Pages

01 October 2014

Ý NGHĨA SỰ SỐNG - LUÂN HỒI VÀ SỰ GIẢI THOÁT - Phần 1

Chủ đích tối hậu trong việc tu tập Phật Giáo về cung cách cách hành xử là gì? Đấy là cách phải chủ động được dòng luân lưu của tâm thức mình - tức giúp mình trở thành một con người bất-bạo-động một cách đích thật. Trên bình diện thật bao quát thì có thể cho rằng Phật Giáo gồm có hai thừa (tiếng Phạn và tiếng Pa-li là yana, có nghĩa là cỗ xe) biểu trưng cho hai đường hướng tu tập là: Đại Thừa(Cỗ xe lớn) và Tiểu Thừa (Cỗ xe nhỏ). Đại Thừa chủ trương phải phát động lòng từ bi nhằm giúp đỡ tất cả chúng sinh, và Tiểu Thừa thì chủ trương không được phép làm thương tổn đến bất cứ một chúng sinh nào.



Tác Giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Hoang Phong chuyển ngữ

Lời giới thiệu của người dịch
Đây là một quyển sách ghi lại ba ngày thuyết giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại thành phố Luân Đôn vào mùa xuân năm 1984, tức cách nay (2014) đúng ba mươi năm. Chủ đề chính của những buổi thuyết giảng này là nguyên nhân nào đã đưa đến sự hiện hữu xoay vần và trói buộc của chúng ta trong thế giới hiện tượng. Sự xoay vần hay "chu kỳ trói buộc" đó gồm có mười hai mối dây tương liên níu kéo nhau và chi phối toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta từ lúc vừa được hình thành cho đến khi cái chết xảy đến và sẽ tiếp tục lập đi lập lại tương tự như một chiếc bánh xe xoay tròn bất tận. Thế nhưng đồng thời theo lời giáo huấn của Đức Phật thì mười hai mối dây tương liên trong chu kỳ đó cũng có thể vận hành theo chiều đảo ngược và mang lại sự giải thoát.
Ấn bản gốc bằng tiếng Anh mang tựa là The Meaning of Life from a Buddhist Perspective (Ý nghĩa Sự Sống theo quan điểm Phật Giáo), được nhà xuất bản Wisdom Publications (Hoa Kỳ) ấn hành lần đầu năm 1992. Bản dịch tiếng Pháp mang tựa Le Sens de la Vie, Réincarnation et Liberté (Ý Nghĩa Sự Sống, Luân Hồi và sự Tự Do) được nhà xuất bản Dangles ấn hành năm 1996.
Quyển sách này cũng đã được dịch sang tiếng Việt năm 2005 với tựa là Ý nghĩa Sự Sống, Luân Hồi và sự Tự Do và đã được xuất bản tại Pháp với số lượng thật khiêm tốn nhằm để biếu tặng. Sau đó quyển sách này đã được một người bạn rất quý của người dịch đích thân mang về Việt Nam và đã được nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn (Tủ sách Phật Giáo Ngày Nay) ấn hành năm 2006.
Quyển sách này là một ấn bản mới đã được dịch lại hoàn toàn và mang tựa hơi khác đi đôi chút: Ý Nghĩa Sự Sống - Luân Hồi và sự Giải Thoát. Lý do của việc dịch lại một quyển sách đôi khi cũng không phải là chuyện khó hiểu: qua thời gian tất cả đều biến đổi. Phật Pháp lúc nào cũng vẫn là Phật Pháp, nội dung của một quyển sách lúc nào cũng vẫn nguyên vẹn, thế nhưng sự thấu triệt của mỗi con người trong chúng ta có thể đã thăng tiến hơn nếu luôn ước muốn học hỏi thêm và cố gắng giữ được sức kiên trì đó. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã thuyết giảng và viết lách suốt hơn nửa thế kỷ với hàng trăm quyển sách được xuất bản. Ban đầu Ngài thuyết giảng Đạo Pháp cho các cử tọa gồm hầu hết là những người Phật Giáo. Sau một thời gian thì số cử tọa ngày càng gia tăng, người nghe đến từ nhiều quốc gia và thuộc nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau. Dường như Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đặt Phật Giáo vào một bối cảnh giúp chúng ta có thể tiến đến gần hơn với tất cả mọi người bằng con tim của chính mình. Các buổi thuyết giảng cũng như các quyển sách gần đây của Ngài hướng nhiều hơn vào lòng Từ Bi như là một "Tôn Giáo Mới" cho nhân loại, với mục đích giúp con người cảm thấy gần gũi nhau hơn. Thật vậy, lòng từ bi chẳng phải là một lý tưởng mà tất cả các tôn giáo đều quảng bá hay sao? Vì thế nếu người đọc muốn tìm hiểu sâu xa hơn về các chủ đề và khái niệm chuyên biệt và đặc thù của Phật Giáo thì nên tìm đọc những quyển sách đầu tiên của Ngài. Quyển Ý Nghĩa Sự Sống này là một trong số ba mươi đến bốn mươi quyển sách ấy.
Giáo huấn của Đức Phật rất thâm sâu và khúc triết và dù chỉ là để thuyết giảng cho những người dân chất phác trong thung lũng sông Hằng cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, thế nhưng ngày nay vẫn tiếp tục làm cho ngày càng nhiều các triết gia, học giả và khoa học gia lỗi lạc trên thế giới phải kinh ngạc và thán phục. Quyển sách này tuy đã được Đức Đạt-lai Lạt-ma cố gắng cụ thể hóa và đơn giản hóa nhằm giúp người đọc dễ theo dõi, thế nhưng chúng ta cũng cần có một số vốn tối thiểu về Đạo Pháp để có thể thấu triệt được sâu xa hơn giáo huấn mênh mông và siêu việt đó của Đức Phật.
Sách gồm có năm chương:
1- Thế giới theo quan điểm Phật Giáo
2- Sự sống phát sinh từ vô minh tiên khởi
3- Các cấp bậc khác nhau của Con Đường
4- Sự lợi ích của lòng vị tha
5- Sự kết hợp giữa lòng Từ Bi và Trí Tuệ
Trên phương diện trình bày thì trong bản gốc tiếng Anh và tiếng Pháp cũng có một số các lời chú thích hầu giúp người đọc dễ theo dõi, và các lời ghi chú này sẽ được đặt trong hai ngoặc kép trong bài chuyển dịch này. Trong bản tiếng Việt cũng có một số những lời ghi chú thêm của người dịch, và các lời ghi chú này cũng được đặt trong hai ngoặc kép bằng chữ nghiêng. Người đọc cũng sẽ nhận thấy trong bản dịch có nhiều thuật ngữ viết nghiêng, cách viết này là dựa đúng theo bản gốc nhằm nhấn mạnh đến các thuật ngữ đặc thù và quan trọng.
Ngoài ra trong bản tiếng Pháp cũng thấy dịch lại lời mở đầu bằng tiếng Anh của Richard Gere, diễn viên điện ảnh Hollywood nổi tiếng, một Phật tử thuần thành và cũng là một đệ tử của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Chính tổ chức quảng bá Phật Giáo do tài tử này thiết lập (Richard Gere Foundation) đã trực tiếp hỗ trợ cho việc ấn hành quyển sách này. Ngoài lời mở đầu trên đây còn có phần lời tựa của Jeffrey Hopkins, giáo sư về Tôn Giáo Học tại các đại học Mỹ và Gia-nã-đại, chuyên gia về tiếng Tây Tạng, một đệ tử của Đức Đạt-lai Lạt-ma và cũng là người đã từng dịch rất nhiều sách của Ngài. Ngoài phần mở đầu và lời tựa trên đây còn có thêm lời giới thiệu của tổ chức "Liên Minh Tây Tạng - Pháp" (Alliance Tibet-France) trình bày vài nét chính về nội dung và quá trình hình thành của quyển sách và đồng thời cũng để mượn dịp để cảm tạ một số nhân vật đã góp phần mang quyển sách này đến với người đọc.
Ngoài ra, và cũng thật hết sức đặc biệt là trong ấn bản tiếng Pháp lại còn có thêm một lời tựa nữa được ký tên chung bởi 23 nhân vật nổi tiếng của Pháp trong các lãnh vực chính trị, văn hóa, triết học, khoa học, nghệ thuật... Trong số đó có các vị bộ trưởng, dân biểu, nghị sĩ như: Jacques Chaban-Delmas, Jack Lang, Bernard Kouchner, Louis de Broissia, Claude Huriet, v.v...; các giáo sư đại học về toán học, thiên văn học, vật lý học, xã hội học như: Françoise Chatelin, Jean Malaurif, Guy Pelletier, v.v...; các học giả và triết gia như: François Bonardel, Jean-François Revel, Jean-Claude Carrière, v.v...; cùng các nghệ sĩ như: Barbara Hendricks, Yves Duteil, Michel Jonasz, v.v...
Người dịch xin mạn phép dài dòng như trên là để chúng ta thấy rằng tuy chỉ là một quyển sách nhỏ thế nhưng nó đã nhận được sự ủng hộ của thật đông đảo những con người biết suy nghĩ và có tâm hồn bén nhạy. Thiết nghĩ không nhất thiết là chỉ có nội dung của quyển sách này hay uy tín của một nhà sư khác thường là Đức Đạt-lai Lạt-ma đã huy động được họ, mà thật ra lòng ngay thật, hiếu hòa và bất bạo động của cả một dân tộc thấm nhuần Đạo Pháp, bị mất nước và đang bị diệt vong, đã đánh thức lương tâm của họ và của nhân loại nói chung.
Nếu dịch hết các lời mở đầu, lời tựa, lời giới thiệu... trên đây thì có thể sẽ rất dài dòng, do đó thiết nghĩ chỉ cần trích dẫn một vài đoạn cũng đủ để nói lên lòng nhiệt thành của một số người không cầm lòng được trước cảnh mất nước và thảm họa diệt vong của một dân tộc dù là nhỏ bé và từ một lục địa xa xôi.
Lời Mở Đầu của Richard Gere
...
Quỹ Richard Gere rất hân hạnh được góp phần vào việc xuất bản quyển sách quan trọng này của Đức Đạt-lai Lạt-ma, mang tựa là The Meaning of Life from a Buddhist Perspective, tại Hoa Kỳ năm 1993.
...
Giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma được hình thành dựa trên các kinh nghiệm cụ thể và đã được chứng nghiệm một cách minh bạch. Giáo huấn đó phản ảnh cả một kiếp người hy sinh cho lý tưởng bất bạo động, cho hòa-bình, cho nhân quyền và vì sự tiến bộ xã hội cũng như để góp phần cải tiến tâm linh và mở rộng trái tim của con người. Các phẩm tính tuyệt vời đó chỉ có thể thực hiện được nhờ vào quyết tâm tuyệt đối tôn trọng lý tưởng bất bạo động, không nao núng và sợ hãi, thái độ đó chỉ có thể mang lại bởi một trí tuệ siêu việt và một lòng từ bi vô biên không hề lay chuyển mà thôi.
...
Từ khi nước Tây Tạng độc lập bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1950, và đã khiến Đức Đạt-lai Lạt-ma phải lánh nạn tại Ấn Độ vào năm 1959 trong một hoàn cảnh thật gian nan, không lúc nào Ngài lại không nghĩ đến việc giải thoát cho dân tộc mình khỏi thảm trạng diệt vong được hoạch định một cách quy mô: một triệu hai trăm nghìn người đã bị giết - tức là một phần năm dân số của cả xứ Tây Tạng khi các đạo quân Trung Quốc tràn vào quê hương của họ.
....
(Richard Gere - New York, 1993)
Lời Tựa của Jeffrey Hopkins
...
Tại sao chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh như thế này? Chúng ta từ đâu đến đây? Chúng ta sống cuộc đời mình như thế nào? Cuộc sống ấy có mang một ý nghĩa nào hay không? Đức Đạt-lai Lạt-ma đã trả lời các câu hỏi trên đây theo quan điểm Phật Giáo qua một loạt các buổi thuyết giảng tại giảng đường Camden Hall vào mùa xuân năm 1984.
...
Các buổi thuyết giảng này nguyên là dành cho các cử tọa có một trình độ hiểu biết cao về Phật Giáo, và nhằm giải thích về bầu vũ trụ tâm linh (psychic cosmology) bên trong nội tâm của con người, một bầu vũ trụ đã thấm nhuần và ăn sâu vào toàn thể Á Châu. Nếu được nghe những lời thuyết giảng rất cụ thể [của Đức Đạt-lai Lạt-ma] về nguyên nhân tại sao chúng ta lại phải rơi vào dòng chảy của khổ đau khiến làm hỏng cả cuộc đời mình, thì chúng ta mới hiểu rằng tại sao những người Phật Giáo lại đặt nặng tầm quan trọng của kiếp sống con người ngay từ lúc mà mình còn đang trong thế giới này.
...
Những lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho những vấn đề khó khăn của chúng ta dù là trên phương diện cá nhân, gia đình, quốc gia hay quốc tế, tất cả đều nhất thiết khuyên chúng ta hãy chọn cho mình nghệ thuật sống ấy [của người Phật Giáo]. Ngài nói lên một cách thật minh bạch rằng dù là bất cứ một hệ thống lý tưởng (ideology) nào, thì cũng đều phải nhắm vào việc phục vụ con người. Thế nhưng Ngài cũng nói với những con người đang nghe Ngài thuyết giảng rằng hệ thống lý tưởng ấy cũng phải nhất thiết được sử dụng để mang lại sự cải thiện và hoàn mỹ mang tính cách cá nhân, vì đấy mới chính thật là cơ sở vững chắc nhất mang lại hạnh phúc cho nhân loại (hãy cải thiện chính mình và mang lại hạnh phúc cho mình rồi sau đó mới có thể mang lại hạnh phúc cho kẻ khác và nhân loại được. Nói một cách khác là phải tu tập trước đã, trước khi nghĩ đến chuyện cải biến xã hội và con người).
...
(Jeffrey Hopkins - University of Virginia)
Lời tựa ấn bản tiếng Pháp của tổ chức Liên Hiệp Tây Tạng - Pháp, ký tên bởi 23 nhân vật trí thức.
...
Lòng từ bi không bao giờ suy giảm của Đức Đạt-lai Lạt-ma đối với những người tàn phá quê hương và dân tộc mình đã tạo được sự ngưỡng mộ và lòng tin [của tất cả mọi người]. Đối với tất cả chúng ta, quyển sách này chắc hẳn là một cơ hội thật tuyệt vời giúp chúng ta tìm hiểu giáo huấn và cả con người vô cùng đặc biệt đó (tức là Đức Đạt-lai Lạt-ma).
...
Chính khía cạnh này đã khiến Ủy Ban giải Nobel đưa ra quyết định như sau:
"Ủy Ban quyết định trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 1989 cho vị Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV Tenzin Gyatso, vị lãnh đạo tinh thần và cũng là vị lãnh đạo lâm thời (về chính trị) của dân tộc Tây Tạng. Ủy Ban hy vọng rằng nhờ đó có thể nêu lên thái độ kiên quyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma không chấp nhận các giải pháp bạo động trong cuộc chiến giải thoát xứ Tây Tạng. Hơn thế nữa Ngài cũng luôn chủ trương phải tìm kiếm các giải pháp hòa bình dựa trên lòng khoan dung và sự tương kính, nhằm bảo toàn di sản lịch sử và văn hóa của cả một dân tộc.
"Đức Đạt-lai Lạt-ma đã xây dựng chủ thuyết hòa bình của mình bằng cách dựa vào các mối quan tâm sâu xa của Ngài đối với tất cả chúng sinh, và sự ý thức về trách nhiệm toàn cầu của tất cả mọi người đối với nhân loại và thiên nhiên.
"Theo quan điểm của Ủy Ban thì Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đưa ra các giải pháp thật tiên tiến và mang tính cách xây dựng nhằm giải quyết các sự tranh chấp quốc tế và các vấn đề liên quan đến nhân quyền và môi sinh trên thế giới".
....
(Alliance Tibet-France - Paris, tháng 8, 1996)
Một con người ngay thật, một dân tộc hiếu hòa, một quốc gia lương thiện bao giờ cũng đánh thức được lòng người.
Bures-Sur-Yvette, 05.06.14
Hoang Phong
 2
H.1: Jeffrey Hopkins, H.2: Richard Gere
                                                      
 











H. 3-6: Vài ấn bản tiếng Anh và tiếng Pháp trong số rất nhiều ấn bản của quyển sách Ý Nghĩa Sự Sống của Đức Đạt-lai Lạt-ma.




***********************


Thế giới theo quan điểm Phật giáo

Buổi nói chuyện sáng thứ ba
Trước hết tôi xin phép bày tỏ đôi lời với những người Phật Giáo về việc huy động tinh thần trước khi nghe thuyết giảng về các vấn đề tâm linh và tôn giáo: sự huy động mang tính cách tích cực quả hết sức quan trọng. Nếu chúng ta bàn thảo với nhau về các chủ đề tâm linh thì nhất định không phải là vì tiền bạc, danh vọng hoặc là để mang lại bất cứ một phương tiện sinh sống nào trong cõi đời này. Có nhiều sinh hoạt khác cũng có thể là giải pháp hầu đáp ứng các đòi hỏi cấp thời ấy. Lý do chính yếu của buổi gặp gỡ giữa chúng ta hôm nay, nơi giảng đường Camden Hall này (Camden là một khu phố giữa trung tâm thành phố Luân Đôn)nhất định là phải xuất phát từ các mối quan tâm mang tính cách sâu xa hơn.
Mỗi người trong chúng ta đều ước mong tìm được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, đó là một sự kiện hết sức hiển nhiên, chẳng có gì phải thắc mắc. Thế nhưng phải làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc và loại bỏ khổ đau thì lại có nhiều quan điểm khác biệt nhau. Có rất nhiều thứ hạnh phúc và cũng có rất nhiều con đường giúp đưa đến các thứ hạnh phúc ấy. Tương tự như vậy, cũng có rất nhiều thứ khổ đau và cũng có rất nhiều cách để loại bỏ chúng. Với tư cách những người Phật Giáo, không những chúng ta chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm sự thoải mái và những lợi ích nhất thời, mà còn phải kiến tạo những gì chính đáng và bền vững hơn. Người Phật Giáo không phải chỉ biết nghĩ đến kiếp sống này, mà còn phải nhìn vào các kiếp sống khác, luân phiên tiếp nối hầu như là bất tận trong tương lai. Chúng ta không đếm từng tuần, từng tháng hay từng năm, mà chúng ta đếm từng kiếp người và các chu kỳ của thời gian vô tận.
Tiền bạc có thể mang lại một sự lợi ích nào đó, thế nhưng sự lợi ích ấy rất hạn hẹp. Trong số các quyền lực và của cải trong thế gian này tất nhiên cũng có những thứ đáng để mà có, thế nhưng chúng cũng chỉ có một giá trị hạn hẹp nào đó mà thôi. Trái lại theo quan điểm Phật Giáo, thì chỉ có sự phát triển tinh thần là mới có thể gia tăng thêm từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, đấy chẳng qua là vì bản chất của tâm thần một khi đã được phát huy trên một cơ sở vững chắc thì các phẩm tính của nó sẽ không bao giờ mất mát đi. Hơn nữa, các phẩm tính ấy còn có thể được làm cho gia tăng thêm. Thật thế một khi đã được phát huy một cách đúng đắn thì các phẩm tính ấy không những sẽ tồn tại lâu dài mà còn có thể thăng tiến đến vô tận(của cải và quyền lực không sao giữ được lâu dài, chỉ có sự sáng suốt, đạo đức và các khả năng tâm thần mới có thể tồn lưu từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, nói một cách dễ hiểu hơn nữa là quyền lực và của cải thì có thể mất một cách dễ dàng, thế nhưng một khi đã hiểu biết thì sẽ không còn ngu đần trở lại, và trí tuệ ấy sẽ tiếp tục được tồn lưu và sẽ còn có thể được phát triển thêm trong các kiếp sống sau). Vì thế việc tu tập tâm linh không những mang lại hạnh phúc lâu bền mà còn giúp cho sức mạnh nội tâm ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra thiết nghĩ quý vị cũng nên dồn tất cả sự quan tâm của mình vào các chủ đề được mang ra bàn thảo: hãy lắng nghe với một sự nhiệt tình tinh khiết - và không ngủ gục nhé! Về phần tôi thì tôi sẽ cố gắng hàn huyên với quý vị với một tấm lòng nhiệt tình cao đẹp nhất, với những xúc cảm vị tha thật chân thành, khơi động bởi lòng ước vọng mang lại sự an vui cho kẻ khác.

Sự Quán thấy và Cung cách hành xử
Thiền định thật cần thiết nhằm giúp phát huy các phẩm tính tinh thần. Tâm thức nhất định là có thể biến cải được, và phép thiền định là một phương tiện giúp thực hiện việc ấy. Thiền định là một phương cách vận hành của tâm thức giúp tâm thức quen dần và gần gũi hơn với một đối tượng hay một ý nghĩa nào đó. Trên nguyên tắc thì đấy là một cách tập cho quen dần với đối tượng mà mình suy tư.
Có hai phép thiền định: thiền định phân tích và thiền định chú tâm. Phép thứ nhất là phân tích một đối tượng, phép thứ hai là giữ cho tâm thức thăng bằng (không xao động) hướng vào đối tượng ấy. Mỗi phép thiền định đều có hai phương pháp:
1. Phương pháp thứ nhất là chọn một đối tượng hành thiền, chẳng hạn như vô thường, và xem đấy như là một đối tượng của tâm thức để suy tư và khảo sát sâu sắc hơn.
2. Phương pháp thứ hai là phát huy một thái độ tâm thần nào đó, thí dụ như tình thương, và trong trường hợp này thì tâm thức sẽ trở thành chính bản chất của đối tượng mà nó suy tư.
Nếu muốn hiểu được thiền định là để làm gì thì nhất thiết phải hiểu được các phép luyện tập về sự Quán thấy và Cung cách hành xử mang ý nghĩa như thế nào. Thật ra cung cách hành xử tương đối quan trọng hơn, vì đấy là yếu tố liên quan đến hạnh phúc của mình và cả kẻ khác trong tương lai. Thế nhưng nếu muốn tạo ra một cung cách hành xử tinh khiết và hoàn hảo, thì nhất thiết phải đạt được một sự quán thấy đúng đắn(quán thấy đúng đắn hay "chánh kiến" - tức là "sự hiểu biết đúng" - là điều thứ nhất trong số Tám Điều Đúng Đắn còn gọi là Bát Chánh Đạo). Thái độ (cung cách hành xử) nhất thiết phải được dựa vào lý trí, chính vì thế nên thật hết sức quan trọng là phải đạt được một tầm nhìn đúng đắn thuộc lãnh vực triết học (tức là "quan điểm đúng" còn gọi là "chánh tư duy", điều thứ hai trong Bát Chánh Đạo).
Chủ đích tối hậu trong việc tu tập Phật Giáo về cung cách cách hành xử là gì? Đấy là cách phải chủ động được dòng luân lưu của tâm thức mình - tức giúp mình trở thành một con người bất-bạo-động một cách đích thật. Trên bình diện thật bao quát thì có thể cho rằng Phật Giáo gồm có hai thừa (tiếng Phạn và tiếng Pa-li là yana, có nghĩa là cỗ xe) biểu trưng cho hai đường hướng tu tập là: Đại Thừa(Cỗ xe lớn) và Tiểu Thừa (Cỗ xe nhỏ). Đại Thừa chủ trương phải phát động lòng từ bi nhằm giúp đỡ tất cả chúng sinh, và Tiểu Thừa thì chủ trương không được phép làm thương tổn đến bất cứ một chúng sinh nào. Trên thực tế cả hai thái độ hành xử này đều phát sinh từ một cội nguồn chung là lòng từ bi, tỏa ra từ căn bản Giáo Huấn Phật Giáo. Thật vậy nền giáo huấn tuyệt vời của Đức Phật bắt nguồn từ lòng từ bi và Đức Phật, người đích thân đứng ra giảng dạy về chính giáo huấn ấy, cũng cho biết rằng mình đã được sinh ra từ lòng từ bi. Lòng từ bi bao la luôn làphẩm tính cao quý nhất của một vị Phật, nói lên lòng kiên quyết che chở và trợ giúp kẻ khác. Điều này cho thấy là tại sao chúng ta phải nên quy y(có nghĩa là nương tựa) nơi Phật.
Tăng Đoàn (Sangha) - nghĩa từ chương là một "tập thể đạo hạnh" - gồm những người tu tập theo giáo lý trên đây, tức có nghĩa là phải tỏ ra như thế nào để kẻ khác nhận thấy mình xứng đáng là một nơi nương tựa cho họ. Những người trong tăng đoàn có bốn phẩm tính chủ yếu như sau :
1: Dù có ai gây ra điều sai trái cho mình thì mình cũng không đáp lại bằng bạo lực.
2: Dù có ai nổi giận với mình thì mình cũng không đáp lại bằng sự nóng giận.
3: Dù có ai nguyền rủa mình thì mình cũng không đáp lại bằng những lời nguyền rủa.
4: Nếu có ai buộc tội mình thì mình cũng không buộc tội lại người ấy (là cáo gian cho mình).
Sở dĩ các nam và nữ tu sĩ đã tạo được cho mình cung cách hành xử thật khác thường đó, ấy là nhờ vào lòng từ bi của họ. Cũng như thế mà đức tính chủ yếu nhất của tập thể những người tu hành (Sangha/Tăng Đoàn) phải là lòng từbi. Tóm lại là ba nơi nương tựa của người Phật tử (Phật, Pháp, Tăng) tất cả đều nhất loạt được xây dựng trên lòng từ bi.
Tất cả các tôn giáo đều có cùng một mối quan tâm như nhau, ấy là phải giúp người tu tập biết hướng vào lòng từ bi. Cung cách hành xử phi-bạo-lực mang lại từ lòng từ bi, chẳng những không thể thiếu sót trong sự sinh hoạt hàng ngày của mỗi người trong chúng ta, mà còn là những gì thật hết sức thiết yếu trong các mối bang giao giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Hiện tượng tương liên(interdependence/lý duyên khởi) là một khái niệm triết học thật căn bản trong giáo lý Phật Giáo. Dù rằng cách định nghĩa có đôi chút khác biệt giữa các học phái thế nhưng tất cả đều công nhận tầm quan trọng của khái niệm này. Thuật ngữ tiếng Phạn dùng để chỉ định "hiện tượng tương liên" trên đây là pratityasamutpada. Chữ pratitya gồm có ba nghĩa khác nhau: gặp gỡ, dựa vào, lệ thuộc vào, thế nhưng trên nguyên tắc thì cả ba đều mang chung một ý nghĩa là sự lệ thuộc. Chữ samutpadathì có nghĩa là sự tạo tác(hình thành, phát sinh, sinh khởi...). Do đó từ ghéppratityasamutpada có nghĩa là những gì được tạo tác bằng cách lệ thuộc vào một số điều kiện, nói cách khác là dựa vào và nhờ vào sức mạnh của một số điều kiện cần thiết nào đó. Trên một bình diện thật tinh tế, thì hiện tượng tương liên sở dĩ được nêu lên là nhằm để chứng minh sự vắng mặt của sự hiện hữu nội tại nơi mọi hiện tượng(mọi hiện tượng sở dĩ hiện hữu - tức là được hình thành hay tạo tác - là nhờ vào sự tương liên và tương kết với các hiện tượng khác và lệ thuộc vào một số các điều kiện - tức cơ duyên - nào đó. Các hiện tượng không thể tự nó hiện hữu một cách độc lập, tự tại hay nội tại được mà phải luôn lệ thuộc vào sự hiện hữu của các hiện tượng khác. Nên hiểu "hiện tượng" ở đây bao gồm cả các hiện tượng phi vật chất hiện ra hoặc bên trong tâm thức của một cá thể chẳng hạn như: các khái niệm, tư duy, ảo giác, xúc cảm, sự hiểu biết..., hoặc bên ngoài tâm thức của con người như: không gian, thời gian... Tóm lại sự kiện tương liên, tương kết và tương tạo giữa mọi hiện tượng - pratityasamutpada - là một quy luật toàn cầu chi phối sự vận hành của toàn thể vũ trụ. Nếu rơi ra bên ngoài quy luật này thì sẽ không có một hiện tượng nào có thể hiện hữu được, và đấy gọi là sự "vắng mặt" hay "tánh không" về "bản chất nội tại" hay "tự tại" của các hiện tượng. Do đó đôi khi cũng cần nhìn lại sự hiện hữu của chúng ta để hiểu rằng sự hiện hữu đó cũng chỉ là kết quả mang lại từ sự tương kết của thật nhiều nguyên nhân và điều kiện dưới sự chi phối của quy luật tương liên và tương tạo trên đây. Sự hiện hữu mang tính cách cấu hợp đó phản ảnh sự trói buộc của chúng ta trong thế giới hiện tượng).
Nhằm giúp suy tư về ý nghĩa tại sao mọi sự vật - tức là mọi hiện tượng - lại không hàm chứa sự hiện hữu tự tạivì lý do chúng là những sản phẩm được tạo tác bởi hiện tượng tương liên, thì nhất thiết trước hết phải quán thấy được một cách thật minh bạch là cácđối tượng ấy chính là nguyên nhân mang lại hạnh phúc hay khổ đau, thích thú hay bất toại nguyện, v.v... cho chính mình (các sự vật hình thành bởi sự tạo tác tương liên đều không thật - vắng mặt của sự hiện hữu nội tại - do đó nếu bám víu vào chúng tất sẽ mang lại khổ đau cho mình, trái lại nếu nhận thấy được bản chất ảo giác của chúng thì đấy là sự giác ngộ). Nếu không nắm vững được quy luật nhân quả - tức quy luật nguyên-nhân-hậu-quả - , thì quả thật hết sức khó để có thể ý thức được là mọi hiện tượng đều không hàm chứa sự hiện hữu nội tại vì lý do chúng chỉ là sản phẩm của sự tạo tác tương liên. Cũng chính vì thế mà Đức Phật đã thuyết giảng rằng quy luật tương liên (interdependence / pratityasamutpada / lý duyên khởi) luôn vận hành chung với quy luật nhân quả trong quá trình tạo ra chu kỳ luân hồi, là nhằm giúp chúng ta quán triệt sâu xa hơn nữa về quy luật nguyên nhân hậu quả(xin mạn phép giải thích thêm như sau: quy luật tương liên, tương tác và tương tạo – interdependence / pratityasamutpada - là một quy luật toàn cầu chi phối tất cả mọi hiện tượng vô hình và hữu hình, kể cả không gian và thời gian, có nghĩa là có thể xuyên qua các giới hạn của một kiếp sống. Trong số trùng trùng điệp điệp các hiện tượng nối kết đó, Đức Phật chọn ra mười hai hiện tượng trói buộc con người trong "cõi luân hồi" tức là trong cái thế giới hiện tượng này. Mười hai hiện tượng nối kết ấy được gọi là "mười hai mối dây trói buộc của sự tạo tác do điều kiện mà có"(douze liens de la co-production conditionnée / twelve links of conditioned co-production, tiếng Phạn gọi là dvadasanga pratitysamutpada hay dvadasa nidana, xin nhắc lại: kinh sách gốc Hán ngữ gọi là thập nhị nhân duyên).
Quy luật tương liên ở một cấp bậc nào đó cho thấy một sự tương quan với quy luật nhân quả(hiện tượng này liên kết với hiện tượng kia và tạo ra một hiện tượng khác, nguyên nhân này mượn một cơ duyên kia để đưa đến một kết quả và một nguyên nhân khác), sự kiện này được nêu lên trong giáo huấn của Đức Phật về mười hai mối dây tương liên (còn gọi là thập nhị nhân duyên) đưa đến các kiếp sống khác nhau trong chu kỳ hiện hữu. Mười hai mối dây tương liên là: vô minh tiên khởi (1)sự tạo nghiệp (2)tri thức (3)"danh xưng" và "hình tướng" (4)cáccơ sở của sự hiểu biết (các cơ quan giác cảm) (5)sự tiếp xúc (6)giác cảm (7)sự thèm khát(dục vọng) (8)sự chiếm giữ (bám víu) (9)sự hình thành (nghiệp và sự chín muồi của nghiệp) (10)sự sinh (11), "sự già nua và cái chết" (12)(kinh sách gốc Hán ngữ gọi mười hai mối dây này là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử).
Ở một cấp bậc thứ hai tinh tế hơn, thì các mối dây tương liên ấy liên quan đến tất cả mọi vật thể: bất cứ một hiện tượng nào cũng đều phải được tạo dựng dựa vào một cơ sở gồm nhiều thành phần kết hợp với nhau, và chính nó sẽ phải lệ thuộc vào cơ sở kết hợp ấy của nó (tất cả mọi hiện tượng dù là hữu hình - tức vật chất - hay vô hình - chẳng hạn tư duy, xúc cảm, không gian, thời gian - đều mang tính cách cấu hợp). Do đó bất cứ một hiện tượng nào cũng sẽ gồm có nhiều thành phần cấu tạo ra nó, và chính nó cũng sẽ phải lệ thuộc vào các thành phần ấy của nó (trên, đưới, đông, tây, nam, bắc là các thành phần của không gian và không gian sẽ phải lệ thuộc vào các thành phấn ấy của chính nó; trước sau, quá khứ, hiện tại, tương lai hay là các "đơn vị thời gian" là các thành phần cấu tạo của thời gian và thời gian sẽ phải lệ thuộc vào các thành phần ấy của nó).

Sau cùng, ở cấp bậc thứ ba và cũng là cấp bậc sâu xa hơn hết, thì mọi hiện tượng chỉ đơn giản là các thuật ngữ (danh xưngvà khái niệm liên quan đến cơ sở chỉ định của chúng mà thôi. Nếu muốn tìm kiếm một vật thể căn cứ trên cơ sở chỉ định nó thì người ta sẽ không tìm thấy một thứ gì thật sự là vật thể đã được chỉ định: bởi vì mọi hiện tượng chỉ là sản phẩm được tạo tác bởi hiện tượng tương liên, và nếu căn cứ theo cách suy diễn đó thì chúng chỉ được xác nhận qua sự lệ thuộc vào các cơ sở dùng để quy định chúng (thí dụ "cái bàn" cũng chỉ là một "danh xưng" dùng để chỉ định một vật thể gồm có một mặt phẳng và bốn chân, nếu tháo bốn chân ra thì sẽ không còn cái bàn nào nữa cả. Trong thuật ngữ "cái bàn" không có gì là "thật" cả, đấy chỉ là một khái niệm mang tính cách quy ước do tâm thức con người tạo dựng ra để "hiểu ngầm" với nhau: "đấy là cái bàn").

Cấp bậc thứ nhất của quy luật tương liên (interdependence) là nhằm chỉ định sự tạo tác của các hiện tượng cấu hợp bởi quy luật nguyên nhân và điều kiện (dependent origination / conditioned co-production / kinh sách gốc Hán ngữ gọi là thuyết Nhân Duyên Sinh hay Lý Duyên Khởi / có nghĩa là một hiện tượng chỉ có thể phát sinh nhờ vào nhiều nguyên nhân và điều kiện), do đó nó chỉ có thể được sử dụng để chỉ định các hiện tượng được tạo dựng ra, tức là mang tính cách vô thường. Hai cấp bậc khác (thứ hai và thứ ba) của quy luật tương liên được sử dụng để chỉ định cả hai thể loại hiện tượng là trường tồn và vô thường.

Đức Phật thuyết giảng về mười hai mối dây tương liên (thập nhị nhân duyên) là nhằm mở ra một tầm nhìn thật bao quát đưa đến một lãnh vực ứng dụng thật rộng rãi. Ngài trình bày mười hai mối dây rất chi tiết trong bộ kinh Salistambasutra(Đạo Can Kinh / Kinh về cọng lúa - một bộ kinh Đại Thừa bằng Phạn ngữ rất xưa nay đã thất truyền, chỉ còn lại khá nhiều các bản dịch khác nhau bằng tiếng Hán và tiếng Tây Tạng, và một số các câu trích dẫn bằng tiếng Phạn được tìm thấy trong các tập sách bình giải xưa. Kinh này hàm chứa các quan điểm của cả Đại Thừa và Phật Giáo Theravada, do đó có thể xem như liên quan đến cả sự hình thành của Đại Thừa Phật Giáo. Nhiều học giả Tây Phương cho rằng đây là một bằng chứng cho thấy giữa Đại Thừa và Phật Giáo Theravada không có một sự ly giáo (schism) nào cả mà chỉ là một sự tách rời dần dần). Tương tự như nhiều kinh sách khác (của Đại Thừa) kinh này được trình bày theo cách hỏi đáp. Trong kinh này Đức Phật nêu lên hiện tượng tương liên qua ba thể dạng khác nhau:
1. Vì nguyên nhân sự hiện hữu của cái này hiện ra, cái kia sinh ra.
2. Vì nguyên nhân sự tạo tác của cái này, cái kia phát sinh.
3. Do đó mọi sự sẽ diễn tiến như sau: vì nguyên nhân vô minh tiên khởi được tạo tác(1) nên sự tạo nghiệp phát sinh (2); vì nguyên nhân sự tạo nghiệp được tạo tác nên tri thức(consciousness) phát sinh (3); vì nguyên nhân tri thức được tạo tác nên danh xưng và hình tướng phát sinh (4); vì nguyên nhân danh xưng và hình tướng được tạo tác nên các cơ sởcủa sự hiểu biết phát sinh (5); vì nguyên nhân các cơ sở của sự hiểu biết được tạo tác nên sự tiếp xúc phát sinh (6); vì nguyên nhân sự tiếp xúc được tạo tác nên giác cảm phát sinh (7); vì nguyên nhân giác cảm được tạo tác nên sự thèm khát(dục vọng) phát sinh (8); vì nguyên nhân sự thèm khát được tạo tác nên sự nắm bắt (bám víuphát sinh (9). Sự nắm bắt(bám víu) ấy sẽ tạo ra nghiệp (karma) gọi là nghiệp của sự hình thành (10). Sự hình thành đưa đến sự sinh (11)sự sinh sẽ đưa đến sự già nua và cái chết (12).
Qua cách khẳng định "vì nguyên nhân sự hiện hữu của cái này, cái kia sinh ra" Đức Phật cho thấy rằng các hiện tượng trong chu kỳ xoay vần của sự hiện hữu không hề được tạo ra bởi một sức mạnh tối thượng của một vị trời trường tồn nào cả, mà là do các điều kiện thật chính xác là các hậu quả nhất định nào đó chỉ có thể tạo ra bởi các nguyên nhân và điều kiện nhất định nào đó mà thôi (xin lưu ý các chữ nguyên nhân và điều kiện được dùng ở dạng số nhiều - sự kiện này dễ nhận thấy hơn trong các bản gốc bằng ngôn ngữ Tây Phương - có nghĩa là nguyên nhân cũng như cơ duyên đều mang tính cách cấu hợp và đa dạng. Do đó không nên nghĩ rằng, cho rằng hay "đổ thừa" rằng vì nguyên nhân này hay vì duyên cớ kia mà xảy đến cho mình hậu quả này hay hậu quả nọ. Tất cả các nguyên nhân và điều kiện đều mang tính cách cấu hợp, do đó chúng thật đa dạng và phức tạp).
Qua sự khẳng định thứ hai "vì nguyên nhân sự tạo tác của cái này, cái kia sinh ra" Đức Phật cho thấy rằng một hiện tượng [nếu đã mang] tính cách trường tồn [thì] không thể làm phát sinh ra được bất cứ gì, chẳng hạn như khái niệm "thực thể căn bản" do hệ thống Samkhya nêu lên (Samkhuya là một hệ thống triết học của Ấn Giáo xuất hiện vào khoảng các thế kỷ thứ IV-V, chủ trương có một thực thể căn bản và trường tồn. Thế nhưng nếu đã là trường tồn bất biến thì không thể làm phát sinh ra các hiện tượng vô thường được. Nói cách khác là một cái gì đó hoàn hảo, toàn năng và thánh thiện thì không thể tạo ra sự khổ đau và những gì tầm thường, lệ thuộc, thấp kém và không hoàn hảo). Nói một cách ngắn gọn là các hiện tượng của sự hiện hữu mang tính cách chu kỳ (luân hồi) đều phát sinh từ các điều kiện vô thường từ bản chất(các hiện tượng cũng "luân hồi" như chính chúng ta).
Do đó thắc mắc sau đây cũng có thể được nêu lên: nếu các hiện tượng của sự hiện hữu mang tính cách chu kỳ được tạo tác bởi các điều kiện vô thường, thì có phải là bất cứ một yếu tố vô thường nào cũng có thể tạo tác ra chúng hay không? Hoàn toàn không, bởi vì qua sự khẳng định thứ ba Đức Phật đã cho biết rằng các hiện tượng của sự hiện hữu mang tính cách chu kỳ không thể phát sinh từ bất cứ một nguyên nhân hay điều kiện vô thường nào, mà đúng hơn là từ các nguyên nhân và điều kiện rõ rệt mang tiềm năng làm phát sinh ra các hiện tượng rõ rệt (nói một cách nôm na là ăn mặn thì khát nước: nguyên nhân rõ rệt và kết quả cũng nhất định và rõ rệt như thế).
Sở dĩ Đức Phật thuyết giảng về sự tạo tác của khổ đau là do mười hai mối dây tương liên mang lại, ấy là nhằm mục đích nêu lên cho chúng ta thấy rằng nguyên nhân nguyên thủy của nó chính là thể dạng vô minh tiên khởi - với ý nghĩa là một sự u mê tâm thần tức là sự thiếu-hiểu-biết của chính mình. Sự sai lầm căn bản đó là nguồn gốc mang lại mọi sự hoang mang và làm phát sinh ra hành động (karma/nghiệp), và hành động sẽ lưu lại trong tâm thức một tiềm năng gây ra khổ đau bằng cách tạo ra một kiếp sống mới trong các chu kỳ hiện hữu (vô minh mang lại khổ đau bằng cách tạo ra sự tái sinh trong cõi luân hồi). Sự sinh đó sẽ tạo ra hậu quả sau cùng là mối dây tương liên cuối cùng, là khổ đau của sự già nua và cái chết.
Mười hai mối dây tương liên có thể được giải thích theo hai khía cạnh khác nhau: khía cạnh thứ nhất liên quan đến các hiện tượng không tinh khiết (tức bị ô nhiễm bởi các nhân tố bấn loạn), phương cách thứ hai liên quan đến các hiện tượng tinh khiết. Cũng tương tự như thế, đối với Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) tức là nền móng cơ bản nhất trong Giáo Huấn của Đức Phật, thì các nguyên nhân và hậu quả cũng được phân chia thành hai nhóm khác nhau: một nhóm thuộc thể loại các hiện tượng ô nhiễm(tạo ra khổ đau) và một nhóm thuộc các hiện tượng tinh khiết (con đường đưa đến chấm dứt khổ đau). Do đó, mười hai mối dây tương liên có thể vừa được sử dụng để chỉ định quá trình vận hành của các hiện tượng ô nhiễm cũng như quá trình của các hiện tượng tinh khiết. Trong số Bốn Sự Thật Cao Quý, thì sự thật về khổ đau - tức làsự thật thứnhất - được xem là kết quả mang lại từ thể loại các hiện tượng ô nhiễm, vàsự thực về nguồn gốc - tức là sự thật thứ hai - là nguyên nhân tạo ra khổ đau. Trong thể loại các hiện tượng tinh khiết, thì sự thật vềsự chấm dứt - tức sự thật thứ ba - là kết quả mang lại từ thể loại các hiện tượng tinh khiết, và sự thật về con đường- tức sự thật thứ tư - là nguyên nhânđưa đến sự chấm dứt khổ đau. Cũng tương tự như thế, trong trường hợp khi khái niệm về mười hai mối dây tương liên nêu lên cho biết là thể dạng vô minh tiên khởi sẽ đưa đến sự tạo nghiệp v.v..., thì đấy là cách giải thích căn cứ vào thể loại các hiện tượng ô nhiễm, và ngược lại trong trường hợp khi khái niệm này nêu lên sự chấm dứt của vô minh tiên khởi sẽ đưa đến sự đình chỉ của sự tạo nghiệp, v.v... thì đấy là cách giải thích liên hệ đến thể loại các hiện tượng tinh khiết. Trường hợp thứ nhất (liên quan đến các hiện tượng ô nhiễm) là con đường đưađến sự tạo tác khổ đau, trường hợp thứ hai (liên quan đến các hiện tượng tinh khiết) làcon đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau.
Nói cách khác thì muời hai mối dây tương liên có thể được trình bày hoặc bằng cách dựa vào quá trình đưa đến khổ đau, hoặc bằng cách dựa vào quá trình của sự tinh khiết hóa, tóm lại là một quá trình thì biểu trưng cho một sự diễn tiến tuần tự mang tính cách trói buộc (tạo ra khổ đau), và một quá trình thì nói lên một sự vận hành đảo ngược (mang lại sự giải thoát và đưa đến sự chấm dứt khổ đau).
Quá trình mang lại khổ đau sẽ diễn tiến tuần tự như sau :
- vì nguyên nhân vô minh tiên khởi, sự tạo nghiệp phát sinh,
- vì nguyên nhân tạo nghiệp, tri thức phát sinh,
- vì nguyên nhân tri thức, "danh xưng" và "hình tướng" phát sinh,
- vì nguyên nhân "danh xưng" và "hình tướng", các cơ sở của sự hiểu biết phát sinh,
- vì nguyên nhân các cơ sở của sự hiểu biết, sự tiếp xúc phát sinh,
- vì nguyên nhân tiếp xúc, giác cảm phát sinh,
- vì nguyên nhân giác cảm, sự thèm khát phát sinh,
- vì nguyên nhân thèm khát, sự nắm bắt (bám víu) phát sinh,
- vì nguyên nhân nắm bắt, sự hình thành (sinh khởi) phát sinh (nghiệp đã chín),
- vì nguyên nhân hình thành, sự sinh phát sinh,
- vì nguyên nhân sự sinh, "già nua" và "cái chết" phát sinh.
Sự diễn tiến mang tính cách trói buộc trên đây biểu trưng cho toàn bộ quá trình tạo tác của khổ đau và được sử dụng như là một khái niệm căn bản nhằm nêu lên nguồn gốc của khổ đau.
Theo thứ tự đảo ngược thì quá trình tạo tác trên đây sẽ diễn tiến như sau:
- các thứ khổ đau phải gánh chịu cũng như sự già nua và cái chết [tất cả đều] phát sinh lệ thuộc vào sự sinh,
- sự sinh phát sinh lệ thuộc vào sự chín muồi của nghiệp: có nghĩa là sự hình thành (sinh khởi),
- sự hình thành phát sinh lệ thuộc vào sự nắm bắt (bám víu),
- sự nắm bắt phát sinh lệ thuộc vào sự thèm khát,
- sự thèm khát phát sinh lệ thuộc vào giác cảm,
- giác cảm phát sinh lệ thuộc vào sự tiếp xúc,
- sự tiếp xúc phát sinh lệ thuộc vào các cơ sở của sự hiểu biết,
- các cơ sở của sự của hiểu biết phát sinh lệ thuộc vào "danh xưng" và "hình tướng",
- "danh xưng" và "hình tướng" phát sinh lệ thuộc vào tri thức,
- tri thức phát sinh lệ thuộc vào sự tạo nghiệp,
- sự tạo nghiệp phát sinh lệ thuộc vào vô minh tiên khởi.
Cách diễn tiến trên đây nêu lên Sự Thật Cao Quý thứ nhất trong Bốn Sự Thật Cao Quý: có nghĩa là khổ đau được xem như là hậu quả (của vô minh tiên khởi).
Quá trình tinh khiết hóa sẽ diễn tiến theo thứ tự như sau:
- khi vô minh tiên khởi chấm dứt, sự tạo nghiệp chấm dứt,
- khi sự tạo nghiệp chấm dứt, tri thức chấm dứt,
- khi tri thức chấm dứt, "danh xưng" và "hình tướng" chấm dứt,
- khi "danh xưng" và "hình tướng" chấm dứt, các cơ sở của sự hiểu biết chấm dứt,
- khi các cơ sở của sự hiểu biết chấm dứt, sự tiếp xúc chấm dứt,
- khi sự tiếp xúc chấm dứt, giác cảm chấm dứt,
- khi giác cảm chấm dứt, sự thèm khát chấm dứt,
- khi sự thèm khát chấm dứt, sự nắm bắt (bám víu) chấm dứt,
- khi sự nắm bắt chấm dứt, "sự hiện hữu" hay là sự hình thành (nghiệp chín muồi) chấm dứt,
- khi sự hình thành chấm dứt, sự sinh chấm dứt,
- khi sự sinh chấm dứt, sự "già nua" và "cái chết" chấm dứt.
Sự diễn tiến trên đây liên quan đến thể loại các hiện tượng tinh khiết và đồng thời cho thấy các nguyên nhân [sẽ mang lại các sự tinh khiết hóa ấy]. Và đấy cũng chính là sự thật về con đường(sự thật thứ tư) trong Bốn Sự Thật Cao Quý.
Thứ tự đảo ngược sẽ diễn tiến như sau:
- sự chấm dứt của sự "già nua" và "cái chết" lệ thuộc vào sự chấm dứt của sự sinh,
- sự chấm dứt của sự sinh lệ thuộc vào sự chấm dứt của sự hình thành (sinh khởi/nghiệp đã chín),
- sự chấm dứt của sự hình thành lệ thuộc vào sự chấm dứt của sự nắm bắt (bám víu),
- sự chấm dứt của sự nắm bắt lệ thuộc vào sự chấm dứt của sự thèm khát (dục vọng),
- sự chấm dứt của sự thèm khát lệ thuộc vào sự chấm dứt của giác cảm,
- sự chấm dứt của giác cảm lệ thuộc vào sự chấm dứt của sự tiếp xúc,
- sự chấm dứt của sự tiếp xúc lệ thuộc vào sự chấm dứt của các cơ sở của sự hiểu biết,
- sự chấm dứt của các cơ sở của sự hiểu biết lệ thuộc vào sự chấm dứt của "danh xưng" và "hình tướng",
- sự chấm dứt của "danh xưng" và "hình tướng" lệ thuộc vào sự chấm dứt của tri thức,
- sự chấm dứt của tri thức lệ thuộc vào sự chấm dứt của sự tạo nghiệp,
- sự chấm dứt của sự tạo nghiệp lệ thuộc vào sự chấm dứt của vô minh tiên khởi.
Theo thứ tự trên đây thì sự diễn tiến của quá trình tinh khiết hóa liên hệ đến cáchậuquả được tạo ra, tức là sự thật về sự đình chỉ(sự chấm dứt khổ đau), và cũng là sự thật thứ ba trong Bốn Sự Thật Cao Quý.
Sự diễn tiến mang tính cách trói buộc trên đây được minh họa trên một tấmthangka(thangka là các tấm biểu đồ thường được sử dụng trong Phật Giáo Tây Tạng nhằm cụ thể hóa các khái niệm phức tạp và trừu tượng giúp những người bình dị và chất phác không cần phải biết đọc cũng có thể hiểu được) trình bàybánh xe của chu kỳ hiện hữu (Hiình 1). Bánh xe này được chia ra thành năm phần thay vì là sáu, lý do là cõi thiên (deva/cõi trời) và cõi bán-thiên (asura/cõi a-tu-la) được gộp chung thành một cõi duy nhất. Cõi thiên và cõi bán-thiên là các cõi cao nhất, tiếp theo đó là cõi của những người được tái sinh trong các hoàn cảnh thuận lợi, tất cả các cõi này được trình bày ở nửa phần phía trên của bánh xe. Ba cõi khác được trình bày ở phần phía dưới của bánh xe là các cõi của các sinh linh phải tái sinh trong các hoàn cảnh bất thuận lợi hay bất hạnh, chẳng hạn như hàng thú vật, các sinh linh đói khát (preta), hoặc các sinh linh nơi cõi địa ngục. Tất cả các cõi này biểu trưng cho các cấp bậc khổ đau tương quan đến các thể loại sinh nở khác nhau (sinh ra từ tử cung, nở ra từ trứng, sinh ra trong các nơi ẩm thấp...).

 
H.1: Bánh xe biểu trưng cho chu kỳ hiện hữu 
và sáu đường (cõi) luân hồi  
(tiếng Phạn là Bhavacakra/Bánh xe của sự hiện hữu).



(còn tiếp)

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites