Pages

20 December 2012

Vững Tin Trước Thềm Năm Mới - Phần I


"Khi con người chỉ còn biết chăm lo, vun vén, hưởng lạc cá nhân và mặc sức tàn phá, huỷ diệt thiên nhiên, môi trường… tất chính những con người đó sẽ phải đón nhận lại những hậu quả do mình gây nên..."

                           Phần I



Càng gần ngày 21.12.2012 sự hoang mang, thấp thỏm và mối lo âu của không ít người càng được nhân lên… Có hay không ngày Tận Thế? Hãy lấy giả thiết là hiện hữu, thì mọi mối hoảng sợ hay lo âu đều trở nên vô nghĩa, bởi vạn vật trong vũ trụ từ khởi thuỷ đến nay đều không ngừng biến chuyển và vận hành theo quy luật: Thành-Trụ-Hoại-Diệt. Và con người chúng ta cũng luân chuyển theo một quỹ đạo tương xứng: Sanh-Lão-Bệnh-Tử. 
Như vậy Có hay Không ngày Tận Thế cũng chỉ là sự tuân thủ theo định luật tự nhiên và Nhân-Quả.

Người Phật tử nghĩ gì về sự kiện này? Tôi dùng hai từ „sự kiện“, bởi rất có thể ngày 21.12.2012 sẽ là một sự kiện được ghi lại trong lịch sử và dấu ấn của nhân loại đang sống trên hành tinh này. Trả lời câu hỏi này, chúng ta – Những người Phật tử phải cùng nhau khẳng định một cách dõng mãnh rằng: Không có ngày Tận Thế! Có chăng – đó là sự chuyển biến một thể chất này sang một thể chất khác; Một thế giới này sang một thế giới khác; Một trạng thái, không gian này sang một trạng thái, không gian khác; và một cuộc sống này, sinh mạng này sang một cuộc sống, sinh mạng khác. Nói khác đi: Đó chỉ là một tiến trình làm tăng-giảm những trang giấy mới hay cũ mà thôi. 

Căn cứ theo những kinh Pháp mà Đức Phật để lại, chúng ta không hề nghe thấy Phật nhắc đến ngày Tận Thế; trái lại duy nhất trong Kinh: Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận***, Đức Phật có đề cập đến về những biến cố xấu, đen tối sẽ xảy ra sau khi Đức Phật nhập diệt và kinh Pháp của đức Phật cũng vì thế mà dần dần tận diệt theo…  

Trong kinh Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận, Đức Phật nói:
„Khi chánh pháp sắp biến mất, phụ nữ sẽ trở nên tinh tấn và thường làm việc công đức. Đàn ông sẽ trở nên lười biếng và sẽ không còn ai giảng pháp . Những vị sa-môn chân chính sẽ bị xem như đất phân và không ai tin ở các vị ấy nữa. Khi chánh pháp sắp suy tàn, chư Thiên sẽ bắt đầu khóc lóc, sông sẽ khô cạn và năm thứ cốc loại không chín (mất mùa, đói kém). Bệnh dịch thường xuyên xảy ra, cướp đi vô số mạng người. Dân chúng phải làm việc cực khổ, quan chức địa phương mưu tính lợi riêng, không thuận theo đạo lý, đều ưa thích rối loạn. Người ác gia tăng nhiều như cát dưới biển, người thiện rất ít, hầu như chỉ có được một hoặc hai người.

Khi kiếp sắp hết, vòng quay của mặt trời và mặt trăng trở nên ngắn hơn và mạng sống của con người giảm lại. Bốn mươi tuổi đầu đã bạc . Đàn ông dâm dục, cạn kiệt tinh dịch nên sẽ chết trẻ, thường là trước 60 tuổi. Khi mạng sống của nam giới giảm, thì mạng sống cuả nữ giới tăng đến 70, 80, 90 hoặc đến 100 tuổi.

Những dòng sông lớn sẽ dâng cao bất thường không đúng với chu kỳ tự nhiên, nhưng con nguời không để ý hoặc không quan tâm. Khí hậu khắc nghiệt được xem là điều bình thường. Người các chủng tộc lai tạp lẫn nhau không phân quý tiện, chìm đắm, trôi nổi như cá rùa kiếm ăn .

Lúc đó các vị Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán bị chúng ma xua đuổi trục xuất không còn cùng dự trong chúng hội . Giáo lý Tam thừa vẫn được lưu hành ở vùng hẻo lánh, những người tu tập vẫn tìm thấy sự an lạc và thọ mạng kéo dài. Chư thiên sẽ bảo vệ và mặt trăng sẽ chiếu sáng họ, giáo pháp Tam thừa sẽ có dịp hòa nhập và chính đạo sẽ hưng thịnh. Tuy nhiên, trong năm mươi hai năm, kinh Thủ-lăng-nghiêm và Kinh Bát-chu Tam-muội sẽ bị sửa đổi trước tiên rồi biến mất. Mười hai bộ kinh sau đó sẽ dần dần bị tiêu trầm cho đến khi hoại diệt hoàn toàn và không bao giờ xuất hiện lại nữa. Văn tự kinh điển sau đó hoàn toàn không được biết đến, giới y của sa-môn sẽ tự bị biến thành màu trắng.

Khi giáo pháp của ta sắp biến mất, cũng giống như ngọn đèn dầu tỏa sáng lên trong chốc lát trước khi tàn lụi, chánh pháp cũng bừng sáng rồi suy tàn. Từ đó về sau khó nói chắc được điều gì sẽ xảy ra.

Thời kỳ này sẽ kéo dài suốt mười triệu năm. Khi Đức Di-lặc sắp thị hiện ở thế gian để thành vị Phật tiếp theo, các cõi nước đều được hoàn toàn an vui. Khí độc sẽ bị tiêu tán, mưa nhiều và đều đặn, năm thứ cốc loại tươi tốt, cây cối sum suê cao lớn, và loài người sẽ cao đến tám trượng (hơn 24 mét) tuổi thọ trung bình của con người sẽ đến 84.000 năm, chúng sanh được độ khó có thể tính đếm được…“

Căn cứ vào những lời giáo huấn của Đức Phật để lại, chúng ta có thể nhận biết một hiện cảnh của cõi Ta-bà hiện tại đã, đang và sẽ dần dần đi vào quỹ đạo mà Đức Phật đã đề cập tới. Nghĩa là:
„…sông sẽ khô cạn và năm thứ cốc loại không chín (mất mùa, đói kém). Bệnh dịch thường xuyên xảy ra, cướp đi vô số mạng người. Dân chúng phải làm việc cực khổ, quan chức địa phương mưu tính lợi riêng, không thuận theo đạo lý, đều ưa thích rối loạn. Người ác gia tăng nhiều như cát dưới biển, người thiện rất ít, hầu như chỉ có được một hoặc hai người…“
„Khi kiếp sắp hết, vòng quay của mặt trời và mặt trăng trở nên ngắn hơn và mạng sống của con người giảm lại. Bốn mươi tuổi đầu đã bạc…“
„Những dòng sông lớn sẽ dâng cao bất thường không đúng với chu kỳ tự nhiên, nhưng con nguời không để ý hoặc không quan tâm. Khí hậu khắc nghiệt được xem là điều bình thường. Người các chủng tộc lai tạp lẫn nhau không phân quý tiện, chìm đắm, trôi nổi như cá rùa kiếm ăn…“

Nhưng tất cả những viễn cảnh tối tăm ấy không nói lên đó là dấu hiệu của ngày Tận Thế, mà nó đang và sẽ là một tiến trình chuyển đổi từ một trạng thể, không gian này sang một trạng thể, không gian khác. Điều này nếu chiếu xét theo định luật tự nhiên và Nhân-Quả nó là một tiến trình tất yếu không thể cưỡng cầu. Khi con người chỉ còn biết chăm lo, vun vén, hưởng lạc cá nhân và mặc sức tàn phá, huỷ diệt thiên nhiên, môi trường… tất chính những con người đó sẽ phải đón nhận lại những hậu quả do mình gây nên. 

Như vậy là chính con người – chúng ta - đang từng ngày, từng giờ, từng giây, phút tự huỷ diệt chính mình chứ thiên nhiên và môi trường vốn không thể tàn phá hay huỷ diệt con người được.
 Thiện Lợi
(còn tiếp) 

Ghi chú: Phật Thuyết Kinh Pháp Diệt Tận
Trích từ sao lục của SENG YU Bản dịch Hán văn: Vô danh 
Đại Chánh Tạng Quyển 13 Hịệt 1118 Số 396 Niết Bàn Bộ
Bản dịch Anh ngữ: Tỷ-khưu THÍCH HẰNG THẬT Vạn Phật Thánh Thành - Hoa Kỳ
Bản dịch Việt ngữ: THÍCH NHUẬN CHÂU (Tịnh thất Từ Nghiêm, Đại Tòng Lâm)
Ban Việt Dịch Vạn Phật Thánh Thành đối chiếu Hán văn và hiệu đính

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites