giới vô sinh pháp nhẫn. Khi quý vị thấy được rằng tất cả núi sông đất liền đều lưu xuất từ tự tánh của mình: thấy được rằng ba cõi chỉ là biểu hiện của tâm, thấy được rằng vạn pháp chỉ là biến hiện của thức. Một khi quý vị chứng được cảnh giới ấy thì mọi sự, mọi pháp đều thoát khỏi ý niệm sinh diệt. Mọi hiện tượng mà quý vị thấy được như núi sông đất liền, cỏ cây hoa lá đều chỉ là một hiện hữu nhất như. Đó chính là vô sanh pháp nhẫn vậy.
Đức Bồ-tát Quan Thế Âm có nói:
“Sinh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”[5]
(Khi đã vượt qua cảnh giới sinh diệt rồi thì cảnh giới tịch diệt chính ở ngay trong hiện tại.)
Tức là do A-nan không thể nào nhập vào được món nhẫn này, nên bây giờ Đức Phật mới chỉ dạy cho toàn thể đại chúng, mong muốn cho mọi người trong chúng và tất cả chúng sinh đều chứng được vô sinh pháp nhẫn.
Kinh văn:
於師子座,摩阿難頂,而告之言: 如來說諸法所生,唯心所現。一切因果世界,因心成體。
Ư sư tử tòa, ma A-nan đảnh, nhi cáo chi ngôn: Như lai thường thuyết, chư pháp sở sanh, duy tâm sở hiện, nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần, nhân tâm thành thể.
Việt dịch:
Từ nơi toà sư tử, đức phật xoa đầu A-nan rồi bảo rằng:
Như Lai thường nói các pháp phát sinh đều do từ tâm biểu hiện. Tất cả nhân quả và thế giới nhiều như vi trần đều nhân nơi tâm mà có thể tính (hiện hữu)
Giảng:
Từ nơi tòa sư tử: đây không có nghĩa là Đức Phật ngồi trên lưng sư tử hoặc là chỗ ngồi của Đức Phật được khắc chạm hình dáng của sư tử mà do pháp âm của Đức Phật được ví như tiếng gầm của loài sư tử, thế nên nơi mà Đức Phật giảng pháp được gọi là tòa sư tử.
Đức Phật xoa đầu A-nan
Đức Phật lấy tay Ngài xoa đảnh đầu A-nan. Trong đạo Phật việc xoa đảnh đầu là biểu hiện lòng từ ái cao tột nhất, phát ra một năng lực lớn lao để nhiếp thọ chúng sinh.
Rồi bảo rằng: “Như Lai thường nói các pháp phát sinh đều do từ tâm biểu hiện.”
Như Lai từ lâu nay đã thường nói rằng hết thảy mọi pháp, đều là sự biểu hiện của tâm.
Tất cả nhân quả nhân tiếp liền nhân, quả nối liền quả, hết thảy các pháp trên thế gian và suốt khắp thế giới nhiều như vi trần đều nhân nơi tâm mà có. Tất cả đều là sự hiển bày từ tâm chúng ta. Thế nên cổ văn Trung Hoa có câu:
 Nhược nhân thức đắc tâm
Đại địa vô thốn thổ.
(Nếu người nào nhận ra được bản tâm của mình, thì dưới chân mình không còn có một tấc đất).
Vậy thì đó là cái gì? Đất dưới chân mình đi đâu mất rồi? Đó là một cách diễn tả của Thiền tông về sự trớ trêu của điều bất khả tư nghì. Thật là không may khi chưa nhận ra được bản tâm của mình, nên trái đất vẫn là một hạt bụi rất lớn.
Kinh văn:
阿難,若諸世界,一切所有,其中乃至草葉縷結。詰其根元,咸有體性。縱令空亦有名貌。
A-nan, nhược chư thế giới, nhất thiết sở hữu, kỳ trung nãi chí thảo diệp lự kiết, cật kỳ căn nguyên, hàm hữu thể tánh. Túng linh hư không diệc hữu danh mạo.
Việt dịch:
A-nan, như tất cả sự vật hiện hữu trong thế giới từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, nút thắt… khi gạn xét cội gốc của nó, mỗi thứ đều có thể tánh. Cho đến như hư không cũng có tên gọi và dáng mạo.
Giảng:
Đức Phật lại gọi tên A-nan một lần nữa,
A-nan, như tất cả sự vật hiện hữu trong thế giới từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, nút thắt… khi gạn xét cội gốc của nó, mỗi thứ đều có thể tánh, cho đến như hư không cũng có tên gọi và dáng mạo.
Hết thảy mọi thứ trên thế gian này gồm cả núi sông đất liền, tất cả vạn tượng như cây cỏ, thảo mộc, sợi dây, nút thắt cho đến như cả hư không, nó vẫn có cái tên là “hư không” và dáng mạo về “hư không.” Tất cả đều có một thể tánh.
Kinh văn:
何況清淨妙淨明心,性一切心,而自無體?
Hà huống thanh tịnh diệu tịnh minh tâm, tánh nhất thiết tâm, nhi tự vô thể?
Việt dịch:
Huống gì bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu này là bản chất của tất cả mọi tâm niệm mà tự nó lại không có thể tánh hay sao?
Giảng:
Huống chi bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu mà lại không có thể tánh. Tâm ấy chắc chắn phải có thể tánh.


[1]: S: Aniruddhap: Anuruddhatib Ma-gags-pa. 阿耨樓馱Còn gọi là A-na-luật阿那律, A-ni-lâu-đà阿尼樓陀, A-nê-luật-đà 阿泥律陀A-nô-luật-đà阿奴律陀. Ý dịch Vô diệt無滅, Như Ý如意, Vô chướng無障, Vô tham無貪. Tuỳ thuận nghĩa nhân隨順義人, Bất tranh hữu vô 不爭有無.
[2] Hòa thượng Bích Liên phiên âm là (Kinh Thủ-lăng-nghiêm; Linh Sơn Phật học Nghiên cứu Hội, 1961).
[3] Lục phàm: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhân gian, cõi trời.
[4] Tứ thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật.
[5] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quyển 6.

(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites